Monday, 21 June 2010

Tản mạn nhân ngày nhà báo...


 Trước hết xin chúc mừng những nhà báo, trong một ngày rất đặc biệt, ngày nhà báo Việt Nam 21/6. Không thể phủ nhận rằng trong thời gian qua báo chí có vai trò rất lớn trong các công tác xã hội, không chỉ là đưa thông tin về cuộc sống, về con người đến với đông đảo nhân dân, một cách nhanh và kịp thời, mà báo chí còn đóng góp rất nhiều trong việc phanh phui ra những hành vi sai trái, tham gia giải quyết nhiều vấn đề xã hội một cách nhanh nhậy. Xin cảm ơn các nhà báo. Mỗi lần tiếp xúc với họ, tôi đều thấy một sự khẩn trương, hối hả, một tác phong làm việc chuyên nghiệp và bằng ngòi bút của mình, họ đã làm được rất nhiều điều tốt đẹp cho xã hội. Thử tưởng tượng xem nếu không có báo chí, không có những cơ quan ngôn luận như thế thì xã hội sẽ như thế nào. 
Tuy nhiên, khi trao đổi cùng với một người bạn, chúng tôi cùng nhận thấy rằng có một vài điều chưa đồng tình với báo chí, đặt biệt là báo mạng trong thời gian qua. Trước hết đó là cảm giác mạnh mỗi lần  vào một trang báo và đập vào mắt là những tin giật gân như kiểu Quái xế đua tốc độ giữa ban ngày, xe buýt bị đốt cháy rụi, kinh hoàng vụ moi tim ăn phổi bạn tù, chuyện kinh hoàng về người đàn bà giết chồng hàng loạt...Chỉ nhìn qua cũng thấy ghê sợ mà không dám đọc. Ngày trước khi còn sống bà ngoại vẫn thường hay đọc báo, trên đó có nhiều bài giết người, cướp của, nhiều thông tin giật gân đến man rợ làm bà sợ không dám ra ngoài đường, tối trằn trọc không ngủ được vì thấy cuộc sống quá rối ren. Người già mà còn cảm thấy như vậy, không hiểu giới trẻ sẽ cảm thấy như thế nào mỗi lần đọc báo?!
Nhớ ngày xưa, trong thời kì chiến tranh, trên loa đài, trên báo chí những tấm gương anh hùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai, anh Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng...được tôn vinh và được nhắc lại rất nhiều lần, khiến khí thế toàn quân toàn dân càng trở nên hăng hái. Những sự hi sinh ấy  cổ vụ và tiếp thêm sức mạnh cho đồng bào, cho nhân dân quyết tâm đánh giặc. Hình ảnh những tấm gương các anh hùng ấy đã in sâu tới mức thỉnh thoảng bố vẫn lấy ra để đọc và kể cho các con nghe.
Lại nhớ ngày xưa bác Hồ phát động phong trào người tốt việc tốt, những nghĩa cử cao đẹp được xã hội trân trọng và tuyên dương. Xã hội bây giờ cũng không thiếu những hình ảnh đấy, những tấm gương vượt khó học giỏi, người lái taxi nghèo trả lại hơn 500 triệu cho người bị mất, những người phụ nữ nguyện chăm sóc những em nhỏ mồ côi...Những tấm lòng, những ý chí ấy vần tồn tại, nhưng trên mặt báo chí, nó dường như quá mờ nhạt so với những câu chuyện đau tim, kinh hoàng, và không gây chú ý bằng những tin nóng, những hình ảnh khiêu gợi. 
Tự đặt ra câu hỏi, nếu là một học sinh sinh viên còn đang trong thời gian định hình về tính cách, thường xuyên tiếp xúc với báo chí và với những thông tin như thế, thử hỏi các em sẽ nghĩ gì? Tại sao không viết nhiều hơn về những tấm gương tốt, không hướng mọi người tới những hành động đạo đức, những nghĩa cử cao đẹp, lối sống cao thượng, không làm cho mọi người tin vào những tấm lòng vàng, tin vào một xã hội tốt đẹp. Đành rằng báo chí phải phản ánh chân thực cuộc sống, phải đưa tin tức đến với độc giả, nhưng nếuu cứ mải mê trong cái thế giới báo chí với ma túy, mại dâm, đua xe, giết người thì không ít thì nhiều, những độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ cũng sẽ bị ám ảnh bởi những điều như thế và không thể nói chắc rằng hành động của các em, sẽ không bị ảnh hưởng bởi những điều các em đọc được. Báo chí phản ánh thông tin, nhưng sự cân đối giữa những thông tin tốt, và những thông tin xấu, những điều làm sai và cả những điều làm đúng cần có một tỉ lệ phù hợp, để độc giả khi đọc có thể cảm thấy rằng ngoài kia đang có nhiều điều sai trái, vi phạm, nhiều những điều đáng lên án, nhưng cũng có niềm tin hơn vào những điều tốt và tích cực.
Một góp ý nữa là văn hóa quảng cáo. Dù biết  rằng phải có duy trì quảng cáo thì mới có kinh phí để làm báo, nhưng không có nghĩa rằng có thể quảng cáo bừa bãi khắp mặt trang báo, với những thông tin hết sức là không phù hợp. Nào thì "Siêu mẫu gợi cảm-click"  nào thì "những nụ hôn đồng tính quyến rũ nhất", nào thì "người đẹp bikini". Không hiểu rằng trong khi cả xã hội, và ngay cả những người làm báo đang kêu gọi giới trẻ, giới học sinh sinh viên sống lành mạnh hơn, tích cực hơn, không truy cập những trang web xấu, nhưng cùng lúc đó, những mục quảng cáo lấp lánh, với hình ảnh sống động cứ như vậy đập vào mắt thì làm sao tránh khỏi tò mò, làm sao để tạo ra sự lành mạnh, khi mà những điều không lành mạnh được quảng cáo ở khắp nơi. 
Nêu một ví dụ về chuyện đồng tính. Rõ ràng khoảng chục năm trước, không nhiều người biết khái niệm thế nào là đồng tính, là lesbian, là gay, là hifi...thế nhưng một vài năm gần đây, khi văn hóa phương tây xâm nhập vào nước ta ồ ạt, khi những thông tin về đồng tính trên thế giới xuất hiện khắp nơi, và được quảng cáo (một cách vô tình?!) rộng rãi, thì giới trẻ đua nhau bắt chước. Các em nữ 9X cặp kè với nhau giả vờ là lesbian, kiss nhau và chụp những ảnh gợi cảm. Thử hỏi các em học những điều đấy ở đâu, nếu không phải là phim ảnh, là báo chí, là các đường link quảng cáo đến những website không tốt và rồi tệ hơn là các website bẩn. 
Tản mạn đôi điều về báo chí trong thời gian qua, không thể phủ nhận và cảm ơn những điều mà báo chí làm được cho xã hội, nhưng cũng còn nhiều điều để bàn dưới con mắt của một người trẻ. Hi vọng rằng những người làm báo Việt Nam sẽ chú ý hơn nữa, để những thông tin họ đưa ra, không chỉ mang tính thông tin, mà còn mang tính giáo dục và hướng con người đến cái chân, thiện, mĩ.
Một lần nữa, chúc mừng các nhà báo Việt Nam.

Friday, 18 June 2010

"Tôi yên tâm"...

Một bài viết rất hay, xúc tích và rất đáng suy nghĩ...sao lại lắm điều xót xa đến thế. Dù không muốn nhưng những hành động mang tính bất hợp lí gây nên nhiều ý kiến bất đồng và phản đối từ phía người dân ngày càng rõ ràng...Những câu chuyện này rồi sẽ còn đi đến đâu? Bao giờ thì người dân mới có thể thật sự "yên tâm" khi mà còn vô số những vấn đề bức xúc thế này?
----------------------------------------------------------------
Một tuần đã trôi qua với những phát ngôn đáng xếp vào diện bất hủ và những hành động ấn tượng qua lăng kính của nhà báo Trực Ngôn.

"Tôi yên tâm"... nhưng "tôi nhân dân" không yên tâm
Cho đến bây giờ, dự án xây dựng đường sắt cao tốc vẫn chưa làm cho nhiều đại biểu QH tâm phục, khẩu phục. Theo kết quả lấy ý kiến các đại biểu QH về vấn đề này thì chỉ có khoảng 1/3 đại biểu đồng ý hoàn toàn với dự án do Chính phủ đề xuất cho dù Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tuyên bố chắc như đinh đóng cột gỗ lim: "Tôi yên tâm".
Xin thưa lại với Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng rằng: không ai nghi ngờ quyết tâm của ông trong việc xây dựng đường sắt cao tốc. Nhưng với số tiền đầu tư cho dự án quá khổng lồ và hiệu quả kinh tế của dự án này lại cho đến nay vẫn chưa rõ ràng thì đúng là "tôi yên tâm" mà dân thì không yên tâm tí nào.
Khát vọng về tương lai của đất nước của những nhà lãnh đạo đất nước là vô cùng quan trọng. Nếu những nhà lãnh đạo không có khát vọng thì đất nước làm sao mà "bay" lên được. Nhưng khát vọng phải dựa trên hiện thực mang tính khoa học cao nếu không khát vọng sẽ trở thành ảo vọng.
Để bảo vệ luận thuyết "Tôi không lo", Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng có đề cập đến một số lý do trong đó có 2 lý do được dư luận xã hội liên tục nhắc đến. Nhưng cả 2 lý do này lại làm dân... lo. Có lẽ dân chưa hiểu hết hay chưa hiểu đúng ý của Phó Thủ tướng chăng (?)
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tuyên bố chắc như đinh đóng cột gỗ lim: "Tôi yên tâm". Ảnh: VNN
Lý do thứ nhất: Phó Thủ tướng khẳng định: "Chúng ta không thể không làm đường sắt cao tốc". Cho đến bây giờ, người dân nghĩ nát óc vẫn chưa tìm ra luận chứng để thấy không thể không làm đường sắt cao tốc. Không thể không làm nghĩa là không có con đường nào khác hoặc không làm là chết. Cũng như người ta thường nói không thể không ăn, không thể không uống, không thể không thở chứ không ai nói không thể không ở nhà 5 tầng.
Nhân dân thực sự muốn được nghe những người có trách nhiệm, đặc biệt là Phó Thủ tướng nói cho dân một cách rành rõ vì sao nước ta không thể không làm đường sắt cao tốc. Và nếu không làm đường sắt cao tốc thì Việt Nam sẽ phải đứng trước những nguy cơ gì?
Lý do thứ hai: Theo báo VNN, Phó Thủ tướng đưa ra lý do "phải làm" đường sắt cao tốc "vì không có nước nào có diện tích dài như Việt Nam". Thưa Phó Thủ tướng, nếu nói như Phó Thủ tướng thì phải hiểu cho đúng là Việt Nam là nước có chiều dài dài nhất so với tất cả các nước trên thế giới. Theo tìm hiểu của tôi thì đây là thông tin hoàn toàn sai. Nhưng chuyện sai này không hề quan trọng một tí nào vì Phó Thủ tướng chứ đâu phải giáo viên dạy địa lý. Điều quan trọng nhất là: cứ cho Việt Nam là một trong những nước có chiều dài dài nhất thế giới đi chăng nữa thì có bắt buộc phải làm đường sắt cao tốc không? Không ít nước có chiều dài hơn Việt Nam nhưng không có đường cao tốc.
Còn một điều nữa người dân không dám khẳng định nhưng cứ thấy mơ hồ mặc dù ai cũng mong cuộc sống của mình sẽ đến ngày như thế. Đó là việc ông dự tính đến năm 2050 thu nhập bình quân đầu người là 20.000 USD/ năm (khoảng gần 1.700 đôla/tháng = 32.300.000 đồng). Theo dự tính của các nhà nghiên cứu xã hội thì 40 năm nữa (năm 2050 ), tỉ lệ nông dân ở nước ta có thể chỉ chiếm khoảng 60 phần trăm. Thu nhập đầu người ở nông thôn Việt Nam hiện nay khoảng 600.000 đồng/tháng (khoảng 30 đô la).
Năm 2050, dự tính thu nhập bình quân đầu người là 1.700 đôla (32.300.000 đồng) đồng/tháng thì cứ cho là nông dân sẽ thu nhập khoảng 700 đôla (13.000.000 đồng). Vậy làm thế nào để những người nông dân tăng thu nhập của họ từ 600.000 đồng lên cứ cho là 13.000.000 đồng khi mà đất canh tác của nông dân mỗi ngày một thu hẹp. Và chúng ta không thấy một dấu hiệu nào khả quan về một cuộc Cách mạng xanh với sự đổi thay phương tiện sản xuất và tư duy sản xuất nông nghiệp. Hay phép tính thu nhập bình quân này chứa đựng bên trong sự chênh lệch giàu nghèo đến khủng khiếp? Ví dụ một bên có tài khoản hàng chục triệu đôla và một bên chỉ có mấy bồ thóc, mươi con gà, mươi con vịt và một hai con lợn?
Xin thưa, đây cũng chỉ là những tư duy đơn giản nhưng chứa đựng sự "không hề yên tâm" của người dân mà thôi. Chúng ta hãy cùng nhau làm cho người dân được thực sự yên tâm. Vì đó chính là sứ mệnh của những người có trách nhiệm với đất nước. Và hơn nữa, với sự tin tưởng vào Chính phủ, cái gì dân chưa hiểu thì dân hỏi cho dù chưa chắc người dân đã được trả lời thấu đáo.
Có một mỏ vàng nhân tạo lớn nhất ở Việt Nam
Ba Vì, một nơi cách đây mươi năm chỉ là chốn "sơn lâm thăm thẳm" trong ký ức của những người Hà Nội. Nhưng đến một ngày, khi người dân thức dậy, họ thấy một thứ ánh sáng chói loà hắt lên từ những mảnh vườn lơ thơ mấy luống rau muống, rau dền, từ những khu đất nhiều đá sỏi với cây dại, từ những ngôi nhà nghèo nàn mà chủ nhân muốn rời bỏ để đến thành phố lập nghiệp làm ăn...
Ánh sáng gì vậy? Cuối cùng người ta phát hiện đó là ánh sáng do vàng lá, vàng miếng... hắt lên. Mỏ vàng lớn chăng? Đúng. Nhưng không phải mỏ vàng thiên nhiên mà mỏ vàng nhân tạo. Đấy chính là giá đất ở Ba Vì.
Ba Vì sẽ trở thành Trung tâm hành chính quốc gia? Trục Thăng Long có thể kết nối các vùng văn hoá? Ảnh: VNN
Ôi, mọi chuyện ở trên đời này đều có thể và chẳng ai lường trước được. Nghe nói có người dân đã bán rẻ như bèo hàng nghìn mét đất trước khi Ba Vì được "vàng hóa" (xin lỗi không phải là hóa vàng) giờ tiếc của quá mà sinh ốm nặng. Lại nghe nói có người đã bán đất trước kia giờ tiếc quá đâm lẩn thẩn. Thế là đêm về lẻn đến mảnh đất xưa của mình bốc trộm mấy cục đất bỏ vào túi mang về nhà giấu kín vì bị ảo giác nên nhìn đất sỏi lại thấy đó là những cục vàng lấp lánh.
Ba Vì sẽ trở thành Trung tâm hành chính quốc gia. Đó có phải là một tin đồn không? Không. Người dân tin đó là một dự án có thật vì Chính phủ, Quốc hội, các chuyên gia, các phương tiện truyền thông đã và đang bàn luận rầm rộ từ lâu nay. Thế nhưng ngày 15/6, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân khẳng định trước Quốc hội là không có chuyện dời đô lên Ba Vì.
Bộ trưởng Bộ xây dựng tất nhiên là thành viên của Chính phủ mà lại là thành viên vô cùng quan trọng vì phụ trách việc xây dựng đã khẳng định như thế. Không có chuyện đó sao lại bàn luận công khai và bàn luận một cách nghiêm trọng như thế? Vậy đây là cái gì và vì sao lại thế?
Những người dân kém cỏi và ít năng lực như Trực Ngôn đây đang rơi vào một "trận đồ bát quái" của thông tin mà chẳng biết thực hư thế nào. Đã có những đại biểu QH nói vì nhiều cán bộ có đất ở đó nên tạo ra "tin đồn" này để nâng giá đất (phát biểu của ông Phạm Quốc Anh - Chủ tịch Hội  Luật gia VN). Than ôi! Chẳng lẽ những người làm ra "tin đồn" kia lại có thể "lừa được" cả Quốc hội à? Có thể qua mặt được người phụ trách toàn bộ việc xây dựng của đất nước à?
Người dân như tôi không dám bàn đến những điều lớn lao hay bàn đến chuyện tâm linh hay phong thủy nếu xây dựng Trung tâm hành chính quốc gia tại đó. Người dân chỉ hoang mang chạy vòng quanh như gà mắc tóc hay như một người loạn thị vì thấy người có trách nhiệm này bảo có, người có trách nhiệm kia bảo không... chẳng biết đâu mà lần.
Rồi lại trục Thăng Long nữa chứ. Có quá nhiều chuyện mà tôi không thể nào kể hết ra đây. Tôi chỉ muốn nói đến một việc thôi. Đó là việc tôi chưa bao giờ nghe nói đến một cái đường rộng mà chúng ta gọi với một thuật ngữ cao siêu là TRỤC lại có thể kết nối vùng (hoặc nền) văn hóa này với vùng (nền) văn hóa khác. Và tôi xin lỗi được nói rằng: tôi sẵn sàng tiếp chuyện những ai có quan niệm về sự kết nối các vùng văn hoá như vậy.
Đấy là tôi chưa nói đến việc "đô thị hóa" một cách sai lệch chính là thuốc độc bảng A giết chết những vùng (nền) văn hóa. Trên thực tế, chúng ta đã và đang giết chết nhiều vùng văn hóa bằng những cuộc "xâm lược" thô bạo của nhiều dự án. Tôi đồng ý với ý kiến của đại biểu QH Vũ Hồng Anh khi ông khẳng định: "Trước nay trên thế giới không nước nào và không ai chỉ bằng một trục đường thẳng mà có thể kết nối văn hóa giữa các vùng miền".
Quan niệm một con đường hay một cái TRỤC lại có chức năng kết nối các vùng văn hóa là một quan niệm hoàn toàn sai lầm và không hiểu một chút gì về bản chất văn hoá. Nếu cứ làm một cái TRỤC mà kết nối được những điều như thế thì có vấn đề gì mà người Việt Nam chưa làm được thì cứ làm một con đường hay một cái TRỤC là xong. Như thế, chúng ta sẽ có TRỤC kết nối Nhà nước với nhân dân, kết nối người giàu có với người nghèo để san sẻ cho nhau, môi trường sạch và môi trường nhiễm độc, kết nối Vedan với dân cư hai bờ sông Thị Vải, kết nối các nước cùng biên giới để hoá giải những bất đồng, kết nối...
Thông điệp của một Bộ trưởng
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định việc đồng bào đu dây qua sông Pôkô là "một sáng tạo không ai ngờ tới".
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định việc đồng bào đu dây qua sông Pôkô là "một sáng tạo không ai ngờ tới". Ảnh: VNN
Tôi rất tiếc không được trực tiếp nghe câu trả lời này của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng để xem biểu cảm trên gương mặt của ông khi nói câu này. Bởi với suy nghĩ của tôi và của rất nhiều người dân thì khi nói câu đó gương mặt của Bộ trưởng là một gương mặt dày vò, xót xa.  Bởi với vị trí và trách nhiệm của ông, ông không thể nào yên lòng khi để những đứa trẻ tuổi con cháu ông phải đu trên một cái ròng rọc qua sông đi học mà bất cứ lúc nào cái dây kia cũng có thể đứt.
Đây không phải là sự sáng tạo. Đây là sự cùng cực. Chỉ riêng việc người ta chi phí cho việc đào đường lên lấp đường xuống và vô vàn cái vô lý trong xây dựng đã thừa tiền để xây dựng cả trăm chiếc cầu bắc qua sông như sông Pôkô. Nếu việc túm vào dây ròng rọc để "bay" qua sông là "một sáng tạo không ai ngờ tới" thì Việt Nam là một đất nước ngập tràn những sáng tạo không ngờ tới. Đó là sáng tạo leo qua dải phân cách để sang đường, sáng tạo những cái thuyền quái gở để đi trên phố của thủ đô mênh mông nước ngập chỉ sau một cơn mưa , sáng tạo xây những ngôi nhà siêu mỏng, sáng tạo chôn ảnh kỷ niệm, chôn báo chí, chôn cả điện thoại di động của nước người xuống đất trong thời gian là 1000 năm để các hậu duệ của chúng ta kỷ niệm... 2000 năm Thăng Long cho thêm nhiều ý nghĩa.
Nhiều người dân đã phản ứng câu nói này của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng. Nhưng tôi xin làm luật sư bào chữa cho ông. Bởi tôi tin, một đồng chí bộ trưởng nói câu đó chắc phải có thông điệp sâu sắc. Vậy thông điệp ấy là gì? Tôi xin tạm dịch là: Thưa Quốc hội, việc những đứa trẻ phải đu trên dây qua sông đến trường mà chúng có thể rơi xuống sông bất cứ lúc nào và có thể bị cướp đi tính mạng trong lúc chúng ta đang bàn đến đường sắt cao tốc và trục Thăng Long của 50 năm sau là một câu chuyện đau lòng không ngờ...
Sau khi nghe tôi dịch nội dung bản thông điệp của câu nói ấy, con trai tôi cười khanh khách nói: "Bố dịch khá đấy, 9,5... 9,5 và 9,5". Nhưng trước khi đợi Nhà nước xây chiếc cầu không đáng bao nhiêu tiền nhưng lại vô giá về lòng nhân ái, yêu thương thì báo chí đã kêu gọi các nhà hảo tâm nhanh chóng xây chiếc cầu đó. Bởi cứ thủ tục giấy tờ... v.v... thì những đứa trẻ đu dây kia có lẽ quên mất thói quen đi trên mặt đất và trở thành những Tarzan vùng sông Pôkô.
Những cuộc "di tản" trong bóng tối
Đã có một thời, người dân gọi Sở điện là Sở "điên nặng" (đánh vần tiếng Việt: đờ iên điên nặng điện). Cho dù đấy là cách nói hài hước nhưng cũng cho thấy tình trạng của ngành điện Việt Nam.
Một trong những nguyên nhân cắt điện quá nhiều trong dịp này là người ta làm lại hệ thống điện gì gì đó cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Ảnh: VNN
Theo sơ đồ của ngành điện thì 20 năm nữa vẫn còn thiếu điện. Một trong những nguyên nhân mà người có trách nhiệm liên quan giải thích là vì chúng ta vẫn dùng thiết bị lạc hậu hao tổn năng lượng và vì người dân vẫn chưa biết tiết kiệm điện.
Có người có trách nhiệm lại đổ tại trời. Chắc là vì trời ít mưa và ông trời không biết điều phối có kế hoạch các cơn mưa của mình chăng. Tôi đã từng ở Pakistan nhiều ngày. Đó là một đất nước khô cằn đến mức người dân ở đó nói có thể đổi mạng người lấy một cái cây xanh. Nhưng người dân ở đó cũng chưa bao giờ rơi vào "thảm kịch" cắt điện như ở Việt Nam.
Những lý do này có tác động đến hao tổn điện nhưng chỉ là một trong những lý do rất phụ mà thôi. Theo một số nhà nghiên cứu thì Việt Nam là nước cắt điện nhiều nhất ở khu vực châu Á. Nó cho thấy năng lực của ngành điện quả có vấn đề gì đó rất "nặng".
Mấy ngày nay, Hà Nội nóng kinh khủng. Cùng với sự tấn công của thiên nhiên là cuộc tấn công "từng phần" nhưng dai dẳng của ngành điện. Nghĩa là điện cứ cắt từng buổi sáng, từng buổi chiều, từng buổi tối và từng đêm ở nơi này và nơi kia.  Cùng với cái nóng khủng khiếp đó là lúc những fan hâm mộ bóng đá đang "điên lên" vì World Cup.
Chính vì thế mà những đêm này ở Hà Nội, người ta bắt đầu thấy những cuộc "di tản" trong bóng tối. Đó là cuộc "di tản" từ nhà mình đến các nhà nghỉ. Nhà nghỉ, trong con mắt của những người theo chủ nghĩa đạo đức học chỉ là nơi giành cho những đôi tình nhân và những kẻ ngoại tình. Thế nhưng bây giờ họ thấy xuất hiện cả trẻ con và các ông bà già cũng "âm thầm" đến đó để chạy trốn những cơn nóng đến "nhão óc" và để thoả mãn cơn ghiền bóng đá. Nhiều nhà nghỉ trong khu vực họ cũng mất điện nhưng các nhà nghỉ này đã rút kinh nghiệm từ nhiều năm nay nên đã chuẩn bị máy phát điện chạy dầu, chạy xăng.
Một trong những nguyên nhân cắt điện quá nhiều trong dịp này là người ta làm lại hệ thống điện gì gì đó cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Lẽ ra, mọi việc "làm mới" cho Hà Nội phải được kết thúc cơ bản vào cuối năm 2009. Chứ bây giờ đã là giữa tháng 6 rồi mà bộ mặt thành phố vẫn chưa đâu vào đâu. Thế là để lấy thành tích người ta sẽ làm vội làm vàng, bôi bôi trát trát, đào bới lung tung, điện đóm mịt mùng. Hơn nữa, những người phụ trách ngành điện thừa biết tháng 6 là tháng World Cup đến nỗi có Bộ trưởng phát biểu ở QH là trả lời ngắn vì để xem khai mạc World Cup cơ mà.
Vậy người dân rất cần điện trong những ngày này. Tôi có người quen ở gần Ba La, Hà Đông nói rằng từ lúc khai mạc World Cup đến giờ gần như không được xem ở nhà mình vì cắt điện mà phải vào nhà nghỉ đèn đỏ đèn xanh ảo mờ để... xem World Cup.
Những người có trách nhiệm ngành điện giải thích việc cắt điện là do ưu tiên phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Nghe thật lạ lùng phải không các vị. Lẽ ra bây giờ, người dân thủ đô phải được hưởng những gì đó trong cái năm vô cùng đặc biệt mà có lẽ 1000 năm mới có thì họ lại đang phải đương đầu với bao mệt mỏi như đường xá đào lấp, vỉa hè bới tung, điện cắt liên tục, bụi bặm mịt mù...
Người dân sẽ phải chịu đựng cho đến một đêm nào đó chợt thấy trống đánh vang, pháo hoa bắn lên trời... mới biết Đại lễ 1000 năm Thăng Long đã đến. Nhiều người già thở dốc vì nóng tới 40 độC mà không có điện bỗng ao ước: "Giá mà họ để đến 2000 năm làm Đại lễ thì sướng biết bao".
Một văn bản cổ xưa vừa tìm thấy
Với 2.400 chữ của ông Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo với tựa đề "Bốn năm giáo dục qua các con số", năm người bạn tôi đều là giáo viên ở các cấp từ PTTH đến Đại học đều cười và nói: "Bài viết này giống một bản báo cáo thành tích cách đây nhiều năm của ngành giáo dục". Còn tôi, tôi gọi đó là "văn bản cổ xưa vừa tìm thấy trong... máy vi tính".
Những gì ngành giáo dục đã làm thiết nghĩ nhiều người đều biết cả, đặc biệt những người công tác trong ngành giáo dục. Tôi không hiểu ông Thứ trưởng kia viết bài báo này và gửi bài báo này để in lên báo làm gì???
Theo Thứ trưởng, thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" là một trong những thành tích trong 4 năm qua của ngành giáo dục. Ảnh: thanhnienbrvt.com
Có quá nhiều vấn đề trong bài báo này cần phải được bàn đến nơi đến chốn. Nhưng tôi chỉ nói qua một hai điều mà thôi. Ông Thứ trưởng viết rằng các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo đã giảm rõ rệt. Xin thưa ông Thứ trưởng, có thể số lượng giáo viên vi phạm đạo đức bị ngành giáo dục phát hiện ít hơn trước kia. Nhưng mức độ vi phạm đạo đức thì kinh hoàng mà tôi không muốn kê khai những vụ việc ấy ra nữa.
Trong bản báo cáo của một Thứ trưởng về nền giáo dục đang bị xã hội lên tiếng như những hồi chuông báo động gấp mà ông lại nói về mấy em đi thi không bị tai nạn xe máy, xe đạp. Vấn đề đi xe máy, xe đạp có va chạm hay bị tai nạn cho dù có em học sinh đã mất đi mạng sống thì cũng không thuộc về những yếu tố cơ bản của một nền giáo dục mà Nhà nước và nhân dân đang đau đầu tìm cách giải quyết.
Ông viết: "Phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" có sức lan toả mạnh mẽ, đã tạo nên những chuyển biến rõ nét về cảnh quang trường lớp, về môi trường giáo dục nhân văn, về chất lượng dạy và học, về giáo dục kỹ năng sống, về gìn giữ và phát huy truyền thống lịch sử văn hoá dân tộc".
Đoạn báo cáo trên quá cũ, quá sáo mòn mà chúng ta đã phải nghe lâu lắm rồi. Trường học đang ngày càng mất đi bản chất "mái trường thân yêu" của nó và học sinh càng ngày càng trở nên tự do một cách bất cần. Tôi nói những lời lẽ này với ông cho dù nặng nề thế nào thì ông vẫn là Thứ trưởng và tôi vẫn là dân thường. Nhưng chúng ta không còn cách nào là phải nhìn vào sự thật.
Ông đưa cả mấy buổi truyền hình trực tiếp coi như thành tích trong 4 năm qua của ngành giáo dục thì những phụ huynh như tôi không biết nói gì nữa đây. Một trong những hoạt động tốn phí tiền của và nhiều phù phiếm là các buổi truyền hình trực tiếp cho dù không phải là tất cả các buổi truyền hình trực tiếp. Nhưng đối với ngành giáo dục thì có đến triệu buổi truyền hình trực tiếp cũng chẳng có ý nghĩa gì về bản chất của nó.
Quả thực, một trong những hội chứng thời công nghệ hiện đại ở nước ta là "hội chứng truyền hình trực tiếp". Liệu ông có thể bớt một buổi truyền hình trực tiếp để làm một cái cầu tre thôi cho những học sinh thân yêu của ông ở Pôkô không phải đu ròng rọc như "khỉ đu dây" qua sông đi học không?
Ông viết: 61/63 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Tôi cam đoan với ông rằng: ngay cả những nước có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới cũng không dám tuyên bố gần 100% hệ thống giáo dục THCS của họ đạt CHUẨN. Hay ở Việt Nam, CHUẨN của chúng ta khác CHUẨN của họ? Thay mặt bạn đọc, xin ông viết cho một bài có thể là 10 kỳ cũng không sao để nói rõ chúng ta đã đạt CHUẨN như thế nào.
Rồi những hội thảo, những bài báo hay là lượng truy cập của Báo điện tử của ngành giáo dục mà ông đưa ra trong bài viết như thành tích của nền giáo dục quả thật làm các phu huynh buồn quá, thất vọng quá. Nó chẳng nói lên điều gì về bản chất của bất cứ nền giáo dục nào trên thế giới. Đó chỉ là những hoạt động phụ trợ không hẳn cần thiết cho một nền giáo dục yếu kém như nền giáo dục chúng ta. Vì Bộ GD-ĐT không phải là đơn vị tổ chức sự kiện (hội thảo) hay là một tờ báo cần phải tăng lượng hit.
Không, không... tôi sẽ không tiếp tục nói nữa. Bởi nếu nói tiếp tôi sẽ bị rơi vào tình trạng rối loạn bởi những con số trong bài viết của ông. Nếu thấy cần thiết, chúng ta sẽ tổ chức diễn đàn bàn luận về những con số đó. Có không ít các giáo sư danh tiếng và đông đảo những người quan tâm đến nền giáo dục chúng ta sẵn sàng luận bàn về những con số này.
Bất công hay vô cảm
Có một sự kiện đáng lẽ truyền thông phải nói đến rất nhiều thì nó chỉ được thể hiện như một mẩu tin ngắn và đầy vô cảm trên một tờ báo trong nước. Đó là sự kiện một lái xe taxi tìm cách trả lại một chiếc túi của hành khách bỏ quên trên xe của anh có đựng số tiền gần 500 triệu đồng.
Anh Đoàn Thanh Xuân (bên phải) đang trao trả lại túi tài sản cho ông Phạm Trần Anh. Ảnh: SGGP Online
Số tiền ấy đối với tôi là quá lớn và đối với một người lái taxi thì là một số tiền khổng lồ. Người lái taxi đó tên là Đoàn Thanh Xuân, 24 tuổi, thuộc Công ty Dịch vận tải Cửu Long Petrol Gas JSC. Người lái taxi có một ngàn linh một cách để giữ số tiền ấy. Nhưng anh đã tự nguyện mang trả lại. Hành động của anh làm lòng tôi run lên vì xúc động trong lúc cái nắng đang đổ xuống với nhiệt độ 40 độ C.
Cái tin đó đưa lên và ngay sau đó nó bị nhấn chìm trong những mối quan tâm sôi sùng sục của xã hội về giá vàng, giá đất, giá chứng khoán, giá căn hộ cao cấp... Cái tin đó giống như một phép thử về nhân cách sống của một xã hội. Một triết gia đã viết: "Một con người chỉ biết săn lùng vật chất để hưởng thụ chẳng khác gì một con vật lùng kiếm thức ăn. Chỉ khi con người kiếm tìm những ý nghĩa nhân văn thì con người mới bắt đầu tách ra khỏi đời sống của hoang thú". Đấy là chân lý.
Chúng ta đã từng chứng kiến hành động nhân văn của bà Tim nuôi chim và ông Ái nhặt đinh, rồi người chèo bè ở Thác Bản Giốc và bây giờ đến anh Xuân trả lại gần 500 triệu đồng. Tôi đã nói nhiều lần và bây giờ nói lại là hàng tuần tôi cùng các đồng nghiệp luôn luôn có ý thức tìm kiếm những hành động nhân cách như của những con người nói trên mà khó như xuống biển tìm chim, lên trời tìm cá vậy.
Nhưng cho dù xã hội có lúc tao loạn, trắng đen lẫn lộn thì những con người sống nhân cách vẫn còn. Nếu không thì thế giới loài người đã bị diệt vong lâu rồi. Nhưng tại sao chủ yếu những người có nhân cách lại là những người ngèo khổ. Lẽ ra những người ngèo khổ thì dễ sinh lòng tham. 500 triệu đồng đối với một người lao động bình thường quả là một số tiền thường là cả đời họ cũng không tích cóp đủ.
Nhưng thực tế dù công khai hay che đậy vẫn cho chúng ta thấy có quá nhiều những kẻ luôn luôn rao giảng về nhân cách nhưng trong lòng lại chứa đựng sự tham lam vô độ. Tiền bao nhiêu cũng không làm lòng họ bớt điên cuồng vì tiền. Họ sẵn sàng vứt đi lợi ích của nhiều người để cho lợi ích cá nhân họ.
Nhưng điều đắng cay và thất vọng hơn cả là những hành động nhân văn bây giờ đã và đang trở thành một thứ phù phiếm trong xã hội mang tên con người.

Source: Trực Ngôn

Thursday, 17 June 2010

Một vài suy nghĩ về giáo dục Việt Nam

Một cảm nhận nhỏ về giáo dục của Việt Nam đến tự nhiên khi đang search data cho luận văn. Tình cờ đọc được một bài phân tích thật hay của một thầy giáo (có lẽ là trẻ) đang dạy ở trường Kinh tế quốc dân về các yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát. Bài phân tích ngắn gọn trong khuôn khổ một bài báo nhưng logic và chặt chẽ. Không như nhiều bài nghiên cứu khác của Việt Nam thường chỉ mang tính định tính, bài viết của thầy sử dụng mô hình kinh tế lượng, đưa các biến số vào và xử lí số liệu một cách định lượng, chỉ rõ các mối quan hệ trên căn cứ khoa học, đồng thời quá trình cleaning data được mô tả tương đối chi tiết và nguồn tài liệu được chú thích rất rõ ràng. Rất sung sướng khi đọc xong bài viết này, không chỉ vì nó liên quan đến đề tài mình quan tâm, mà vui khi có thể tự phủ nhận một quan điểm trước đây của chính mình rằng các giáo viên ở Việt Nam hầu như chẳng nghiên cứu gì mấy, chủ yếu chỉ đi chấm bài và đi dạy thêm ở các tỉnh. Tuy nhiên, cách làm chặt chẽ và khoa học quá mức khiến mình nghi ngờ thầy có được đào tạo ở nước ngoài. 

Quả không sai, sau một hồi search thông tin thì được biết thầy làm tiến sĩ kinh tế tại University of Manchester, bảo sao phong cách viết và nghiên cứu khác hẳn những giáo viên khác. Đồng thời thầy không tập trung ở việc dậy mà chủ yếu làm nghiên cứu trong viện, thành ra có thời gian để viết và đi sâu vào research. Chẳng biết nên vui hay nên buồn. Vậy là những người giáo viên giỏi, nghiên cứu nhiều và có phương pháp logic là có nhưng không nhiều, mà lại là những người đi học ở nước ngoài về, còn những giáo viên khác thì sao? Tự nhiên nhận ra rằng 1 năm ở bên này người ta dậy cho mình nhiều điều có thể còn hơn 4 năm học ở nhà. 1 năm học, có thể rút ra phương pháp nghiên cứu, có thể đọc và hiểu một bài viết tương đối chuyên ngành của những người làm nghiên cứu, 1 năm để học được thế nào là critical thinking, thế nào là vận dụng references để đưa vào bài viết của mình chứ không ăn cắp của người khác. Một năm chỉ lên lớp có chưa đầy 240 tiếng nhưng hiểu hơn nhiều 4 năm học Đại học tại Việt Nam. Ngày trước thầy giáo hướng dẫn lúc nào cũng động viên mình đưa mô hình lượng hóa vào bài luận văn, nhưng thầy chẳng dậy cách mình mô hình hóa và chạy chương trình ra làm sao...nếu bây giờ cho làm lại, mình biết sẽ có thể khác rất nhiều.

Tự nhiên lại thấy suy nghĩ về giáo dục ở Việt Nam và các nước tiên tiến khác, đâu là cái khiến chất lượng giáo dục khác xa nhau đến vậy. Không phải sinh viên Việt Nam không đủ thông minh để hiểu những vấn đề phức tạp, cũng không phải giáo viên Việt Nam không đủ trình độ để dạy học sinh những điều ấy, vậy đâu là cốt lõi của vấn đề. Đọc những bài assignment viết trong 1 năm qua, đã thấy khác nhiều so với những bài tiểu luận và nghiên cứu khoa học trước đây mình và nhóm viết, chưa kể bạn bè xung quanh còn đi mua tiểu luận bán sẵn, chỉ cần 15,20 nghìn ra thay tên đổi họ là có một bài tiểu luận đem nộp, gặt điểm 7, điểm 8 ngon lành mà không hề biết trong bài viết những gì...

Thi thoảng cũng lóe lên cái ý nghĩ muốn làm nhà giáo, cũng vì những điều như thế này...

Wednesday, 16 June 2010

Bài học Hy Lạp

Có nhiều dẫn chứng thuyết phục cho thấy chính việc châu Âu nhiều lần làm ngơ trước các hành xử vô nguyên tắc của thành viên khiến Hy Lạp ra nông nỗi ngày nay.

Năm 1996, để chuẩn bị cho việc ra mắt đồng euro, Hội đồng châu Âu đã họp tại Dublin để thảo luận các vấn đề cần thiết. Và Liên minh châu Âu (EU) ký một hiệp ước quy định các thành viên trong nhóm giới hạn thâm hụt ngân sách hàng năm không vượt quá 3% GDP và tổng nợ chính phủ không vượt quá 60% GDP quốc gia.
Mười một sáng lập viên lúc bấy giờ vẫn ấn định giờ G là ngày 1/1/1999 ra mắt đồng euro. Nhưng không có quốc gia nào trong khối lúc bấy giờ đáp ứng được tiêu chí trên. Ví dụ lúc đó Bỉ có tổng nợ quốc gia lên đến 131% GDP.

Gia nhập vội vã
Tham vọng tạo ra một khối kinh tế chung có sức ảnh hưởng đã khiến cho các thành viên sáng lập lúc bấy giờ muốn có càng nhiều thành viên càng tốt. Điều đó khiến các tham vọng chính trị va vấp với những thực trạng về nền kinh tế các quốc gia.

Bất chấp tất cả, các quốc gia châu Âu “làm đẹp” sổ sách bằng mọi giá để kịp tiến độ gia nhập. Lúc đó, con số “sạch đẹp” thâm hụt 4% của Hy Lạp khiến một số người nghi ngờ.
Thần kỳ hơn khi Hy Lạp giảm được mức thâm hụt xuống còn 2,5% vào năm 1998 và dự báo lúc bấy giờ nói thâm hụt chỉ còn 1,9% vào năm 1999. Cả châu Âu đã hoan hô thành tích này, tung hô Hy Lạp như một câu chuyện thần kỳ khiến một số nước phải ngưỡng mộ. Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha cũng cố gắng “đạt thành tích” thâm hụt chỉ 3%.

Những số liệu “ma”
Quả đúng như người ta nghi ngờ. Tháng 3.2000, dưới một tiêu chuẩn kế toán mới, cho thấy thâm hụt thực sự của Hy Lạp vào năm 1998 là 3,2%. Đến năm 2004 một báo cáo khác lại chỉ ra con số thâm hụt của Hy Lạp vào năm 1998 là 4,3%, bởi Hy Lạp đã nhập nhằng tiền chi tiêu mua sắm công với viện trợ chính phủ đến 2 tỉ euro.
Không chỉ thế, Hy Lạp còn cố ý không tính đến một số chi tiêu quân sự cũng như y tế trong tổng chi chính phủ. Ngược lại, quốc gia này còn xem một số viện trợ từ châu Âu là khoản thu vào của chính phủ.

Với cách này, Hy Lạp đã “bùa” thâm hụt ngân sách năm 2003 một cách khó tin. Vào tháng 3/2004, Hy Lạp công bố thâm hụt ngân sách 2,6 tỉ euro tương đương 1,7%, tức thấp hơn nhiều so với mức trung bình của EU là 2,7%. Điều đó khiến nhiều người nghi ngờ và EU gây áp lực khiến Hy Lạp công bố lại.

Dưới áp lực từ châu Âu, Hy Lạp công bố là 3,2% bởi trước đó đã tính các trợ cấp thuế ước tính của châu Âu vào nguồn thu chính phủ. Bốn tháng sau đó, Hy Lạp thừa nhận đã bỏ qua một số khoản chi tiêu quân sự, tính cao lên giá trị thặng dư an sinh xã hội cùng lãi suất thấp đi, nên con số thực phải là 4,6%. Đến tháng 3.2005, Hy Lạp “thành thật” thông báo thâm hụt của năm 2003 là 5,2%. Và trong lần “thành thật” cuối cùng vào cuối năm đó, con số tăng lên mức 5,7%. Sau 18 tháng, số liệu thâm hụt năm 2003 đã tăng từ 2,6 tỉ lên 8,8 tỉ euro.

Có lợi cùng hưởng, có hoạ… tự chia
Theo ông Jean-Pierre Jouyet, chủ tịch uỷ ban Giám sát thị trường chứng khoán Pháp và là cựu cố vấn trưởng của chủ tịch Uỷ ban châu Âu, vấn đề hiện tại của Hy Lạp cũng cho thấy thể chế tài chính của EU không đủ năng lực và chuyên môn để kềm chế những thành viên không tuân thủ hiệp ước của khối.

David Marsch, tác giả cuốn Đồng euro là cuốn sách nói đến quá trình khai sinh ra đồng tiền này lý giải liên minh tiền tệ đã được xem là công cụ cho liên minh chính trị, nên các “sáng lập viên” chẳng hề quan tâm nhiều đến chuyện trừng phạt thành viên vi phạm quy chế chung.

Năm 1996, khi thảo luận xem liệu có cần thiết có những công cụ trừng phạt những thành viên vi phạm hay không, Tổng thống Pháp Jacques Chirac và Thủ tướng Đức Helmut Kohl cho rằng nên dựa vào ý thức, và cuối cùng EU ủng hộ chủ trương này. EU cho rằng các quốc gia sẽ phải tự điều tiết lấy.

Willem Buiter, kinh tế gia trưởng của Citigroup và là thành viên của uỷ ban Chính sách tiền tệ của ngân hàng Anh quốc, mô tả hiệp ước 1996 như những con hổ giấy. Còn ông Jean-Pierre Jouyet nói: “Một hiệp ước mà không có biện pháp trừng phạt thì là vô nghĩa”.

Đâu chỉ Hy Lạp, vào năm 2002 đến 2004, Pháp và Đức vượt chuẩn thâm hụt thì các quốc gia EU khác cũng bình chân như vại. Ông Jean-Luc Dehaene, cựu Thủ tướng Bỉ, không ngại chỉ trích: “Họ có xu hướng đưa ra quyết định chính trị”. Nay, đến khi Hy Lạp kêu van và lo sợ đồng euro chết yểu thì EU mới vào cuộc.


-----------------------------------------------
Hy Lạp - Người khổng lồ ngủ quên trên nợ

Gia nhập khu vực đồng tiền chung euro năm 2001 là cơ hội lớn để Hy Lạp có thể tiếp cận với thị trường vốn quốc tế. Đáng buồn thay, đây lại là nguyên nhân khiến quốc gia này lâm vào cảnh “chúa chổm”.

Dễ dàng hút vốn đầu tư nước ngoài, trong gần một thập kỷ qua, Chính phủ Hy Lạp liên tục bán trái phiếu để thu về hàng trăm tỷ đôla. Số tiền này lẽ ra có thể giúp kinh tế Hy Lạp tiến rất xa nếu chính phủ có kế hoạch chi tiêu hợp lý. Nhưng điều này không xảy ra, nhà chức trách dường như “ngủ quên” trên núi tiền có được nhờ vay nợ. Nói đúng hơn, Chính phủ Hy Lạp chỉ biết chi tiêu (phần lớn cho cơ sở hạ tầng) chứ hầu như không quan tâm đến các kế hoạch trả nợ.

Người nghèo và người hưởng lương hưu là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của khủng hoảng nợ tại Hy Lạp. Ảnh: AP

Một ví dụ dễ thấy nhất là công tác tổ chức Olympic 2004 - kỳ thế vận hội được hoành tráng nhất và cũng tốn kém nhất trong lịch sử. Chi 12 tỷ euro (cao hơn tới 10 tỷ so với dự kiến) nhưng không cho phép bất cứ một biển hiệu quảng cáo nào được xuất hiện trên đường phố, Chính phủ Hy Lạp đã khiến ngân sách quốc gia năm 2004 thâm hụt tới 6,1% (so với GDP) trong khi giới hạn mà khối EU cho phép là 3%.

Không chỉ chi phí cho cơ sở hạ tầng, quỹ lương của khối dịch vụ công tại Hy Lạp đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua. Trong khi đó, nguồn thu không được cải thiện sau hàng loạt biện pháp cắt giảm thuế để kích thích đầu tư.

Những bất ổn nội tại của kinh tế Hy Lạp thực sự biến thành cơn bạo bệnh khi cơn bão khủng hoảng kinh tế thế giới 2008-2009 tràn qua quốc gia Nam Âu này. Cuối tháng 9/2009, chỉ vài tuần trước khi bị đánh bại trong cuộc tổng tuyển cử ngày 4/10/2009, chính quyền của Thủ tướng Costas Karamanlis cho biết thâm hụt ngân sách năm 2009 của nước này ở mức 6-8% so với GDP.

Con số này nhanh chóng bị bác bỏ khi đảng Xã hội Hy Lạp lên nắm quyền. Ngày 20/10/2009, tân thủ tướng George Papandreou khẳng định thâm hụt ngân sách trong tài khóa 2009 phải ở mức 12,5%, gấp hơn 4 lần giới hạn cho phép của một quốc gia sử dụng đồng euro. Mức thâm hụt này cùng với khoản nợ trị giá 300 tỷ euro đã thực sự cho thấy tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp. Nguy hiểm hơn, nền kinh tế lớn thứ 27 thế giới này rất có thể chỉ là kíp nổ của toàn bộ hệ thống tài chính, tiền tệ châu Âu.

So sánh thâm hụt ngân sách (thanh màu đỏ) và nợ (thanh màu vàng) của Hy Lạp với một số quốc gia châu Âu trong năm 2009. Nguồn: EC

Ngày 3/11/2009, Ủy ban Châu Âu (EC) dự báo mức thâm hụt ngân sách của Hy Lạp là 12,7% trong năm 2009 và 12,2% trong 2010. 2 ngày sau, chính phủ nước này công bố dự thảo ngân sách tài khóa 2010, trong đó nhấn mạnh tới việc thắt chặt chi tiêu và dừng các chương trình miễn thuế nhằm giảm thâm hụt ngân sách xuống mức 9,4%.

Cùng thời điểm này, nhiều dự báo được được đưa ra cho thấy nợ công của Hy Lạp có thể tăng từ mức 113,4% GDP năm 2009 lên 121-125% GDP trong năm 2010. Hàng loạt tổ chức quốc tế tuyên bố hạ định mức tín nhiệm của Hy Lạp trên thị trương tài chính. Ngày 7/12/2009, S&P cho Hy Lạp điểm tín nhiệm A- với triển vọng kém lạc quan. Một ngày sau đó, Fitch đánh tụt điểm số của nền kinh tế này từ A- xuống còn BBB+.

Trước những diễn biến xấu, ngày 14/12/2009, Thủ tướng Papandreou tuyên bố sẽ thẳng tay với nạn tham nhũng, thắt chặt chi tiêu hơn nữa, trong đó đánh thuế 90% lên các khoản thưởng của giới “cá mập” ngân hàng cũng như ra lệnh cấm toàn bộ việc thưởng tiền cho các quan chức điều hành trong khu vực công. 10 ngày sau, Quốc hội Hy Lạp thông qua dự thảo ngân sách và dự báo mức thâm hụt ngân sách của năm 2010 là 9,1%.

Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia trong khối sử dụng đồng tiền chung euro vẫn tỏ ra chưa thật hài lòng với kế hoạch nói trên vì cho rằng tình trạng ngân sách thâm thủng và bất ổn của Hy Lạp có thể ảnh hưởng tới toàn khối. Định mức tín nhiệm của nước này tiếp tục đi xuống trong mắt các tổ chức quốc tế. S&P tiếp tục hạ điểm của Hy Lạp xuống còn BBB- vào ngày 16/12. Trái phiếu Chính phủ Hy Lạp liên tục phải nâng lãi suất trên thị trường tài chính quốc tế.

Bước sang năm 2010, Chính quyền của Thủ tướng Papandreou một lần nữa phải thay đổi kế hoạch vào ngày 14/1/2010 nhằm hạ mức thâm hụt xuống dưới 3% vào năm 2012 như yêu cầu của EU. Theo kế hoạch này, bội chi ngân sách trong năm 2010 của quốc gia nam Âu này sẽ phải ở mức 8,7%.

Song song với cắt giảm ngân sách dành cho y tế, quốc phòng, tăng thuế, ngày 2/2, lãnh đạo Hy Lạp tuyên bố một chính sách lương thưởng hà khắc đối với khối dịch vụ công. Mục tiêu của chính sách này là nhằm cắt giảm quỹ lương khoảng 4%.

Đến ngày 25/2, sau cuộc gặp với đại diện EU và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Chính phủ Hy Lạp cho biết sẽ xem xét một kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” mới. Kế hoạch này, cuối cùng đã được công bố vào ngày 3/3 với quy mô tương đương 4,8 tỷ euro, bao gồm cắt giảm quỹ hưu trí, lương thưởng tại khu vực công, ban hành một số sắc thuế mới đối với các các sản phẩm nhập khẩu như thuốc lá, rượu, xăng dầu và các mặt hàng xa xỉ.

Bằng việc thực hiện những động thái mạnh tay với nền kinh tế, Chính phủ Hy Lạp hy vọng có thể giúp giảm tỷ lệ bội chi ngân sách cũng như tiếp cận được những khoản hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, cầu chuyện về những khó khăn của kinh tế nước này chắc chắn không thể được giải quyết trong một sớm, một chiều trong khi đời sống xã hội Hy Lạp đang bắt đầu phải chịu đựng bất ổn từ những cuộc biểu tình, đình công… để phản đối các chính sách hà khắc của Chính phủ.

Source: Vnexpress
---------------------------------------------
Đọc xong mấy bài viết về Hy Lạp, tự nhiên có cảm giác những gì được học không hoàn toàn là một mớ lí thuyết mà đôi khi nó thật đến bất ngờ. Một quốc gia mà có thể đùa với cán cân ngân sách của mình, thì hậu quả sẽ như thế nào? Câu hỏi nghe như một câu hỏi trong sách giáo khoa. Cái cần suy nghĩ đó là Việt Nam rút ra được bài học gì từ câu chuyện của người khổng lồ Hy Lạp? Nếu chúng ta tiếp tục chủ quan về tình hình vay nợ và sử dụng ngân sách một cách thiếu tính toán, chúng ta cũng có thể đi vào lối mòn của những con số âm khổng lồ ấy. 

Một điểm chung giữa Việt Nam và Hy Lạp đó là nạn tham nhũng, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân sâu xa của nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp. Cái cách mọi công việc đều được "chạy" trọt và xử lý theo lối "hành lang" đã trở nên ngày càng phổ biến ở Việt Nam, tới mức dường như thành một "văn hóa" tất yếu trong thời đại ngày nay. Ngoài những vụ án đã bị lôi ra ánh sáng, thử hỏi còn bao nhiêu khoản tiền vân âm thầm chảy ngầm qua các túi của các sếp và bao giờ ngân sách nhà nước mới được thực sự công khai và minh bạch, như ngày xưa thầy dạy Tài chính công vẫn nói. Cách quản lý theo đầu ra thay vì theo đầu vào như đã được học là một cách thức rất hay, nhưng dường như nó chỉ nằm trên lí thuyết vì đọc rất nhiều bài liên quan đến ngân sách nhưng chẳng ở đâu nói đên MTEF cả.

Saturday, 12 June 2010

Tạm biệt...

Cuộc đời lúc nào cũng vậy, hợp rồi lại tan, gặp rồi lại chia... Ngày hôm nay là ngày mà rất nhiều người chuyển nhà, cứ nghĩ là mình sẽ không buồn lắm đâu, vì đã chuẩn bị tâm lí cho điều này từ rất lâu rồi, nhưng sao khi nhìn căn phòng trống, nhìn mọi thứ vắng đi một nửa, lại thấy nao lòng lạ lùng. 

Mọi khi vào phòng nàng, vẫn cứ chê là bừa bộn và lộn xộn, nhưng giờ khi mọi thứ đã được mang đi hết, căn phòng lại trở nên sạch một cách đáng sợ va lại cảm thấy buồn và thiếu một điều gì đó... Một cái ôm, một cái bắt tay, có đủ để nói với hai bạn rằng tớ yêu quý mọi người... Có thể lúc nào đó tớ là một người hàng xóm khó tính, một con bé hay cau có mỗi khi mệt, một người thỉnh thoảng ngồi ăn cơm lại xị mặt ra...nhưng tớ mong các bạn hiểu là tớ vốn thất thường là thế, và cũng yêu quý các bạn như các bạn là thế. Như cái lúc bạn bật nhạc ầm ĩ khi mà tớ thì đang cố ngủ, như cái lúc bạn giận mà ko nói với tớ câu nào, như cái lúc tự nhiên bạn cười với tớ một cái rất đỗi dịu dàng, như cái lúc bạn sang phòng tớ kể đủ thứ chuyện và cười ngặt nghẽo...

Người ta thường bảo có những người bạn gặp và quen biết nhau là một cái duyên, và sống cùng nhau một thời gian ko đủ dài nhưng cũng không phải là ngắn đủ để biết các thói quen của nhau, thì đã là một cái duyên lớn phải vậy ko cô bé Sài Gòn của tớ? Có lẽ là phải có duyên thật để "Sài Gòn hoa lệ" và "Hà Nội thanh lịch" lại gặp nhau ở đây, cùng với cả "Hải Phòng đất cảng" nữa, nhỉ...Suốt 9 tháng qua các bạn đã là một phần cuộc sống của tớ...rồi đây, tớ cũng ko biết sẽ thế nào khi mỗi lần về nhà, lại chỉ thấy có một mình... Dù gì đi nữa, cũng chúc bạn thành công, tin rằng những cố gắng của bạn, rồi sẽ được đền đáp xứng đáng.

"Chia tay nhé rồi ngày vui ta lại gặp nhau"...
Giọng hát của Khánh Linh cứ mát lạnh và thấm đến từng câu từng chữ...
Hôm qua sang giúp chị dọn nhà, chia tay Browne house, rồi sáng nay nhìn từng chiếc từng chiếc ô tô chuyển bánh rời khỏi kí túc của UEA, lòng xao xuyến quá...Tự nhiên thấy sợ khoảng thời gian tới, hơn 2 tháng nữa, ai ở ai về...Rồi cũng đến lúc chính mình tạm biệt căn phòng thân quen này...đóng cửa và bước đi...Rồi cũng đến lúc mình tạm biệt thành phố này, trong tim vẫn vẹn nguyên những hình ảnh đầu tiên khi mình đến đây, với ông lái taxi hiền hậu...Rồi cũng đến lúc mình tạm biệt đất nước này, với vô số những kỉ niệm vui buồn trên từng mảnh đất đã đi qua...

Rồi cũng đến lúc để nói lời "tạm biệt"... tạm biệt nghĩa là còn gặp lại mà...phải thế không?


Thursday, 3 June 2010

Father and daughter


Vẫn với cảm xúc tình cảm cha con...Nhớ bố mẹ...Tự nhiên thích có con gái, thích nhìn trẻ con lúc mắt chúng long lanh, thích những câu hỏi "rõ khó trả lời", thích dạy bảo, thích ôm một em bé, thích nhìn trẻ con chạy nhảy chơi đùa..Và tự nhiên thấy mình nhận ra cảm xúc của những người làm bố, làm mẹ, khi nhìn con lớn từng ngày... Mượn một câu của Khủng long cha như thế này:

"Rồi con sẽ vào lớp 1, lớp 2...rồi con sẽ lớn lên và bước đi bằng đôi chân của mình. Cha sẽ đi cùng con nhưng theo chiều ngược lại. Nhưng dù có thế nào đi nữa, cha sẽ luôn ngoái đầu nhìn lại để được thấy con yêu..."


Những cánh buồm

_Hoàng Trung Thông_

Hai cha con bước đi trên cát
Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh
Bóng cha dài lênh khênh
Bóng con tròn chắc nịch,

Sau trận mưa đêm rả rích
Cát càng mịn, biển càng trong
Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng
Nghe con bước, lòng vui phơi phới.

Con bỗng lắc tay cha khẽ hỏi:
"Cha ơi, sao xa kia chỉ thấy nước thấy trời,
Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?"

Cha mỉm cười xoa đầu con nhỏ:
"Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa,
Sẽ có cây, có cửa, có nhà
Vẫn là đất nước của ta
Ở nơi đó cha chưa hề đi đến."

Cha lại dắt con đi trên cát mịn,
Ánh nắng chảy đầy vai
Cha trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời
Con lại trỏ cánh buồm xa hỏi khẽ:
"Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé,
Để con đi!"

Lời của con hay tiếng sóng thầm thì
Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm
Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận
Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con.

Đoạn clip yêu thích, nhưng lần nào xem xong cũng buồn...

Wednesday, 2 June 2010

Với con gái yêu của cha, thế giới này quả là đẹp đẽ...

Thi cử xong, đi lang thang, lại tình cờ gặp những đoạn viết ngắn đáng yêu quá... Cảm giác như tìm thấy mình ở đâu đó, tìm thấy bố ở đâu đó, và tình cảm cha con thì ở từng câu từng chữ một. Cảm ơn bác Khủng long cha.
---------------------------
Tôi quyết định viết về con gái đầu lòng của mình như những kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong cuộc đời này. Cũng giống như bao người cha khác, tôi đã háo hức biết bao chờ ngày con gái cất tiếng khóc chào đời. Từng ngày từng ngày con lớn lên, tiếng nói tiếng cười trong trẻo của con là giai điệu ngọt ngào nhất mà cha không thể nào quên...
Cha sẽ bắt đầu ghi lại những gì xảy ra khi con 3 tuổi...
 
1. Chuyện thứ nhất: Mặc quần áo

Cha không nhớ con tự biết mặc quần áo chính xác là vào khi nào nữa, chỉ nhớ có lần thấy con tự mình kéo cái quần xộc xệch, dù đằng trước đã kín nhưng đằng sau thì vẫn cuộn tròn để hở ½ cái mông. Con cứ để như vậy và coi như nhiệm vụ kéo quần đã hoàn thành và ½ cái mông thừa ra ngoài như vốn dĩ nó phải thế.
Con cũng đã thôi đóng bỉm vì lớn thế này thì ai còn tè dầm nữa. “Tè dầm như em Bốp xấu lắm!” con khẳng định điều này với cái lười thè ra lém lỉnh. Nhưng vậy mà có hôm đệm nhà mình vẫn ướt, sáng dậy con chẳng nhớ là đêm qua mình đã tè dầm, chỉ bẽn lẽn “Con thạch sùng nó làm ướt quần con bố ạ!”.
Nhưng không đóng bỉm không có nghĩa là con không có cái gì mặc bên trong. Con thấy các chị bé học lớp 3, 4 bên hàng xóm mặc cái quần “nhỏ nhỏ ở bên trong ấy”, biết được đó là quần lót con đòi mẹ mua bằng được và phải chắc chắn là mẹ mua được quần lót có hoa cơ! Con rất chăm mặc quần lót và có thêm cái quần lót đẹp cũng không làm con bớt tè dầm những khi mải chơi, mà điều đó có nghĩa là phải giặt thêm cho con một chiếc quần nữa. Cha thấy chức năng duy nhất của nó là để nó đỡ hở khi quần bên ngoài của con bị toạc ở đúng chỗ... không được phép hở!
Buổi sáng, con mặc quần áo đi học...
Con cởi truồng, phải dùng từ ấy mới chính xác, và để nguyên tình trạng ấy mà lục tìm cái quần trong ngăn tủ... Tìm thấy quần, con cầm nó và chạy một mạch vào trong buồng, kéo màn gió cẩn thận và từ trong đó con nói vọng ra: “Không ai được vào đây đâu nhé, con đang thay quần đấy!”. Ôi trời, con có biết cái gì cần phải giữ kín không con yêu? 
----------------------------
2. Chuyện thứ 2: Ngày khai trường

Ngày đầu tiên đến trường đúng vào ngày lập thu. Cha không chọn lựa và chắc trường học của con cũng không chọn nhưng lại thật tình cờ vì ngày học đầu tiên của có tiết trời thu thật đẹp. Đó là ngày mà cha thấy con vui lắm. Con chỉ các hình vẽ và luôn miệng nhắc: “Bố nhìn con rùa kìa, con chim kìa...”. Rồi con vênh mặt nói vẻ tự hào lắm: “Trường của con đấy!”
Ừ, cha biết trường của con rồi! Con thích nó vì ngoài sân có con thú nhún cho con chơi, có cái đu quay cho con ngồi, có cái rổ bóng để con lăn lê bò toài trong đó. Sáng nay cũng vậy, con mặc thật đẹp, đeo ba lô, đi giày vải... ra dáng người lớn (trong ba lô lại có cả hộp sữa, bình nước và quần dự phòng tè dầm nữa chứ! ). Đến trường là con sà vào chỗ chơi ngay. Con tưởng việc đi học của con cũng giống như những lần đi chơi công viên là có rất nhiều đồ chơi và luôn có cha mẹ bên cạnh. Thấy cha giục con chơi nhanh lên rồi còn lên lớp thì nét mặt con lộ vẻ ngạc nhiên: “Lớp của con đây mà!”
“Không, lớp của con ở trên kia. Chỗ có cô giáo cơ!”
Okei! Con rời khỏi lưng con thú nhún và hăm hở leo lên gác... Chắc con nghĩ lớp học còn có nhiều cái hay hơn, đáng để khám phá lắm!
Cô giáo thật xinh, đấy là theo nhận xét của cha . Còn con thì chỉ nhìn cô lạ lẫm! Cha đặt con vào tay cô và nói lời tạm biệt... Bỗng dưng đôi mắt tròn xoe của con ngơ ngác, rồi từ đó lăn dài hai dòng nước mắt, cái miệng con mếu xệch, con hét lên: “Không, con đi với bố cơ, con không ở đây một mình đâu!”
Con túm áo cha thật chặt. Cha hiểu, con đang sợ vì cảm giác bị bỏ lại ở một nơi toàn những người lạ. Không bao giờ mà con yêu, chỉ là đi học thôi. Ai cũng phải đến trường chứ!
Cuối cùng thì cha cũng dứt được con ra để đi. Xuống dưới tầng một rồi vẫn còn nghe thấy tiếng con gào, có vẻ to nhất trong số các bạn cùng đến lớp buổi sáng hôm ấy! Ngày đầu tiên không có vẻ gì suôn sẻ!
Từ ngày hôm sau, cứ chạm cổng trường, nhìn thấy con rùa, con chim, con thú nhún... là con ôm ghì lấy cha: “Con không học đâu, không ngồi thú nhún đâu!”. Cảm giác tự hào về trường học của con đâu rồi nhỉ? Cha cười và cố gắng động viên con bằng cách nhìn các bức tranh và bắt đầu chào từng nhân vật:
“Chào bạn rùa nhé!”
“Chào bạn sóc!”
“Chào nàng Bạch Tuyết, chào bảy chú lùn!”
Và cả... “Chào củ khoai, chào ông mặt trời, chào cái nhà, chào quả bí...”. Con bắt chước làm theo và tạm quên đi nghĩa vụ đi học đang chờ con trên tầng 3. Hôm nay con không chịu hăm hở đi bộ nữa, không chịu tự mình đeo ba lô nữa mà bắt cha bế và xách ba lô cho con! Con vẫn tiếp tục gào thét nhưng dường như con đã nhận thức được việc phải đi học cho nên khi chia tay cha con chỉ mếu máo: “Chiều bố đón con sớm nhé!”
Ôi, giá mà cha có thể ghi lại được tiếng nói của con lúc bấy giờ, nó như van xin, như năn nỉ đến tội nghiệp. Có lẽ chẳng bao giờ cha có thể quên được tiếng nói của con: “Chiều bố đón con... sớmmmm nhé!!!!!"
Giờ đây con đã quen trường, quen lớp, quen các bạn nhưng chắc sau này chẳng bao giờ con có thể nhớ được ngày đầu tiên đến trường của con như thế nào đâu. Rồi cha sẽ kể cho con nghe! Kỷ niệm tuổi thơ như những bức tranh tuyệt đẹp mà con nên giữ, nó sẽ theo con đi suốt cuộc đời này và biết đâu, những lúc mà lòng con rối bời nhất lại là lúc con cần đến nó...
---------------------
3. Chuyện thứ 3: Cái roi và sự trừng phạt

Cha rất nghiêm khắc với con, mặc dù yêu con nhiều lắm. Đã có lần cha lấy roi và vụt vào mông con thật đau, rồi nhìn lại thấy thật xót xa... Con là một cô bé ngoan, nhưng đôi khi con vẫn khá bướng bỉnh và hay phá các quy ước. Con chạy đi chơi không hỏi bà, hỏi mẹ... Con lấy đũa bát và nghịch thức ăn... Con hay cúi đầu qua lan can để đùa với em Bốp... Tất cả những thứ nhỏ nhỏ ấy, cha đã muốn con phải nhớ và không được làm. Chỉ vì nó không tốt và đôi khi còn nguy hiểm nữa!
Những lần nhìn con đứng trước cây roi, tay chân run bắn, cha không thể vung roi lên được. Con rất sợ bị phạt và có lần thấy chiếc roi trên tay cha, nước mắt con chảy tràn ra còn... cái quần thì cũng dần ướt sũng. Cha không thể đánh con được nữa mà bắt đầu nghĩ đến một hình thức phạt mới: cho con nợ roi và úp mặt vào tường, tự suy nghĩ về những việc con đã làm. Ban đầu con làm theo một cách tích cực ra vẻ hối lỗi lắm. Sau đó thì...
Con đứng đó, đôi chân nhỏ xíu luôn ngọ ngoạy. Di bên này một tí, di bên kia một tí. Móng tay vạch những đường vô nghĩa trên tường. Thỉnh thoảng liếc nhìn cha một cái, nhìn ra cửa sổ một tí xem ngoài ấy có gì và có hôm con đã quên là mình đang bị phạt, quay sang cha đề nghị: “Bố ơi, đưa cho con con búp bê!”
Ôi trời! Cha đang phạt con kia mà, đâu phải bắt con đứng đó để chơi với búp bê!
Chỉ được một lát, thấy em Bốp đang chơi gần đó, con liếc nhìn sang em gật gật. Cậu bé 1 tuổi nhà cô Nh. dường như còn quá nhỏ để có thể hiểu được cái gật đầu của con có nghĩa gì. Nó tiếp tục với món đồ chơi cũ... Đến lúc ấy thì con không thể tiếp tục ra hiệu với em nữa mà bắt đầu gọi: “Bốp ơi, vào đây chơi với chị, chị không ra ngoài được!” Thôi, thế là hình thức phạt của cha đã bị phá sản.
Cũng may, càng ngày con yêu càng ngoan ngoãn và biết nghe lời. Cha cũng không hay phạt con nữa vì biết rằng có thể điều này rất ảnh hưởng đến tâm lý của con. Cha muốn con thật yên tâm rằng cha mẹ không phải là những người quá nghiêm khắc với con mà chỉ mong muốn được làm người bạn thực sự của con, mang lại những điều tốt nhất cho con mà thôi!

Source: written by Khủng long cha in webtretho

Và những nhận xét cũng đáng yêu không kém:
"Em không ủng hộ cách dạy con phải đánh thật lực cho tỏ rõ cái uy của mình... Ngày xưa bố em mỗi lần gọi về chỉ cần nói: "Con mang cái dạ về đây!" là em đã rụng rời chân tay rồi... Chẳng thấy bố vung roi lên gì cả mà vẫn thấy uy nghiêm. Giờ đây học lại bài của bố, chỉ cần hỏi con gái: "Tội này của con đáng mấy roi?" là con đã mếu máo "Chín roi!"
(Công chúa nhỏ của em chưa biết số nào lớn số nào bé, cái gì cũng 9 cho nên ngay cả khi hỏi nhận mấy roi cũng xin... 9!!! Ngày xưa cũng câu hỏi ấy của bố em chỉ xin 2 roi thôi! )
"Thế bây giờ bố đánh 1 roi còn lại cho con nợ nhé!"
"Vâââââââââng!!!" (Đầy cam chịu... Ngày xưa đến đoạn này là em giở ngay bài van xin, cầu khẩn... )
Tuy thế em mới vụt đít con có 3 lần, mặc dù đã cố gắng đánh thật nhẹ nhưng lần nào cũng làm lằn mông vì làn da của con rất mỏng. Vụt một cái mất cả buổi tối ngồi xoa mông cho con... Thương nhất là khi bị roi con không thể khóc được, cứ tức tưởi nấc lên trông thật tội!
Bây giờ chơi với búp bê thỉnh thoảng cũng nghe thấy con gái nói: "Em hư lắm, đáng mấy roi nào?"
"Chín roi nhé... Được rồi, chị cho em nợ, úp mặt vào tường nhanh lên!"

-----------------------------------
Con gái em mỗi lần hỏi đánh mấy roi là xí xớn:
"Ba roi"
Rồi chìa tay cho bố đánh rất thỏa mãn .
Có hôm còn tự giác:
"Bố ơi, nó nghịch bố đánh nó đi"

--------------------------------
Chả là vì muốn con phát triển đầy đủ nhân cách khi hoàn cảnh là "gà Trống nuôi con" nên mình đôi lúc phải đóng vai làm "1 thằng em trai" trong trò chơi chăm sóc gia đình của con gái

Thế là thình thoảng "thằng em trai" lại bị chị đánh cho vì cái tội ăn tham và cái tội không chịu rửa tay trước khi ăn cơm . Chị tớ bảo là ở lớp cô giáo dạy rằng: "phải rửa tay trước khi ăn cơm" Thế là tớ thỉnh thoảng lại bị ăn đòn ... đã thế chị lại còn mắng rằng:
- Cái thằng bé này .... hư quá , chị sẽ về mách bố !!! ???
Đã bị ăn đòn rồi mà chị lại còn dọa sẽ "Về mách bố" nữa cơ chứ ........ hu hu hu ......

Có lần tớ xui , nếu em ngoan thì chị phải đến lớp xin cô giáo cho thêm 1 phiếu bé ngoan nhá . Thế là chị xin thật , sau này khi đón con cô giáo kể :
- Cô hỏi xin cho ai ?
Trả lời :
- Dạ , con xin cho em bé ạ
- Thế em bé không đi trẻ à ?
- Không em bé đi làm ạ ???
Mãi sau cô mới biết là em bé của cháu đã lớn rồi . Cô hỏi tiếp thế bố năm nay bao nhiêu tuổi ? và tuổi con gì?
Nghe con hỏi mình liền bảo rằng :
- Bố tuổi con voi !
Cháu thật thà kể lại cô nghe ... Hôm đó đi học về cháu kể lại là :
- Thế bố tuổi con gì mà khi con bảo thế cô lầm bầm nói là "Đến bố tuổi con gì mà cũng chả biết "
----------------------------------

Source:  webtretho

Touch...


Tớ vui khi bạn tớ ngày càng xinh, bạn tớ mặc ngày càng đẹp, trông bạn ngày càng trắng trẻo dễ thương. Ai cũng thích cái đẹp, và tớ cũng thích nhìn bạn tớ đẹp lên từng ngày như thế...

Nhưng bạn ạ, đừng quên rằng ngoài cái vẻ ngoài ấy, điều người ta cần ở một người bạn là cái đẹp tâm hồn, là một sự quan tâm thật sự...Tớ thấy bạn mặc váy đẹp, bạn điệu đà, nhưng bạn lại xa tớ hơn...Bạn đẹp lên trong mắt mọi người, nhưng tớ lại không tìm thấy cái đẹp mà tớ vốn vẫn tin ở đâu đó trong trái tim bạn...

Sự quan tâm và cả sự vô tâm, những điều mà ko thể hiện qua quần áo bạn mặc, nhưng thể hiện rõ hơn bao giờ hết của những điều bạn làm và những lời bạn nói. Những điều cái tai nghe thấy, có thể không đáng tin, nhưng những điều trái tim nghe thấy, có lẽ là thật, phải ko nhỉ? 

Một ngày lạ lùng với hai cảm xúc trái ngược, nhận ra rằng sự quan tâm thì lúc nào cũng có cách cách thể hiện của riêng nó, vấn đề chỉ là có hay không mà thôi...Bị cảm động. Bị iêu các bà chị điên đảo và bị thèm cháo gà.