Thi cử xong, đi lang thang, lại tình cờ gặp những đoạn viết ngắn đáng yêu quá... Cảm giác như tìm thấy mình ở đâu đó, tìm thấy bố ở đâu đó, và tình cảm cha con thì ở từng câu từng chữ một. Cảm ơn bác Khủng long cha.
---------------------------
Tôi quyết định viết về con gái đầu lòng của mình như những kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong cuộc đời này. Cũng giống như bao người cha khác, tôi đã háo hức biết bao chờ ngày con gái cất tiếng khóc chào đời. Từng ngày từng ngày con lớn lên, tiếng nói tiếng cười trong trẻo của con là giai điệu ngọt ngào nhất mà cha không thể nào quên...
Cha sẽ bắt đầu ghi lại những gì xảy ra khi con 3 tuổi...
Cha sẽ bắt đầu ghi lại những gì xảy ra khi con 3 tuổi...
1. Chuyện thứ nhất: Mặc quần áo
Cha không nhớ con tự biết mặc quần áo chính xác là vào khi nào nữa, chỉ nhớ có lần thấy con tự mình kéo cái quần xộc xệch, dù đằng trước đã kín nhưng đằng sau thì vẫn cuộn tròn để hở ½ cái mông. Con cứ để như vậy và coi như nhiệm vụ kéo quần đã hoàn thành và ½ cái mông thừa ra ngoài như vốn dĩ nó phải thế.
Con cũng đã thôi đóng bỉm vì lớn thế này thì ai còn tè dầm nữa. “Tè dầm như em Bốp xấu lắm!” con khẳng định điều này với cái lười thè ra lém lỉnh. Nhưng vậy mà có hôm đệm nhà mình vẫn ướt, sáng dậy con chẳng nhớ là đêm qua mình đã tè dầm, chỉ bẽn lẽn “Con thạch sùng nó làm ướt quần con bố ạ!”.
Nhưng không đóng bỉm không có nghĩa là con không có cái gì mặc bên trong. Con thấy các chị bé học lớp 3, 4 bên hàng xóm mặc cái quần “nhỏ nhỏ ở bên trong ấy”, biết được đó là quần lót con đòi mẹ mua bằng được và phải chắc chắn là mẹ mua được quần lót có hoa cơ! Con rất chăm mặc quần lót và có thêm cái quần lót đẹp cũng không làm con bớt tè dầm những khi mải chơi, mà điều đó có nghĩa là phải giặt thêm cho con một chiếc quần nữa. Cha thấy chức năng duy nhất của nó là để nó đỡ hở khi quần bên ngoài của con bị toạc ở đúng chỗ... không được phép hở!
Buổi sáng, con mặc quần áo đi học...
Con cởi truồng, phải dùng từ ấy mới chính xác, và để nguyên tình trạng ấy mà lục tìm cái quần trong ngăn tủ... Tìm thấy quần, con cầm nó và chạy một mạch vào trong buồng, kéo màn gió cẩn thận và từ trong đó con nói vọng ra: “Không ai được vào đây đâu nhé, con đang thay quần đấy!”. Ôi trời, con có biết cái gì cần phải giữ kín không con yêu?
----------------------------
2. Chuyện thứ 2: Ngày khai trường
Ngày đầu tiên đến trường đúng vào ngày lập thu. Cha không chọn lựa và chắc trường học của con cũng không chọn nhưng lại thật tình cờ vì ngày học đầu tiên của có tiết trời thu thật đẹp. Đó là ngày mà cha thấy con vui lắm. Con chỉ các hình vẽ và luôn miệng nhắc: “Bố nhìn con rùa kìa, con chim kìa...”. Rồi con vênh mặt nói vẻ tự hào lắm: “Trường của con đấy!”
Ừ, cha biết trường của con rồi! Con thích nó vì ngoài sân có con thú nhún cho con chơi, có cái đu quay cho con ngồi, có cái rổ bóng để con lăn lê bò toài trong đó. Sáng nay cũng vậy, con mặc thật đẹp, đeo ba lô, đi giày vải... ra dáng người lớn (trong ba lô lại có cả hộp sữa, bình nước và quần dự phòng tè dầm nữa chứ! ). Đến trường là con sà vào chỗ chơi ngay. Con tưởng việc đi học của con cũng giống như những lần đi chơi công viên là có rất nhiều đồ chơi và luôn có cha mẹ bên cạnh. Thấy cha giục con chơi nhanh lên rồi còn lên lớp thì nét mặt con lộ vẻ ngạc nhiên: “Lớp của con đây mà!”
“Không, lớp của con ở trên kia. Chỗ có cô giáo cơ!”
Okei! Con rời khỏi lưng con thú nhún và hăm hở leo lên gác... Chắc con nghĩ lớp học còn có nhiều cái hay hơn, đáng để khám phá lắm!
Cô giáo thật xinh, đấy là theo nhận xét của cha . Còn con thì chỉ nhìn cô lạ lẫm! Cha đặt con vào tay cô và nói lời tạm biệt... Bỗng dưng đôi mắt tròn xoe của con ngơ ngác, rồi từ đó lăn dài hai dòng nước mắt, cái miệng con mếu xệch, con hét lên: “Không, con đi với bố cơ, con không ở đây một mình đâu!”
Con túm áo cha thật chặt. Cha hiểu, con đang sợ vì cảm giác bị bỏ lại ở một nơi toàn những người lạ. Không bao giờ mà con yêu, chỉ là đi học thôi. Ai cũng phải đến trường chứ!
Cuối cùng thì cha cũng dứt được con ra để đi. Xuống dưới tầng một rồi vẫn còn nghe thấy tiếng con gào, có vẻ to nhất trong số các bạn cùng đến lớp buổi sáng hôm ấy! Ngày đầu tiên không có vẻ gì suôn sẻ!
Từ ngày hôm sau, cứ chạm cổng trường, nhìn thấy con rùa, con chim, con thú nhún... là con ôm ghì lấy cha: “Con không học đâu, không ngồi thú nhún đâu!”. Cảm giác tự hào về trường học của con đâu rồi nhỉ? Cha cười và cố gắng động viên con bằng cách nhìn các bức tranh và bắt đầu chào từng nhân vật:
“Chào bạn rùa nhé!”
“Chào bạn sóc!”
“Chào nàng Bạch Tuyết, chào bảy chú lùn!”
Và cả... “Chào củ khoai, chào ông mặt trời, chào cái nhà, chào quả bí...”. Con bắt chước làm theo và tạm quên đi nghĩa vụ đi học đang chờ con trên tầng 3. Hôm nay con không chịu hăm hở đi bộ nữa, không chịu tự mình đeo ba lô nữa mà bắt cha bế và xách ba lô cho con! Con vẫn tiếp tục gào thét nhưng dường như con đã nhận thức được việc phải đi học cho nên khi chia tay cha con chỉ mếu máo: “Chiều bố đón con sớm nhé!”
Ôi, giá mà cha có thể ghi lại được tiếng nói của con lúc bấy giờ, nó như van xin, như năn nỉ đến tội nghiệp. Có lẽ chẳng bao giờ cha có thể quên được tiếng nói của con: “Chiều bố đón con... sớmmmm nhé!!!!!"
Giờ đây con đã quen trường, quen lớp, quen các bạn nhưng chắc sau này chẳng bao giờ con có thể nhớ được ngày đầu tiên đến trường của con như thế nào đâu. Rồi cha sẽ kể cho con nghe! Kỷ niệm tuổi thơ như những bức tranh tuyệt đẹp mà con nên giữ, nó sẽ theo con đi suốt cuộc đời này và biết đâu, những lúc mà lòng con rối bời nhất lại là lúc con cần đến nó...
---------------------
3. Chuyện thứ 3: Cái roi và sự trừng phạt
Cha rất nghiêm khắc với con, mặc dù yêu con nhiều lắm. Đã có lần cha lấy roi và vụt vào mông con thật đau, rồi nhìn lại thấy thật xót xa... Con là một cô bé ngoan, nhưng đôi khi con vẫn khá bướng bỉnh và hay phá các quy ước. Con chạy đi chơi không hỏi bà, hỏi mẹ... Con lấy đũa bát và nghịch thức ăn... Con hay cúi đầu qua lan can để đùa với em Bốp... Tất cả những thứ nhỏ nhỏ ấy, cha đã muốn con phải nhớ và không được làm. Chỉ vì nó không tốt và đôi khi còn nguy hiểm nữa!
Những lần nhìn con đứng trước cây roi, tay chân run bắn, cha không thể vung roi lên được. Con rất sợ bị phạt và có lần thấy chiếc roi trên tay cha, nước mắt con chảy tràn ra còn... cái quần thì cũng dần ướt sũng. Cha không thể đánh con được nữa mà bắt đầu nghĩ đến một hình thức phạt mới: cho con nợ roi và úp mặt vào tường, tự suy nghĩ về những việc con đã làm. Ban đầu con làm theo một cách tích cực ra vẻ hối lỗi lắm. Sau đó thì...
Con đứng đó, đôi chân nhỏ xíu luôn ngọ ngoạy. Di bên này một tí, di bên kia một tí. Móng tay vạch những đường vô nghĩa trên tường. Thỉnh thoảng liếc nhìn cha một cái, nhìn ra cửa sổ một tí xem ngoài ấy có gì và có hôm con đã quên là mình đang bị phạt, quay sang cha đề nghị: “Bố ơi, đưa cho con con búp bê!”
Ôi trời! Cha đang phạt con kia mà, đâu phải bắt con đứng đó để chơi với búp bê!
Chỉ được một lát, thấy em Bốp đang chơi gần đó, con liếc nhìn sang em gật gật. Cậu bé 1 tuổi nhà cô Nh. dường như còn quá nhỏ để có thể hiểu được cái gật đầu của con có nghĩa gì. Nó tiếp tục với món đồ chơi cũ... Đến lúc ấy thì con không thể tiếp tục ra hiệu với em nữa mà bắt đầu gọi: “Bốp ơi, vào đây chơi với chị, chị không ra ngoài được!” Thôi, thế là hình thức phạt của cha đã bị phá sản.
Cũng may, càng ngày con yêu càng ngoan ngoãn và biết nghe lời. Cha cũng không hay phạt con nữa vì biết rằng có thể điều này rất ảnh hưởng đến tâm lý của con. Cha muốn con thật yên tâm rằng cha mẹ không phải là những người quá nghiêm khắc với con mà chỉ mong muốn được làm người bạn thực sự của con, mang lại những điều tốt nhất cho con mà thôi!
Source: written by Khủng long cha in webtretho
Và những nhận xét cũng đáng yêu không kém:
"Em không ủng hộ cách dạy con phải đánh thật lực cho tỏ rõ cái uy của mình... Ngày xưa bố em mỗi lần gọi về chỉ cần nói: "Con mang cái dạ về đây!" là em đã rụng rời chân tay rồi... Chẳng thấy bố vung roi lên gì cả mà vẫn thấy uy nghiêm. Giờ đây học lại bài của bố, chỉ cần hỏi con gái: "Tội này của con đáng mấy roi?" là con đã mếu máo "Chín roi!"
(Công chúa nhỏ của em chưa biết số nào lớn số nào bé, cái gì cũng 9 cho nên ngay cả khi hỏi nhận mấy roi cũng xin... 9!!! Ngày xưa cũng câu hỏi ấy của bố em chỉ xin 2 roi thôi! )
"Thế bây giờ bố đánh 1 roi còn lại cho con nợ nhé!"
"Vâââââââââng!!!" (Đầy cam chịu... Ngày xưa đến đoạn này là em giở ngay bài van xin, cầu khẩn... )
Tuy thế em mới vụt đít con có 3 lần, mặc dù đã cố gắng đánh thật nhẹ nhưng lần nào cũng làm lằn mông vì làn da của con rất mỏng. Vụt một cái mất cả buổi tối ngồi xoa mông cho con... Thương nhất là khi bị roi con không thể khóc được, cứ tức tưởi nấc lên trông thật tội!
Bây giờ chơi với búp bê thỉnh thoảng cũng nghe thấy con gái nói: "Em hư lắm, đáng mấy roi nào?"
"Chín roi nhé... Được rồi, chị cho em nợ, úp mặt vào tường nhanh lên!"
-----------------------------------
Con gái em mỗi lần hỏi đánh mấy roi là xí xớn:
"Ba roi"
Rồi chìa tay cho bố đánh rất thỏa mãn .
Có hôm còn tự giác:
"Bố ơi, nó nghịch bố đánh nó đi"
--------------------------------
Chả là vì muốn con phát triển đầy đủ nhân cách khi hoàn cảnh là "gà Trống nuôi con" nên mình đôi lúc phải đóng vai làm "1 thằng em trai" trong trò chơi chăm sóc gia đình của con gái
Thế là thình thoảng "thằng em trai" lại bị chị đánh cho vì cái tội ăn tham và cái tội không chịu rửa tay trước khi ăn cơm . Chị tớ bảo là ở lớp cô giáo dạy rằng: "phải rửa tay trước khi ăn cơm" Thế là tớ thỉnh thoảng lại bị ăn đòn ... đã thế chị lại còn mắng rằng:
- Cái thằng bé này .... hư quá , chị sẽ về mách bố !!! ???
Đã bị ăn đòn rồi mà chị lại còn dọa sẽ "Về mách bố" nữa cơ chứ ........ hu hu hu ......
Có lần tớ xui , nếu em ngoan thì chị phải đến lớp xin cô giáo cho thêm 1 phiếu bé ngoan nhá . Thế là chị xin thật , sau này khi đón con cô giáo kể :
- Cô hỏi xin cho ai ?
Trả lời :
- Dạ , con xin cho em bé ạ
- Thế em bé không đi trẻ à ?
- Không em bé đi làm ạ ???
Mãi sau cô mới biết là em bé của cháu đã lớn rồi . Cô hỏi tiếp thế bố năm nay bao nhiêu tuổi ? và tuổi con gì?
Nghe con hỏi mình liền bảo rằng :
- Bố tuổi con voi !
Cháu thật thà kể lại cô nghe ... Hôm đó đi học về cháu kể lại là :
- Thế bố tuổi con gì mà khi con bảo thế cô lầm bầm nói là "Đến bố tuổi con gì mà cũng chả biết "
----------------------------------
Source: webtretho
-----------------------------------
Con gái em mỗi lần hỏi đánh mấy roi là xí xớn:
"Ba roi"
Rồi chìa tay cho bố đánh rất thỏa mãn .
Có hôm còn tự giác:
"Bố ơi, nó nghịch bố đánh nó đi"
--------------------------------
Chả là vì muốn con phát triển đầy đủ nhân cách khi hoàn cảnh là "gà Trống nuôi con" nên mình đôi lúc phải đóng vai làm "1 thằng em trai" trong trò chơi chăm sóc gia đình của con gái
Thế là thình thoảng "thằng em trai" lại bị chị đánh cho vì cái tội ăn tham và cái tội không chịu rửa tay trước khi ăn cơm . Chị tớ bảo là ở lớp cô giáo dạy rằng: "phải rửa tay trước khi ăn cơm" Thế là tớ thỉnh thoảng lại bị ăn đòn ... đã thế chị lại còn mắng rằng:
- Cái thằng bé này .... hư quá , chị sẽ về mách bố !!! ???
Đã bị ăn đòn rồi mà chị lại còn dọa sẽ "Về mách bố" nữa cơ chứ ........ hu hu hu ......
Có lần tớ xui , nếu em ngoan thì chị phải đến lớp xin cô giáo cho thêm 1 phiếu bé ngoan nhá . Thế là chị xin thật , sau này khi đón con cô giáo kể :
- Cô hỏi xin cho ai ?
Trả lời :
- Dạ , con xin cho em bé ạ
- Thế em bé không đi trẻ à ?
- Không em bé đi làm ạ ???
Mãi sau cô mới biết là em bé của cháu đã lớn rồi . Cô hỏi tiếp thế bố năm nay bao nhiêu tuổi ? và tuổi con gì?
Nghe con hỏi mình liền bảo rằng :
- Bố tuổi con voi !
Cháu thật thà kể lại cô nghe ... Hôm đó đi học về cháu kể lại là :
- Thế bố tuổi con gì mà khi con bảo thế cô lầm bầm nói là "Đến bố tuổi con gì mà cũng chả biết "
----------------------------------
Source: webtretho
No comments:
Post a Comment