Có nhiều dẫn chứng thuyết phục cho thấy chính việc châu Âu nhiều lần làm ngơ trước các hành xử vô nguyên tắc của thành viên khiến Hy Lạp ra nông nỗi ngày nay.
Năm 1996, để chuẩn bị cho việc ra mắt đồng euro, Hội đồng châu Âu đã họp tại Dublin để thảo luận các vấn đề cần thiết. Và Liên minh châu Âu (EU) ký một hiệp ước quy định các thành viên trong nhóm giới hạn thâm hụt ngân sách hàng năm không vượt quá 3% GDP và tổng nợ chính phủ không vượt quá 60% GDP quốc gia.
Mười một sáng lập viên lúc bấy giờ vẫn ấn định giờ G là ngày 1/1/1999 ra mắt đồng euro. Nhưng không có quốc gia nào trong khối lúc bấy giờ đáp ứng được tiêu chí trên. Ví dụ lúc đó Bỉ có tổng nợ quốc gia lên đến 131% GDP.
Gia nhập vội vã
Tham vọng tạo ra một khối kinh tế chung có sức ảnh hưởng đã khiến cho các thành viên sáng lập lúc bấy giờ muốn có càng nhiều thành viên càng tốt. Điều đó khiến các tham vọng chính trị va vấp với những thực trạng về nền kinh tế các quốc gia.
Bất chấp tất cả, các quốc gia châu Âu “làm đẹp” sổ sách bằng mọi giá để kịp tiến độ gia nhập. Lúc đó, con số “sạch đẹp” thâm hụt 4% của Hy Lạp khiến một số người nghi ngờ.
Thần kỳ hơn khi Hy Lạp giảm được mức thâm hụt xuống còn 2,5% vào năm 1998 và dự báo lúc bấy giờ nói thâm hụt chỉ còn 1,9% vào năm 1999. Cả châu Âu đã hoan hô thành tích này, tung hô Hy Lạp như một câu chuyện thần kỳ khiến một số nước phải ngưỡng mộ. Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha cũng cố gắng “đạt thành tích” thâm hụt chỉ 3%.
Những số liệu “ma”
Quả đúng như người ta nghi ngờ. Tháng 3.2000, dưới một tiêu chuẩn kế toán mới, cho thấy thâm hụt thực sự của Hy Lạp vào năm 1998 là 3,2%. Đến năm 2004 một báo cáo khác lại chỉ ra con số thâm hụt của Hy Lạp vào năm 1998 là 4,3%, bởi Hy Lạp đã nhập nhằng tiền chi tiêu mua sắm công với viện trợ chính phủ đến 2 tỉ euro.
Không chỉ thế, Hy Lạp còn cố ý không tính đến một số chi tiêu quân sự cũng như y tế trong tổng chi chính phủ. Ngược lại, quốc gia này còn xem một số viện trợ từ châu Âu là khoản thu vào của chính phủ.
Với cách này, Hy Lạp đã “bùa” thâm hụt ngân sách năm 2003 một cách khó tin. Vào tháng 3/2004, Hy Lạp công bố thâm hụt ngân sách 2,6 tỉ euro tương đương 1,7%, tức thấp hơn nhiều so với mức trung bình của EU là 2,7%. Điều đó khiến nhiều người nghi ngờ và EU gây áp lực khiến Hy Lạp công bố lại.
Dưới áp lực từ châu Âu, Hy Lạp công bố là 3,2% bởi trước đó đã tính các trợ cấp thuế ước tính của châu Âu vào nguồn thu chính phủ. Bốn tháng sau đó, Hy Lạp thừa nhận đã bỏ qua một số khoản chi tiêu quân sự, tính cao lên giá trị thặng dư an sinh xã hội cùng lãi suất thấp đi, nên con số thực phải là 4,6%. Đến tháng 3.2005, Hy Lạp “thành thật” thông báo thâm hụt của năm 2003 là 5,2%. Và trong lần “thành thật” cuối cùng vào cuối năm đó, con số tăng lên mức 5,7%. Sau 18 tháng, số liệu thâm hụt năm 2003 đã tăng từ 2,6 tỉ lên 8,8 tỉ euro.
Có lợi cùng hưởng, có hoạ… tự chia
Theo ông Jean-Pierre Jouyet, chủ tịch uỷ ban Giám sát thị trường chứng khoán Pháp và là cựu cố vấn trưởng của chủ tịch Uỷ ban châu Âu, vấn đề hiện tại của Hy Lạp cũng cho thấy thể chế tài chính của EU không đủ năng lực và chuyên môn để kềm chế những thành viên không tuân thủ hiệp ước của khối.
David Marsch, tác giả cuốn Đồng euro là cuốn sách nói đến quá trình khai sinh ra đồng tiền này lý giải liên minh tiền tệ đã được xem là công cụ cho liên minh chính trị, nên các “sáng lập viên” chẳng hề quan tâm nhiều đến chuyện trừng phạt thành viên vi phạm quy chế chung.
Năm 1996, khi thảo luận xem liệu có cần thiết có những công cụ trừng phạt những thành viên vi phạm hay không, Tổng thống Pháp Jacques Chirac và Thủ tướng Đức Helmut Kohl cho rằng nên dựa vào ý thức, và cuối cùng EU ủng hộ chủ trương này. EU cho rằng các quốc gia sẽ phải tự điều tiết lấy.
Willem Buiter, kinh tế gia trưởng của Citigroup và là thành viên của uỷ ban Chính sách tiền tệ của ngân hàng Anh quốc, mô tả hiệp ước 1996 như những con hổ giấy. Còn ông Jean-Pierre Jouyet nói: “Một hiệp ước mà không có biện pháp trừng phạt thì là vô nghĩa”.
Đâu chỉ Hy Lạp, vào năm 2002 đến 2004, Pháp và Đức vượt chuẩn thâm hụt thì các quốc gia EU khác cũng bình chân như vại. Ông Jean-Luc Dehaene, cựu Thủ tướng Bỉ, không ngại chỉ trích: “Họ có xu hướng đưa ra quyết định chính trị”. Nay, đến khi Hy Lạp kêu van và lo sợ đồng euro chết yểu thì EU mới vào cuộc.
-----------------------------------------------
Hy Lạp - Người khổng lồ ngủ quên trên nợ
Gia nhập khu vực đồng tiền chung euro năm 2001 là cơ hội lớn để Hy Lạp có thể tiếp cận với thị trường vốn quốc tế. Đáng buồn thay, đây lại là nguyên nhân khiến quốc gia này lâm vào cảnh “chúa chổm”.
Dễ dàng hút vốn đầu tư nước ngoài, trong gần một thập kỷ qua, Chính phủ Hy Lạp liên tục bán trái phiếu để thu về hàng trăm tỷ đôla. Số tiền này lẽ ra có thể giúp kinh tế Hy Lạp tiến rất xa nếu chính phủ có kế hoạch chi tiêu hợp lý. Nhưng điều này không xảy ra, nhà chức trách dường như “ngủ quên” trên núi tiền có được nhờ vay nợ. Nói đúng hơn, Chính phủ Hy Lạp chỉ biết chi tiêu (phần lớn cho cơ sở hạ tầng) chứ hầu như không quan tâm đến các kế hoạch trả nợ.
Người nghèo và người hưởng lương hưu là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của khủng hoảng nợ tại Hy Lạp. Ảnh: AP
Một ví dụ dễ thấy nhất là công tác tổ chức Olympic 2004 - kỳ thế vận hội được hoành tráng nhất và cũng tốn kém nhất trong lịch sử. Chi 12 tỷ euro (cao hơn tới 10 tỷ so với dự kiến) nhưng không cho phép bất cứ một biển hiệu quảng cáo nào được xuất hiện trên đường phố, Chính phủ Hy Lạp đã khiến ngân sách quốc gia năm 2004 thâm hụt tới 6,1% (so với GDP) trong khi giới hạn mà khối EU cho phép là 3%.
Không chỉ chi phí cho cơ sở hạ tầng, quỹ lương của khối dịch vụ công tại Hy Lạp đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua. Trong khi đó, nguồn thu không được cải thiện sau hàng loạt biện pháp cắt giảm thuế để kích thích đầu tư.
Những bất ổn nội tại của kinh tế Hy Lạp thực sự biến thành cơn bạo bệnh khi cơn bão khủng hoảng kinh tế thế giới 2008-2009 tràn qua quốc gia Nam Âu này. Cuối tháng 9/2009, chỉ vài tuần trước khi bị đánh bại trong cuộc tổng tuyển cử ngày 4/10/2009, chính quyền của Thủ tướng Costas Karamanlis cho biết thâm hụt ngân sách năm 2009 của nước này ở mức 6-8% so với GDP.
Con số này nhanh chóng bị bác bỏ khi đảng Xã hội Hy Lạp lên nắm quyền. Ngày 20/10/2009, tân thủ tướng George Papandreou khẳng định thâm hụt ngân sách trong tài khóa 2009 phải ở mức 12,5%, gấp hơn 4 lần giới hạn cho phép của một quốc gia sử dụng đồng euro. Mức thâm hụt này cùng với khoản nợ trị giá 300 tỷ euro đã thực sự cho thấy tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp. Nguy hiểm hơn, nền kinh tế lớn thứ 27 thế giới này rất có thể chỉ là kíp nổ của toàn bộ hệ thống tài chính, tiền tệ châu Âu.
So sánh thâm hụt ngân sách (thanh màu đỏ) và nợ (thanh màu vàng) của Hy Lạp với một số quốc gia châu Âu trong năm 2009. Nguồn: EC
Ngày 3/11/2009, Ủy ban Châu Âu (EC) dự báo mức thâm hụt ngân sách của Hy Lạp là 12,7% trong năm 2009 và 12,2% trong 2010. 2 ngày sau, chính phủ nước này công bố dự thảo ngân sách tài khóa 2010, trong đó nhấn mạnh tới việc thắt chặt chi tiêu và dừng các chương trình miễn thuế nhằm giảm thâm hụt ngân sách xuống mức 9,4%.
Cùng thời điểm này, nhiều dự báo được được đưa ra cho thấy nợ công của Hy Lạp có thể tăng từ mức 113,4% GDP năm 2009 lên 121-125% GDP trong năm 2010. Hàng loạt tổ chức quốc tế tuyên bố hạ định mức tín nhiệm của Hy Lạp trên thị trương tài chính. Ngày 7/12/2009, S&P cho Hy Lạp điểm tín nhiệm A- với triển vọng kém lạc quan. Một ngày sau đó, Fitch đánh tụt điểm số của nền kinh tế này từ A- xuống còn BBB+.
Trước những diễn biến xấu, ngày 14/12/2009, Thủ tướng Papandreou tuyên bố sẽ thẳng tay với nạn tham nhũng, thắt chặt chi tiêu hơn nữa, trong đó đánh thuế 90% lên các khoản thưởng của giới “cá mập” ngân hàng cũng như ra lệnh cấm toàn bộ việc thưởng tiền cho các quan chức điều hành trong khu vực công. 10 ngày sau, Quốc hội Hy Lạp thông qua dự thảo ngân sách và dự báo mức thâm hụt ngân sách của năm 2010 là 9,1%.
Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia trong khối sử dụng đồng tiền chung euro vẫn tỏ ra chưa thật hài lòng với kế hoạch nói trên vì cho rằng tình trạng ngân sách thâm thủng và bất ổn của Hy Lạp có thể ảnh hưởng tới toàn khối. Định mức tín nhiệm của nước này tiếp tục đi xuống trong mắt các tổ chức quốc tế. S&P tiếp tục hạ điểm của Hy Lạp xuống còn BBB- vào ngày 16/12. Trái phiếu Chính phủ Hy Lạp liên tục phải nâng lãi suất trên thị trường tài chính quốc tế.
Bước sang năm 2010, Chính quyền của Thủ tướng Papandreou một lần nữa phải thay đổi kế hoạch vào ngày 14/1/2010 nhằm hạ mức thâm hụt xuống dưới 3% vào năm 2012 như yêu cầu của EU. Theo kế hoạch này, bội chi ngân sách trong năm 2010 của quốc gia nam Âu này sẽ phải ở mức 8,7%.
Song song với cắt giảm ngân sách dành cho y tế, quốc phòng, tăng thuế, ngày 2/2, lãnh đạo Hy Lạp tuyên bố một chính sách lương thưởng hà khắc đối với khối dịch vụ công. Mục tiêu của chính sách này là nhằm cắt giảm quỹ lương khoảng 4%.
Đến ngày 25/2, sau cuộc gặp với đại diện EU và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Chính phủ Hy Lạp cho biết sẽ xem xét một kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” mới. Kế hoạch này, cuối cùng đã được công bố vào ngày 3/3 với quy mô tương đương 4,8 tỷ euro, bao gồm cắt giảm quỹ hưu trí, lương thưởng tại khu vực công, ban hành một số sắc thuế mới đối với các các sản phẩm nhập khẩu như thuốc lá, rượu, xăng dầu và các mặt hàng xa xỉ.
Bằng việc thực hiện những động thái mạnh tay với nền kinh tế, Chính phủ Hy Lạp hy vọng có thể giúp giảm tỷ lệ bội chi ngân sách cũng như tiếp cận được những khoản hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, cầu chuyện về những khó khăn của kinh tế nước này chắc chắn không thể được giải quyết trong một sớm, một chiều trong khi đời sống xã hội Hy Lạp đang bắt đầu phải chịu đựng bất ổn từ những cuộc biểu tình, đình công… để phản đối các chính sách hà khắc của Chính phủ.
Source: Vnexpress
---------------------------------------------
Đọc xong mấy bài viết về Hy Lạp, tự nhiên có cảm giác những gì được học không hoàn toàn là một mớ lí thuyết mà đôi khi nó thật đến bất ngờ. Một quốc gia mà có thể đùa với cán cân ngân sách của mình, thì hậu quả sẽ như thế nào? Câu hỏi nghe như một câu hỏi trong sách giáo khoa. Cái cần suy nghĩ đó là Việt Nam rút ra được bài học gì từ câu chuyện của người khổng lồ Hy Lạp? Nếu chúng ta tiếp tục chủ quan về tình hình vay nợ và sử dụng ngân sách một cách thiếu tính toán, chúng ta cũng có thể đi vào lối mòn của những con số âm khổng lồ ấy.
Một điểm chung giữa Việt Nam và Hy Lạp đó là nạn tham nhũng, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân sâu xa của nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp. Cái cách mọi công việc đều được "chạy" trọt và xử lý theo lối "hành lang" đã trở nên ngày càng phổ biến ở Việt Nam, tới mức dường như thành một "văn hóa" tất yếu trong thời đại ngày nay. Ngoài những vụ án đã bị lôi ra ánh sáng, thử hỏi còn bao nhiêu khoản tiền vân âm thầm chảy ngầm qua các túi của các sếp và bao giờ ngân sách nhà nước mới được thực sự công khai và minh bạch, như ngày xưa thầy dạy Tài chính công vẫn nói. Cách quản lý theo đầu ra thay vì theo đầu vào như đã được học là một cách thức rất hay, nhưng dường như nó chỉ nằm trên lí thuyết vì đọc rất nhiều bài liên quan đến ngân sách nhưng chẳng ở đâu nói đên MTEF cả.
---------------------------------------------
Đọc xong mấy bài viết về Hy Lạp, tự nhiên có cảm giác những gì được học không hoàn toàn là một mớ lí thuyết mà đôi khi nó thật đến bất ngờ. Một quốc gia mà có thể đùa với cán cân ngân sách của mình, thì hậu quả sẽ như thế nào? Câu hỏi nghe như một câu hỏi trong sách giáo khoa. Cái cần suy nghĩ đó là Việt Nam rút ra được bài học gì từ câu chuyện của người khổng lồ Hy Lạp? Nếu chúng ta tiếp tục chủ quan về tình hình vay nợ và sử dụng ngân sách một cách thiếu tính toán, chúng ta cũng có thể đi vào lối mòn của những con số âm khổng lồ ấy.
Một điểm chung giữa Việt Nam và Hy Lạp đó là nạn tham nhũng, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân sâu xa của nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp. Cái cách mọi công việc đều được "chạy" trọt và xử lý theo lối "hành lang" đã trở nên ngày càng phổ biến ở Việt Nam, tới mức dường như thành một "văn hóa" tất yếu trong thời đại ngày nay. Ngoài những vụ án đã bị lôi ra ánh sáng, thử hỏi còn bao nhiêu khoản tiền vân âm thầm chảy ngầm qua các túi của các sếp và bao giờ ngân sách nhà nước mới được thực sự công khai và minh bạch, như ngày xưa thầy dạy Tài chính công vẫn nói. Cách quản lý theo đầu ra thay vì theo đầu vào như đã được học là một cách thức rất hay, nhưng dường như nó chỉ nằm trên lí thuyết vì đọc rất nhiều bài liên quan đến ngân sách nhưng chẳng ở đâu nói đên MTEF cả.
No comments:
Post a Comment