Thursday, 20 May 2010

Giáo dục đại học: hai góc nhìn


Tự nhiên sáng nay mở mắt dậy, trước khi đi gặp thầy Peter lại có đôi chút cảm nghĩ về chuyện dạy học nước mình và nước bạn. Hôm trước ngồi đọc tiểu sử và những giới thiệu về các giáo viên trong trường tự nhiên thấy một vài điều đáng suy nghĩ. Ở bên này, người thầy giáo, khi đã đạt đến trình độ cao, họ vẫn tiếp tục nghiên cứu, bên cạnh việc giảng dậy là những bài báo, những công trình, vẫn nghiên cứu và tranh luận về những vấn đề học thuật. Cứ thử search một bài journal nào đó để làm tư liệu xem, rất nhiều trong số đó là của các giáo sư trường này, trường kia. Tôi không nói là ở Việt Nam không có, nhưng số lượng nghiên cứu và những công trình được thấy có lẽ ít hơn. Với những giáo viên ở đại học mà tôi đã học qua, công việc chủ yếu của họ là chuẩn bị bài giảng, chấm bài cho sinh viên, đi họp và đi dạy thêm tại các địa phương, không mấy khi đọc được một bài báo hay một bài nghiên cứu từ giáo viên.
Nói đi cũng phải nói lại, không thể trách giáo viên không chịu nghiên cứu mà một phần cũng là do điều kiện chưa đủ. Thử nhìn lại xem, giáo viên ở bên này có phòng riêng, có đầy đủ trang thiết bị và với mức lương cao, đủ sống, đủ để trả cho họ ngoài giờ giảng dậy còn làm thêm phần nghiên cứu, trong khi với giáo viên ở nhà, kể cả khi họ có tâm với nghề họ cũng không lấy đâu ra chỗ mà nghiên cứu, không thể không đi dậy thêm với đồng lương chính quy eo hẹp. Như thầy trưởng khoa của tôi là một ví dụ. Tuy là trưởng khoa nhưng thầy không có phòng riêng, nơi mà thầy ngồi là bàn uống nước của văn phòng khoa cùng với các giáo viên khác. Chấm bài ở đó, họp văn phòng khoa cũng ở đó, nghỉ ngơi nói chuyện cũng ở đó. Nói chung văn phòng khoa có nghĩa là tất cả, thế nên là muốn gặp thầy cô nào, hay muốn giải quyết sự vụ gì thì cứ lên văn phòng khoa, vì ngoài chỗ đó ra đâu có địa điểm riêng để gặp mặt các thầy. Vẫn nhớ ngày làm luận văn tốt nghiệp, mỗi thầy cô được phân công hướng dẫn cả vài chục sinh viên, nhiều hôm đến đến nơi rồi vẫn chưa vào gặp giáo viên được vì nhóm của giáo viên khác còn chưa ra, nhóm này chưa xong thì nhóm khác vẫn cứ thế đứng ngoài chờ. Nghĩ đi nghĩ lại cũng thấy thương cho cả thầy cả trò ở nhà... Một thầy giáo dạy hóa cấp 2 cũng từng nói nếu mà mức sống khá hơn, đồng lương nó đỡ hạn hẹp lên thì thầy cũng muốn dành thời gian tìm tòi nhiều thứ, hoàn thiện hơn phương pháp giảng dậy, nhưng cuộc sống là thế, không đi dạy thêm thì làm sao đủ sống?

Đấy là một phần của câu chuyện về giáo dục ở bên nước bạn và nước mình. Điều tôi muốn nói nhiều hơn là phương pháp giáo dục, cái mà theo tôi là sự khác biệt lớn nhất trong hai cách dạy và học. Vấn đề không hoàn toàn là ở dụng cụ, trang thiết bị, vấn đề cốt lõi nằm ở chủ thể của việc học. Ở bên này, chủ thể của việc học, trung tâm của việc giảng dậy là người học. Mọi việc từ học hành, đến nộp bài, đến thi cử đều là ở sự tự giác của sinh viên. Thời khóa biểu và deadline các bài được công bố từ đầu năm, ai học cứ học, ai chơi cứ chơi, ai thích lên lớp thì lên mà nếu không lên cũng chẳng ai nói gì miễn là anh có đủ bài kiểm tra, có đủ bài luận, nộp đúng hạn và làm sao để chất lượng các bài đủ cho anh đạt và lên lớp. Thành ra ý thức của sinh viên tự nhiên được đẩy lên rất cao. Làm người ai cũng có cái lười, ai cũng thích chơi, nhưng nhìn khối lượng công việc, nhìn những hạn định trước mắt, không chủ động làm thì không được, chẳng ai giúp được mình.

Ở Việt Nam thì khác, chủ thể của khóa học phần nhiều là người thầy giáo. Học sinh chúng tôi bị ảnh hưởng bởi quan điểm giảng dậy của thầy. Thầy nói đúng là đúng, bảo sai thì biết là sai. Thời gian 4 năm trời học đại học, được hiểu là 4 năm trời ngày ngày lên lớp, còn những lúc tự học, có thể cộng dồn lại chẳng quá nổi một vài tuần. Tôi vẫn tự hỏi tại sao sinh viên Việt Nam sang đây lại đọc sách và đọc tài liệu nhiều hơn hẳn khi ở nhà? Cũng vẫn là những con người đấy, nhưng môi trường khác sẽ tạo động lực và thái độ khác với việc họ đi học ở nhà. Như ngày còn ở nhà, cũng có deadline đấy, nhưng là deadline mềm, nếu làm không kịp thì hoãn đấy mấy hôm sau lên "xin xỏ" thầy, lí do lí chấu gì đấy vì tội nộp muộn. Những bài chúng tôi làm mang tính nghiên cứu một chút thì chủ yếu là bài tập nhóm, ai cũng chỉ biết phần của mình, chả buồn đọc xem những đứa khác viết cái gì, có thống nhất hay không. Nói là nghiên cứu nhưng chủ yếu là bài tìm tài liệu trên mạng copy cắt paste vào thành một bài tổng hợp thông tin và không trích nguồn gốc, cứ có gì được được thì đưa vào cho đủ trang cho đủ chữ không thua kém bạn bè. Thành ra những gì mà giáo viên đọc và chấm hàng ngày cũng dường như chỉ là những đoạn cắt ghép, công sức của sinh viên có lẽ là ở chỗ nối những đoạn khác nhau ấy thành một bài, còn ngoài ra là không phải nghĩ nhiều. Chỉ đến ngày làm luận văn thì có khái niệm phải viết danh mục tài liệu tham khảo, nên lại cuống cuồng đi tìm sách nọ, web kia để nhét vào, cũng không có chuẩn mực nào cả. Sinh viên dường như bị động trong toàn bộ việc học, học đối phó, học cho có đủ bài đủ điểm, rồi thiếu đâu thì xin, kém đâu thì nhờ vả, không đọc sách, không tranh luận, học xong 4 năm chẳng có khái niệm về một vấn đề gì rõ ràng. Tư tưởng vào được đại học rồi là xong, vào được khắc ra được đã ăn sâu vào cảm nghĩ của nhiều người.

Lại nhìn lại sinh viên bên này. Đâu phải họ không lười, và không có những tư tưởng đối phó, nhưng phương pháp học hướng sinh viên tới việc buộc phải chủ động. Họ muốn đi chơi nhưng thời gian nộp bài đã gần nên không làm không được. Mà bài nộp thì không thể cứ cắt paste ghép bừa. Bài nộp là phải có references, phải trích nguồn tư liệu, phải paraphrase lại chứ không thể cắt ở đâu đó ra rồi ngang nhiên dán vào thành bài của mình. Nguồn tài liệu thì không thể từ những báo lá cải, những bài không tên trên forum hay những nguồn tin dễ tìm, mà đó phải là sách, báo và journal chính thống, có tên tuổi và thông tin về người viết. Một vấn đề không thể nói qua qua cho xong, mà phải trình bày thành các phần đầy đủ, có dẫn chứng và các ý kiến của những người được trích dẫn để lập luận hay bác bỏ. Một bài viết thông thường phải tranh luận từ hai phía nếu không nói là nhiều phía thì mới mong có điểm tôt. Khó hơn nữa là lượng từ và chữ bị giới hạn, nghĩa là trong một lượng từ nhất định, sinh viên phải tranh luận một vấn đề, thành ra không phải muốn đưa cái gì vào cũng được, càng dài càng tốt đếm trang tính điểm, mà cần phải chọn lọc những ý chính và thật quan trọng để đưa vào bài, có muốn lan man cũng không được. Điều này tạo cho sinh viên sự ngắn gọn xúc tích, viết chặt chẽ, nhìn vấn đề từ nhiều phía và giáo viên cũng không mất thời gian vì phải đọc quá nhiều. Khi học tập ở bên này mới hiểu cái cảm giác thế nào là viết luận, thế nào là deadline thật sự. Chẳng ai bảo học sinh phải đọc sách, chẳng ai bảo phải ngồi học, phải lên thư viện, nhưng sinh viên ai ai cũng phải lên mượn sách về đọc, phải lên mạng tìm tài liệu, cũng phải ngồi hì hục viết luận chứ không mong cắt ghép dễ dàng. Ở bên này cũng không có khái niệm chép bài, quay bài hay xin xỏ điểm, cứ học sao thi vậy thành ra đến mùa thi sinh viên không ai nói cũng tự học nghiêm túc, 12h đêm những ngày cao điểm, thư viện vẫn đông nghẹt. Lại có người nói, học đại học ở bên này, vào được nhưng chưa chắc đã ra được, mà để ra với bằng distinction thì còn là giấc mơ của nhiều người.

Còn một vài điều suy nghĩ nữa, nhưng có lẽ đến lúc đi gặp thầy rồi.

No comments:

Post a Comment