Một cảm nhận nhỏ về giáo dục của Việt Nam đến tự nhiên khi đang search data cho luận văn. Tình cờ đọc được một bài phân tích thật hay của một thầy giáo (có lẽ là trẻ) đang dạy ở trường Kinh tế quốc dân về các yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát. Bài phân tích ngắn gọn trong khuôn khổ một bài báo nhưng logic và chặt chẽ. Không như nhiều bài nghiên cứu khác của Việt Nam thường chỉ mang tính định tính, bài viết của thầy sử dụng mô hình kinh tế lượng, đưa các biến số vào và xử lí số liệu một cách định lượng, chỉ rõ các mối quan hệ trên căn cứ khoa học, đồng thời quá trình cleaning data được mô tả tương đối chi tiết và nguồn tài liệu được chú thích rất rõ ràng. Rất sung sướng khi đọc xong bài viết này, không chỉ vì nó liên quan đến đề tài mình quan tâm, mà vui khi có thể tự phủ nhận một quan điểm trước đây của chính mình rằng các giáo viên ở Việt Nam hầu như chẳng nghiên cứu gì mấy, chủ yếu chỉ đi chấm bài và đi dạy thêm ở các tỉnh. Tuy nhiên, cách làm chặt chẽ và khoa học quá mức khiến mình nghi ngờ thầy có được đào tạo ở nước ngoài.
Quả không sai, sau một hồi search thông tin thì được biết thầy làm tiến sĩ kinh tế tại University of Manchester, bảo sao phong cách viết và nghiên cứu khác hẳn những giáo viên khác. Đồng thời thầy không tập trung ở việc dậy mà chủ yếu làm nghiên cứu trong viện, thành ra có thời gian để viết và đi sâu vào research. Chẳng biết nên vui hay nên buồn. Vậy là những người giáo viên giỏi, nghiên cứu nhiều và có phương pháp logic là có nhưng không nhiều, mà lại là những người đi học ở nước ngoài về, còn những giáo viên khác thì sao? Tự nhiên nhận ra rằng 1 năm ở bên này người ta dậy cho mình nhiều điều có thể còn hơn 4 năm học ở nhà. 1 năm học, có thể rút ra phương pháp nghiên cứu, có thể đọc và hiểu một bài viết tương đối chuyên ngành của những người làm nghiên cứu, 1 năm để học được thế nào là critical thinking, thế nào là vận dụng references để đưa vào bài viết của mình chứ không ăn cắp của người khác. Một năm chỉ lên lớp có chưa đầy 240 tiếng nhưng hiểu hơn nhiều 4 năm học Đại học tại Việt Nam. Ngày trước thầy giáo hướng dẫn lúc nào cũng động viên mình đưa mô hình lượng hóa vào bài luận văn, nhưng thầy chẳng dậy cách mình mô hình hóa và chạy chương trình ra làm sao...nếu bây giờ cho làm lại, mình biết sẽ có thể khác rất nhiều.
Tự nhiên lại thấy suy nghĩ về giáo dục ở Việt Nam và các nước tiên tiến khác, đâu là cái khiến chất lượng giáo dục khác xa nhau đến vậy. Không phải sinh viên Việt Nam không đủ thông minh để hiểu những vấn đề phức tạp, cũng không phải giáo viên Việt Nam không đủ trình độ để dạy học sinh những điều ấy, vậy đâu là cốt lõi của vấn đề. Đọc những bài assignment viết trong 1 năm qua, đã thấy khác nhiều so với những bài tiểu luận và nghiên cứu khoa học trước đây mình và nhóm viết, chưa kể bạn bè xung quanh còn đi mua tiểu luận bán sẵn, chỉ cần 15,20 nghìn ra thay tên đổi họ là có một bài tiểu luận đem nộp, gặt điểm 7, điểm 8 ngon lành mà không hề biết trong bài viết những gì...
Thi thoảng cũng lóe lên cái ý nghĩ muốn làm nhà giáo, cũng vì những điều như thế này...
No comments:
Post a Comment