Monday, 21 June 2010

Tản mạn nhân ngày nhà báo...


 Trước hết xin chúc mừng những nhà báo, trong một ngày rất đặc biệt, ngày nhà báo Việt Nam 21/6. Không thể phủ nhận rằng trong thời gian qua báo chí có vai trò rất lớn trong các công tác xã hội, không chỉ là đưa thông tin về cuộc sống, về con người đến với đông đảo nhân dân, một cách nhanh và kịp thời, mà báo chí còn đóng góp rất nhiều trong việc phanh phui ra những hành vi sai trái, tham gia giải quyết nhiều vấn đề xã hội một cách nhanh nhậy. Xin cảm ơn các nhà báo. Mỗi lần tiếp xúc với họ, tôi đều thấy một sự khẩn trương, hối hả, một tác phong làm việc chuyên nghiệp và bằng ngòi bút của mình, họ đã làm được rất nhiều điều tốt đẹp cho xã hội. Thử tưởng tượng xem nếu không có báo chí, không có những cơ quan ngôn luận như thế thì xã hội sẽ như thế nào. 
Tuy nhiên, khi trao đổi cùng với một người bạn, chúng tôi cùng nhận thấy rằng có một vài điều chưa đồng tình với báo chí, đặt biệt là báo mạng trong thời gian qua. Trước hết đó là cảm giác mạnh mỗi lần  vào một trang báo và đập vào mắt là những tin giật gân như kiểu Quái xế đua tốc độ giữa ban ngày, xe buýt bị đốt cháy rụi, kinh hoàng vụ moi tim ăn phổi bạn tù, chuyện kinh hoàng về người đàn bà giết chồng hàng loạt...Chỉ nhìn qua cũng thấy ghê sợ mà không dám đọc. Ngày trước khi còn sống bà ngoại vẫn thường hay đọc báo, trên đó có nhiều bài giết người, cướp của, nhiều thông tin giật gân đến man rợ làm bà sợ không dám ra ngoài đường, tối trằn trọc không ngủ được vì thấy cuộc sống quá rối ren. Người già mà còn cảm thấy như vậy, không hiểu giới trẻ sẽ cảm thấy như thế nào mỗi lần đọc báo?!
Nhớ ngày xưa, trong thời kì chiến tranh, trên loa đài, trên báo chí những tấm gương anh hùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai, anh Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng...được tôn vinh và được nhắc lại rất nhiều lần, khiến khí thế toàn quân toàn dân càng trở nên hăng hái. Những sự hi sinh ấy  cổ vụ và tiếp thêm sức mạnh cho đồng bào, cho nhân dân quyết tâm đánh giặc. Hình ảnh những tấm gương các anh hùng ấy đã in sâu tới mức thỉnh thoảng bố vẫn lấy ra để đọc và kể cho các con nghe.
Lại nhớ ngày xưa bác Hồ phát động phong trào người tốt việc tốt, những nghĩa cử cao đẹp được xã hội trân trọng và tuyên dương. Xã hội bây giờ cũng không thiếu những hình ảnh đấy, những tấm gương vượt khó học giỏi, người lái taxi nghèo trả lại hơn 500 triệu cho người bị mất, những người phụ nữ nguyện chăm sóc những em nhỏ mồ côi...Những tấm lòng, những ý chí ấy vần tồn tại, nhưng trên mặt báo chí, nó dường như quá mờ nhạt so với những câu chuyện đau tim, kinh hoàng, và không gây chú ý bằng những tin nóng, những hình ảnh khiêu gợi. 
Tự đặt ra câu hỏi, nếu là một học sinh sinh viên còn đang trong thời gian định hình về tính cách, thường xuyên tiếp xúc với báo chí và với những thông tin như thế, thử hỏi các em sẽ nghĩ gì? Tại sao không viết nhiều hơn về những tấm gương tốt, không hướng mọi người tới những hành động đạo đức, những nghĩa cử cao đẹp, lối sống cao thượng, không làm cho mọi người tin vào những tấm lòng vàng, tin vào một xã hội tốt đẹp. Đành rằng báo chí phải phản ánh chân thực cuộc sống, phải đưa tin tức đến với độc giả, nhưng nếuu cứ mải mê trong cái thế giới báo chí với ma túy, mại dâm, đua xe, giết người thì không ít thì nhiều, những độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ cũng sẽ bị ám ảnh bởi những điều như thế và không thể nói chắc rằng hành động của các em, sẽ không bị ảnh hưởng bởi những điều các em đọc được. Báo chí phản ánh thông tin, nhưng sự cân đối giữa những thông tin tốt, và những thông tin xấu, những điều làm sai và cả những điều làm đúng cần có một tỉ lệ phù hợp, để độc giả khi đọc có thể cảm thấy rằng ngoài kia đang có nhiều điều sai trái, vi phạm, nhiều những điều đáng lên án, nhưng cũng có niềm tin hơn vào những điều tốt và tích cực.
Một góp ý nữa là văn hóa quảng cáo. Dù biết  rằng phải có duy trì quảng cáo thì mới có kinh phí để làm báo, nhưng không có nghĩa rằng có thể quảng cáo bừa bãi khắp mặt trang báo, với những thông tin hết sức là không phù hợp. Nào thì "Siêu mẫu gợi cảm-click"  nào thì "những nụ hôn đồng tính quyến rũ nhất", nào thì "người đẹp bikini". Không hiểu rằng trong khi cả xã hội, và ngay cả những người làm báo đang kêu gọi giới trẻ, giới học sinh sinh viên sống lành mạnh hơn, tích cực hơn, không truy cập những trang web xấu, nhưng cùng lúc đó, những mục quảng cáo lấp lánh, với hình ảnh sống động cứ như vậy đập vào mắt thì làm sao tránh khỏi tò mò, làm sao để tạo ra sự lành mạnh, khi mà những điều không lành mạnh được quảng cáo ở khắp nơi. 
Nêu một ví dụ về chuyện đồng tính. Rõ ràng khoảng chục năm trước, không nhiều người biết khái niệm thế nào là đồng tính, là lesbian, là gay, là hifi...thế nhưng một vài năm gần đây, khi văn hóa phương tây xâm nhập vào nước ta ồ ạt, khi những thông tin về đồng tính trên thế giới xuất hiện khắp nơi, và được quảng cáo (một cách vô tình?!) rộng rãi, thì giới trẻ đua nhau bắt chước. Các em nữ 9X cặp kè với nhau giả vờ là lesbian, kiss nhau và chụp những ảnh gợi cảm. Thử hỏi các em học những điều đấy ở đâu, nếu không phải là phim ảnh, là báo chí, là các đường link quảng cáo đến những website không tốt và rồi tệ hơn là các website bẩn. 
Tản mạn đôi điều về báo chí trong thời gian qua, không thể phủ nhận và cảm ơn những điều mà báo chí làm được cho xã hội, nhưng cũng còn nhiều điều để bàn dưới con mắt của một người trẻ. Hi vọng rằng những người làm báo Việt Nam sẽ chú ý hơn nữa, để những thông tin họ đưa ra, không chỉ mang tính thông tin, mà còn mang tính giáo dục và hướng con người đến cái chân, thiện, mĩ.
Một lần nữa, chúc mừng các nhà báo Việt Nam.

No comments:

Post a Comment