Thursday, 21 July 2022

Sự tử tế và những cảm xúc tốt đẹp


 Đã 5 năm mẹ không dùng blog. Những câu chuyện ăn, chơi và chém gió trên mạng xã hội đã cuốn đi kha khá thời gian, và mẹ đã quên mất việc nuôi dưỡng tâm hồn bằng cách viết. Hôm nay, một ngày tháng 7 không oi bức, ngồi trong một quán cà phê với không gian xanh, mẹ tình cờ xem clip bài hát "Nếu một mai tôi bay lên trời" và đã nhòa nước mắt ngay trong quán. Mẹ tự nhủ rằng khi nào các con lớn hơn một chút, mẹ sẽ cho con xem clip của bài hát này và đọc những comment trong đó, để con thấy được cuộc sống của mình khỏe mạnh đã là một sự may mắn vô cùng và đâu đó chúng ta luôn cần sự tử tế, một sự tử tế của một tâm hồn cao đẹp. Và mẹ muốn viết cho các con một vài dòng, về sự tử tế này.

Nếu hỏi rằng mẹ mong đợi gì ở các con, thì câu trả lời có thể thay đổi rất nhiều theo thời gian. Có những lúc giấc mơ rất lớn lao, có những lúc lại rất giản di. Nhưng có lẽ không thay đổi theo thời gian, mẹ mong các con của mẹ sẽ thành những người tử tế, sống tử tế với bản thân mình và tử tế với mọi người xung quanh, để con đi đâu, làm gì con cũng có thể ngẩng cao đầu. Sự tử tế bắt đầu từ những việc rất đơn giản như là mình tử tế với một cái cây, một bông hoa hay một con vật, nó có thể đến từ những hành động rất nhỏ như mình ko vứt rác ra đường - là tử tế với môi trường cho tới những sự tử tế lớn lao vĩ đại hơn, như trong clip bài hát ở trên, một bạn nhỏ đã nhường cơ hội sống cho một bạn nhỏ khác. Nhưng dù lớn hay nhỏ, sự tử tế đến từ một trái tim ấm áp, biết yêu thương, biết quan tâm đến mọi người, đến từ một trái tim biết rung động trước những cảm xúc tốt đẹp.

Ngày hôm nay, mẹ khóc vì xúc động trước một bài hát với những ca từ quá hay, và những ý nghĩa rất sâu lắng mà nó mang lại, và mẹ thấy đó là một sự rung động rất tốt đẹp mà mẹ muốn lưu lại, muốn truyền cảm hứng cho các con, để các con sống biết yêu thương, biết rung động, biết giữ cho mình những cảm xúc tốt đẹp, lương thiện của sự tử tế. 

Mẹ còn nhớ em Cốm đã bật khóc nức nở khi cái cây xanh ở dưới tầng 1 gần nhà mình bắt đầu bị cưa từng cành một rồi bị chặt đi. Có thể sẽ có ai đó nói rằng vớ vẩn, có thế mà cũng khóc, nhưng mẹ lại thấy yêu vô cùng khoảnh khắc ấy, khi con biết khóc vì thương một cái cây, vì sự rung động tốt đẹp, một sự lương thiện từ sâu thẳm trong lòng. Hãy nuôi dưỡng những cảm xúc ấy, từ những sự việc nhỏ bé, bình thường nhất. Khi con biết đau nỗi đau của người khác, con thông cảm với những vui, buồn, bất hạnh của người khác, là con đã trưởng thành về mặt cảm xúc. Đó mới là lúc con thực sự lớn lên, chứ không phải khi con đạt 18 tuổi hay khi con cao 1m80. 

Mẹ đang nghĩ về việc hiến tạng khi mẹ không còn nữa. Bài hát này khiến mẹ xúc động và mẹ muốn để lại một điều gì đó tốt đẹp, có điều mẹ chưa đủ dũng cảm vào thời điểm này. Mẹ hi vọng là sau này các con sẽ lớn lên với một trái tim giàu cảm xúc với lòng biết ơn và trách nhiệm, để có thể trở thành người tử tế và hạnh phúc. Nếu như vậy, có lẽ đó là điều thành công nhất của mẹ rồi.

Yêu thương các con vô cùng nhiều. Và mẹ không biết sau này sẽ để lại được tài sản gì con ngoại trừ tình yêu và sự tử tế tốt đẹp mà mẹ muốn truyền dẫn tới các con. 

"Tôi học cách yêu thương người khác tôi
Và bao dung cho người ghét tôi
Tôi học cách xua đau thương bằng nụ cười
Và bằng niềm tin ở con người
Nếu một mai tôi có bay lên trời
Thì người ơi, tôi đã sống rất thảnh thơi
Nếu một mai tôi có đi qua đời
Thì người ơi, tôi đã sống rất tuyệt vời........"

Friday, 10 June 2022

Cảm thụ âm nhạc vs giải trí thị giác



Thực sự rất tâm đắc với chia sẻ của cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong bài phỏng vấn này. Lâu nay âm nhạc của Việt Nam quá là dễ dãi, chủ yếu là "giải trí thị giác" chứ không phải nghệ thuật. Lên youtube tìm bài hát thiếu nhi nhạc Việt cho con nghe mà toàn bài remix xập xình như cái quán bar. Bé mà nghe như vậy thì lớn lên chỉ có xem nhảy nhót, uốn éo chứ đâu có thực sự "nghe" và "cảm thụ" âm nhạc. Thành ra hoặc là mẹ và con nghe các bài từ ngày xưa cũ xì kiểu "đưa cơm cho mẹ đi cày", hoặc là nghe các bài hát nước ngoài. Thực sự thấy buồn vì dòng nhạc trẻ VN hiện nay nhiều bài dễ dãi và rẻ tiền. Gần đây mình nghe Đen và Ngọt hát thì thấy có chút lạc quan hơn với những nghệ sĩ trẻ sáng tạo, có cá tính, có âm nhạc.

Thấm thía câu nói của nhạc sĩ: mong có nhiều nghệ sĩ tử tế và người nghe tử tế....
-----------------------------
https://www.facebook.com/photo/?fbid=362239012560741&set=a.323476839770292
NHẠC SĨ NGUYỄN ÁNH 9 NHẬN XÉT & ĐÁNH GIÁ THẲNG THỪNG VỀ CÁC CA SĨ VIỆT CHẲNG SỢ MÍCH LÒNG AI CẢ !
Nguyễn Ánh 9 "mổ xẻ" Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà.
Với sự am hiểu sâu sắc, nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 không ngần ngại ‘mổ xẻ’ các gương mặt đình đám nhất làng nhạc Việt như Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà.
- Có thâm niên 60 năm trong nghề, ông đánh giá thế nào về thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay ?
Việt Nam hiện tại chỉ có giải trí, không có nghệ thuật. Bây giờ, nhạc để xem nhiều hơn là để nghe. Người ta làm giải trí kiếm tiền, coi qua rồi bỏ chứ hiếm người tâm huyết làm nghệ thuật. Điều này khiến tôi buồn lắm vì con đường nghệ thuật của mình không có những người chung chí hướng để làm tốt vai trò nghệ sĩ.
- So với thế hệ trước như ông, giới ca - nhạc sĩ Việt hiện nay có gì khác biệt đáng nói ?
Hồi xưa, người nhạc sĩ viết ca khúc từ những cảm xúc thật của họ, họ viết ra để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cho mọi người chứ họ không viết nhạc để bán.
Còn bây giờ, nhạc sĩ viết nhạc theo yêu cầu đơn đặt hàng nên âm nhạc không có hồn, không có cảm xúc thật của người sáng tác.
Ca sỹ bây giờ đa số chỉ chú trọng ăn mặc, make-up cho đẹp và lên sân khấu hát thì sau lưng có một đám múa. Nhưng ít chú trọng đến xúc cảm âm nhạc, không để tâm hồn vào bài hát.
Hồi xưa, có những giọng ca còn để tiếng đến bây giờ như Lệ Thu, Thanh Thúy, Thái Thanh… nhưng bây giờ những ca sĩ hát giọng tốt đếm trên đầu ngón tay, đã vậy lại bị vướng vào kỹ thuật thanh nhạc.
Tôi nói có lẽ sẽ đụng chạm đến những người học thanh nhạc. Người ca sĩ học thanh nhạc hát phải phát âm cho tròn chữ, và cố gắng đưa giọng mình cho tròn trịa, giọng ngân cao vút… nhưng quá mải lo kỹ thuật nên hát không có cảm xúc!
Giọng Hồ Ngọc Hà yếu lắm...
- Những ca sĩ được phong hàng Diva như Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Trần Thu Hà có bị vướng vào kỹ thuật thanh nhạc ?
Thanh Lam, Mỹ Linh giọng hát rất đẹp, cái gì cũng tốt nhưng đều bị vướng kỹ thuật thanh nhạc nên nhiều lúc nhạc cảm không có, tâm hồn bài hát không có. Hồng Nhung hát tốt hơn Mỹ Linh, Mỹ Linh tốt hơn Thanh Lam.
Đơn cử, nghe Thanh Lam hát bài Cô đơn của tôi, tôi buồn lắm ! Nó không ra cái cô đơn, không có hồn dù giọng đẹp thiệt! Thanh Lam hát những bài sâu lắng nhiều khi đóng kịch nhiều hơn là hát.
Mà đóng kịch phải như người diễn viên, người ta nhập hồn vào vai diễn đó, ví dụ Kim Cương trong Lá sầu riêng, cô là nhân vật cô gái đau khổ tên Tâm chứ không phải là nghệ sĩ Kim Cương, phải quên Kim Cương đi ! Ca sỹ cũng phải hát 'nhập vai' như vậy mới ra ca sĩ.
Trần Thu Hà thì khôn hơn, biết cách lợi dụng kỹ thuật để áp dụng. Nhưng mấy người được như Trần Thu Hà? Người nào cũng phô trương, tôi phải hát giọng cao tới nốt đó tôi mới là ca sỹ, còn hát chưa tới thì chưa phải là ca sĩ. Cái đó là sai lầm tai hại vô cùng và không ai chấp nhận.
- Hai nữ ca sĩ đang nổi tiếng nhất trên thị trường hiện nay là Mỹ Tâm và Hồ Ngọc Hà, ông đánh giá tài năng của họ ra sao...?
Mỹ Tâm chỉ hát nhạc Pop bình thường thôi, nhưng được cái là sáng sân khấu, xử lý bài hát chính xác. Mỹ Tâm cũng có những ca khúc hát không tới, gặp bài nào hát tới mới hay, như Cây đàn sinh viên, Ước gì...
Mỹ Tâm hát chỉ hợp với tuổi trẻ. Về tính nghệ thuật thì Hồng Nhung, Trần Thu Hà hát xong có để lại ấn tượng, còn Mỹ Tâm chỉ nghe vui mắt, vui tai, nghe qua xong rồi thì thôi, không để lại ấn tượng gì hết.
Mỹ Tâm được cái là may mắn rơi vào đúng thời điểm không có ai cạnh tranh, từ đó nổi tiếng và khi nổi tiếng rồi thì rất khôn khéo đầu tư vào hát, múa, sắc đẹp để giữ vị trí.
Hồ Ngọc Hà và Mỹ Tâm
Hồ Ngọc Hà hát chỉ nghe chơi thôi ! Giọng Hồ Ngọc Hà yếu lắm, khều khào không à ! Hồ Ngọc Hà đẹp, có vóc dáng sân khấu, chịu khó múa…cái gì cũng đẹp nhưng giọng hát thì lại không được.
Khi diễn tả nội tâm, Hồ Ngọc Hà diễn kịch tính nhưng đóng kịch chứ không thật. Ca sĩ hát phải biến mình thành nhân vật trong ca khúc mới hiểu nỗi đau làm sao. Không lẽ, ngoài đời mình buồn là phải hét, gào thét ? Đâu phải vậy !
- Với các giọng ca nam đang nổi tiếng như Bằng Kiều, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng… ông đánh giá thế nào ?
Bằng Kiều cũng giọng tốt như Trần Thu Hà nhưng sau này khoe giọng quá, cố hát lên cao vút để không ai bắt chước được. Thành ra, Bằng Kiều hát bài Buồn ơi chào mi của tôi khiến khán giả ở dưới sững sờ luôn! Tính lại thì hiệu quả sân khấu có nhưng tôi mở băng ra nghe thì phải nghe Tuấn Ngọc hay Xuân Phú, Trọng Bắc hát.
Quang Dũng hát được vài bài của Trịnh Công Sơn chứ không phải là tất cả. Còn Đàm Vĩnh Hưng chỉ được bề nổi vậy thôi, tôi không cho là ca sỹ đúng nghĩa. Tôi chỉ cho Đàm Vĩnh Hưng là một người hát. Đàm Vĩnh Hưng cố hát nhạc xưa, nhạc vàng mà hát có ra đâu !
Đàm Vĩnh Hưng hát bài Ai đưa em về của tôi, tôi bảo ‘con đừng hát bài của bố nữa, tội nghiệp bố lắm’. Tôi không thích, tôi nói thẳng luôn. Đàm Vĩnh Hưng nói ‘nhưng con thích hát nhạc bố…’, tôi nói ‘nhưng con không nên hát nhạc của bố thì hay hơn’.
Thật ra, giọng Đàm Vĩnh Hưng nửa Nam nửa Bắc, cách thức hát cũng không có và lối hát cũng vậy. Hồi xưa, Đàm Vĩnh Hưng mà đi hát thì chỉ xứng là ca sĩ loại C hát lót chứ không được vào hạng ca sĩ chính của phòng trà đâu !
- Ngoài danh ca Tuấn Ngọc thì những giọng ca nào khiến ông hài lòng nhất ?
Giọng nữ thì tôi thích Ngọc Anh, Hồng Nhung, Ánh Tuyết, Trần Thu Hà… Nguyên Thảo nếu tiếp tục hát như ngày xưa thì rất hay. Ngày xưa, Nguyên Thảo hát cho thỏa đam mê còn sau này, bị gò bó vào kỹ thuật như Mỹ Linh để khoe giọng và vô tình giết chết tình cảm.
Vừa rồi làm đĩa than của tôi có 2 bài Nguyên Thảo hát. Cách đây 6 năm, Nguyên Thảo hát Buồn ơi chào mi xuất thần luôn, nhưng giờ Nguyên Thảo để tâm đến kỹ thuật nhiều nên tình cảm không còn, so ra khác hẳn.
Giọng nam thì ngoài Tuấn Ngọc còn có Trọng Bắc, Lê Hiếu… Tuấn Hiệp lúc trước hát tốt, tôi thích nhưng giờ chạy theo hát nhạc vàng bị mất chất.
- Nhưng rõ ràng trên thị trường, những giọng ca này không phải nổi tiếng nhất, được khán giả ưu ái nhất. Theo ông vì sao có nghịch lý này ?
Nhiều ca sĩ hát hay nhưng chưa nổi được, tại vì bây giờ còn phụ thuộc vào công nghệ lăng xê. Khán giả cũng bị ảnh hưởng bởi phim ảnh Hàn Quốc nhiều quá, 10 cái clip của Hàn Quốc thì 11 cái có nhảy rồi ! Cái đó gọi là âm nhạc giải trí, nghe qua rồi bỏ, khác xa với nghệ thuật.
Tôi thấy giới trẻ bây giờ nghe nhạc vô tội vạ, nghe theo phong trào, chạy theo lai căng ngoại quốc nhiều quá nên không còn bản chất.
Mong có nhiều nghệ sỹ ‘tử tế’ và người nghe ‘tử tế’
- Với những đánh giá này, phải chăng gu thưởng thức âm nhạc bây giờ của khán giả quá khác với ông, bởi đơn cử, Đàm Vĩnh Hưng đang được phong là ‘ông hoàng nhạc Việt’?
Không phải ! Nếu đem so sánh Tuấn Ngọc với Đàm Vĩnh Hưng, người ta vẫn thích nghe Tuấn Ngọc hát nhiều hơn, đúng không ?
Nghe Tuấn Ngọc hát thấy nó khác liền, hát ra là cảm xúc đến với người nghe chứ không phải gắng gượng. Tại vì Tuấn Ngọc đã sống trong bài hát đó, khi hát Tuấn Ngọc để tâm trạng vào bài hát, nói lên tâm trạng của nhiều người. Ví dụ khi mình bị người yêu bỏ, nghe Tuấn Ngọc hát Buồn ơi chào mi, nghe nó đã lắm!
Tuấn Ngọc vẫn là giọng ca số một dù tuổi tác, thời gian làm cho giọng của Tuấn Ngọc không còn được đẹp như ngày xưa nữa, nhưng cái xúc cảm vẫn là Tuấn Ngọc và xúc cảm càng ngày càng sâu hơn.
- Vậy theo ông, thị trường nhạc Việt sẽ đi về đâu?
Đây là vấn đề lớn, cả một thế hệ chứ không phải đơn giản, ăn thua là cách giáo dục của gia đình với con em làm sao. Nếu trong một gia đình chỉ có tối ngày đi kiếm tiền thì tinh thần nghệ thuật của họ chết rồi, bị tiền bạc chi phối hết.
Thành ra, họ cũng không chăm sóc con cái, cứ cho tiền là xong. Họ cũng ỷ lại tiền, đưa con vào trường này trường kia, mặc con muốn làm gì thì làm.
Theo tôi, thị trường nhạc Việt vẫn đang nằm yên. Rồi từ từ, nhạc thị trường sẽ rớt dần và tới một giai đoạn nào đó, nghệ thuật sẽ lên ngôi. Nhạc thị trường tự động phát sinh rồi sẽ tự động chết bởi những gì không hay sẽ không tồn tại. Tôi tin tưởng như vậy. Đời tôi không thấy nhưng đời con, đời cháu của tôi sẽ thấy điều này.
- Sau 60 năm cống hiến cho nghệ thuật, điều ông mong muốn nhất là gì ?
Tôi chỉ mong muốn duy nhất là có nhiều nghệ sĩ tử tế và người nghe nhạc tử tế. Tất cả những gì cứ để thử lửa đi, đốt cách mấy thì vàng cũng vẫn là vàng. Mình hãnh diện là người Việt Nam không thua ai hết !
- Xin cảm ơn ông!

(Theo VTC) Cre: Phương Trần

Tuesday, 22 September 2020

Review: Green book (2018)



Một bộ phim về vấn đề phân biệt chủng tộc ở Mỹ vừa hài hước vừa sâu sắc. Câu chuyện tạo ra một bối cảnh hơi hiếm gặp đó là một người đàn ông da trắng (Tony) là người lái xe thuê chở một ông chủ da màu (Dr. Shirley)- một nghệ sĩ piano đẳng cấp đi lưu diễn xuyên nước Mỹ trong 2 tháng. Với hai background trái ngược nhau, Tony da trắng có học vấn thấp (đọc ngọng, viết sai chính tả) và thường xuyên sống ở khu vực dân trí thấp, làm công việc chủ yếu là tay chân đánh đấm thì Dr.Shirley lại là một trí thức có học vấn cao, văn hóa cao và là một nghệ sĩ nổi tiếng thế giới. Điều đáng buồn là dù có văn hóa và học thức cao, Dr.Shirley vẫn không thể tìm nổi một chỗ đứng bình thường của mình trong xã hội. Dù là nghệ sĩ tài ba nổi tiếng thế giới, ông không thể hòa nhập với xã hội da trắng (khi họ chỉ đón nhận ông trên sân khấu, còn xuống khỏi bục lại trở thành 1 thằng da màu) nhưng cũng không thể hòa nhập với những người lao động da màu không quen thuộc với tầng lớp thượng lưu. Tony đứng giữa 2 thế giới và phải tự thừa nhận "I'm not white enough, not black enough...so who am I?" Đó là một câu hỏi đầy đau xót cho một thiên tài luôn bị bất công chỉ vì màu da của mình.

Thông qua một vài chi tiết đơn giản về cách ứng xử mọi người xung quanh đối xử với Tony và ông chủ da màu, những vấn đề phân biệt chủng tộc được tiếp cận rất rõ nét và chân thực. Từ sự kì thị của cảnh sát da trắng (bắt không có căn cứ) cho đến việc việc đến quán rượu bị đánh và tệ hơn cả, là không được phép vào nhà hàng cho thực khách của show diễn của chính mình, chỉ vì nhà hàng không có truyền thống đón khách da màu - bất kể là ai. Điều này cho thấy vấn đề phân biệt chủng tộc tuy không còn như chế độ nô lệ trước đây, nhưng nó vẫn luôn hiện hữu cách này hay cách khác rất sâu sắc trong nước Mỹ.
Chịu đựng điều này suốt cả cuộc đời, Dr.Shirley hầu như chỉ có thể loanh quanh trong vùng an toàn của "green book" - sách chỉ dẫn những nơi chào đón người da màu, bởi vì chỉ rời khỏi vùng an toàn này ra ngoài để for some fresh air, Dr.Shirley có thể bị kì thị, bị đánh đập, và có thể nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào.
Bộ phim cũng chỉ ra chỉ có sự dũng cảm và tử tế mới có thể giúp thu hẹp khoảng cách giữa các thế giới màu da này và hàn gắn những tổn thương trong tâm hồn. Từ một người rất kì thị người da màu (Tony vứt cả 2 cốc nước vào thùng rác chỉ vì 2 người thợ da màu đến sửa đường ống nước đã uống vào đó), qua âm nhạc và cách ứng xử, Tony dần dần quý mến, khâm phục và thân thiết với "ông chủ" da đen của mình thậm chí sau này còn phản ứng rất quyết liệt trước những người kì thị ông chủ của mình. Sự chuyển hóa này không xuất phát từ việc Shirley nhiều tiền (vì trước đó Tony và bạn bè còn khinh thường tiền của người da màu, cho rằng hạ lưu mới phải làm thuê cho da màu) mà đến từ chính từ đẳng cấp văn hóa của Shirley. Điều này giống với một bài viết mình từng rất tâm đắc "quý tộc là một trạng thái tinh thần chứ không phải sự hưởng thụ vật chất".
Bộ phim kết thúc trong cảnh một người da màu được chào đón trong một gia đình da trắng vào đêm giáng sinh. Một mong ước được đón nhận giản đơn mà không hề dễ dàng...
Bộ phim đoạt giải Oscar 2019 và cũng được giới công chúng đánh giá cao (IMDB 8.3) là rất xứng đáng. Xuyên suốt bộ phim là những góc quay rất đẹp và đầy màu sắc của các vùng quê nước Mỹ đan xen với những bản piano và hòa tấu rât tuyệt của Dr. Shirley. Điều thú vị là người thực sự chơi những bản nhạc trong phim cũng là một người da màu Kris Bower, một tài năng piano của nước Mỹ đã nghe piano từ khi còn trong bụng mẹ và đã học piano từ khi lên 4 - background rất giống với nhân vật Dr.Shirley trong phim.
Hai nhân vật Dr.Shirley - nghệ sĩ piano và Tony da trắng đều có thật trong lịch sử từ những năm 60s và những cuộc đấu tranh sắc tộc âm thầm trong nước Mỹ có lẽ vẫn sẽ còn kéo dài nhiều thập niên sau này.
Tự nhiên xem phim này xong lại nhớ đến nhân vật Martin Luther King- trước đây cô giáo tiếng Anh bắt học về nhân vật này và mình cứ hỏi vì sao họ lại quan trọng và có tầm ảnh hưởng đến vậy, giờ xem rồi mới hiểu rõ vì sao.

Friday, 7 July 2017

Học làm cha mẹ


Một lời khuyên dành cho những ông bố, bà mẹ tương đó là "Làm cha mẹ cũng phải học". Đây là một điều tôi thấm thía hơn cả sau khi sinh 2 đứa con.

Trước khi sinh bạn đầu lòng, tôi chỉ lo chuẩn bị công việc ở cơ quan để bàn giao. Thời gian rảnh thì tranh thủ mua sắm và xin một số thứ cho em bé. Tôi cũng xem qua clip để biết cách thay tã bỉm cho trẻ. Nhưng tất cả đều là không đủ. Ngày đi đẻ, tôi chưa kịp chuẩn bị đồ đi sinh, cứ trong làn có gì là mang đi (làn này người nhà đã chuẩn bị cho tôi từ trước vì dọa đẻ trước đó 1 tuần trong bệnh viện). Sau khi sinh con ra, cái gì cũng bỡ ngỡ, và bỡ ngỡ nhất là việc cho con bú. Cứ tưởng là đơn giản nhưng không phải vậy. Tôi hoàn toàn không có tí kiến thức nào về sữa mẹ, cũng chưa bế trẻ con hay đọc về chuyện sữa mẹ cho con bao giờ. Thấy em bé khóc, người nhà bảo pha sữa cho uống, tôi hăm hở đi ngay. Tôi còn chẳng biết loại sữa nào với sữa nào, trước khi sinh được ông bà ngoại cho 1 hộp sữa bột trẻ em mua từ Mỹ về nên cứ thế là pha cho con uống, bình này rồi bình khác. Tôi cũng chẳng biết một em bé phải ăn bao nhiêu, nên người lớn bảo sao thì làm vậy. 30ml, rồi 60ml rồi tăng dần.

Sau này khi nghiên cứu tài liệu trước khi sinh bạn thứ 2, tôi mới nhận ra những sai lầm của mình, răng cho trẻ sơ sinh ti bình sữa quá sớm sẽ khiến con không muốn ti mẹ, mà con không ti mẹ thì sữa không về - điều làm tôi thất bại hoàn tuàn toàn trong việc nuôi con sữa mẹ với bạn đầu tiên. 21 ngày tuổi, con trai tôi đã không còn một giọt sữa mẹ nào nữa. Chưa kể, sai lầm thứ 2 là tôi đã pha quá nhiều sữa cho con, dạ dầy của một em bé sơ sinh ngày đầu tiên chỉ tầm 5-7ml, vậy mà ta cứ cho em bé uống quá nhiều, rất không tốt cho dạ dày non nớt của con.

Ngày đó tôi cũng nghe mọi người, uống đủ thứ lợi sữa, nhưng vì con không chịu bú lại thêm tâm lí căng thẳng thành ra sữa ngày một ít. Nhiều hôm 2 mẹ con đánh vật với nhau mướt mát mồ hôi cả tiếng mà con không bú, cứ khóc đòi bình sữa. Nhiều lúc con ngậm ti mẹ, mút mút không thấy gì là òa lên, ầm ĩ cả nhà. Có lần con mút mút rồi ngủ, lòng đầy hi vọng là con đã ăn được đủ sữa nhưng cũng đầy căng thẳng là con không ăn đủ no nên sẽ chóng dậy. Thật vậy, chỉ sau 30ph là con dậy, lại gào khóc ầm ĩ, lòng mẹ như lửa đốt. Cảm giác bế tắc hoàn toàn, mất niềm tin vào sữa mẹ, khổ sở không biết phải làm sao.

Vài hôm sau thi cô em chồng cho tôi mượn máy hút sữa, nhưng vì không biết cách kích sữa, không biết là phải hút bao lâu, như thế nào để có sữa nên sữa hút ra ít dần. 40m, 30ml...Mỗi lần hút ra như vậy, tuy chẳng được bao nhiêu, nhưng cũng cố đổ "thêm" vào bình sữa bột của con ngồn ngộn 150ml, Và rồi có lần hút chỉ được 5ml, cuối cùng thì tôi chẳng hút nữa vì chả đủ dính bình. Vậy là sữa mẹ cho con thất bại sau 21 ngày. Một quãng thời gian vô cùng căng thẳng và khổ sở của người lần đầu làm mẹ, một người thiếu hiểu biết và kinh nghiệm. Và kéo theo sau là một chuỗi ngày dài dậy vào đêm hì hục pha sữa và rửa bình sữa.

Cho đến ngày tôi biết về hôi betibuti, tôi hiểu rằng mình đã sai rất nhiều, tôi đã khóc và hối tiếc rằng mình đã không biết đến để đọc sớm hơn.

Ngoài chuyện sữa mẹ, còn rất nhiều sai lầm tôi mắc phải, như chuyện con ốm chẳng hạn. 13 ngày tuổi, con ho hắng nhẹ, và vì quá lo lắng, cũng nghe nói là dễ viêm phổi (cháu sinh vào mùa đông), nên vội vàng cho con đi khám, bác sĩ kết luận viêm họng/phế quản, tuy chưa ho nhiều nhưng nên can thiệp và vội vàng cho kháng sinh. Cũng vì thiếu hiểu biết, tôi vui vẻ nghe theo, đơn giản nghĩ ốm thì uống thuốc, kháng sinh cho em bé chắc chả sao. Sau này mới hiểu ra, việc biết về các biểu hiện phổ thông của con là rất quan trọng, cha mẹ mới chính là thầy thuốc của con. Và việc lạm dụng thuốc cực kì nguy hiểm. Thương thay, con trai tôi, một phần vì thế mà hệ miễn dịch kém hơn các bạn cùng trang lứa, cháu ốm liên miên, và hầu hết là bệnh đường hô hấp, chẳng thắng nào lại không phải uống thuốc, nhẹ thì siro uống đều, nặng thì kháng sinh. Sổ y bạ của cháu gần 4 quyển, dày cộp đơn thuốc và các xét nghiệm, chưa kể những lần ở nhà mẹ "tự" bắt bệnh kê đơn.

Sau này đọc sách, tôi hiểu ra rằng ho là một cơ chế phản vệ tốt của cơ thể, và cứ để cho hệ miện dịch đươc kích hoạt, được tự hoạt động thì cơ thể mới khỏe mạnh, thay vì ta cứ lạm dụng và phụ thuộc vào thuốc, nhất là kháng sinh.

Rồi thì chuyện rèn con ăn, dù biết là ăn tinh rồi phải ăn thô dần, rồi cho con tập bốc, tập xúc, nhưng vì muốn con ăn được nhiều, nhạnh, không phải nhai mất thời gian, tôi cho con ăn cháo trong thời gian quá dài, con lười nhai và đến giờ răng vẫn lười hoạt động, ăn thịt chậm và hay nhả bã, miệng hay ngậm và ăn rất lâu. Chưa kể vì hay xúc cho con, không cho con ăn bốc, xúc thìa đúng giai đoạn nên giờ con tôi vẫn lười xúc, thường thích được bón và kĩ năng tinh của tay rất kém.

Điểm sơ lại là những sai lầm chính, và có lẽ còn nhiều sai lầm nữa mà chính tôi cũng chưa nhận thức hết, bởi làm cha mẹ vô cùng khó từ việc chăm sóc con cho đến việc dạy dỗ con. Dù vậy rút kinh nghiệm ở bạn thứ 2, tôi nuôi con bằng sữa mẹ từ ngày đầu tiên, quyết tâm không dùng một giọt sữa ngoài nào, dù cho ông bà ngoại than phiền trách mắng. Và mừng thay đến giờ con 3 tháng vẫn đủ sữa ăn. Càng ngẫm lại càng thương cho cậu lớn.

Nuôi con là một chặng đường dài, và trên chặng đường ấy có rất nhiều thử thách, rất nhiều việc phải làm, thậm chí có những việc phải làm đúng thời điểm nếu không ta đã tước đi của đứa trẻ cơ hội để học kĩ năng cần học. Và trên chặng đường đó, nếu muốn bước đi vững vàng, thì ta phải học, học để làm cha mẹ, học để nuôi dạy con cái. Dạy con khó tới mức học rồi còn chưa chắc đã áp dụng được, chưa chắc đủ kiên trì để dạy, nữa là không học.

Không có ngôi trường nào dạy làm cha mẹ, chỉ có chính chúng ta, những người học trò phải tự soạn giáo án cho mình.

Với tôi, còn rất nhiều thử thách phía trước, nhưng tôi tin rằng nếu bố mẹ yêu thương con "đúng cách", chặng đường đi cũng sẽ trải nhiều hoa hồng và tất nhiên, ngập tràn yêu thương.

Điều quan trọng nhất trong việc giáo dục con cái, mà tôi rút ra đó là: Dành thời gian cho con một cách trọn vẹn.

Monday, 3 July 2017

Vitamin Yêu thương - Bí mật của sự chuyển hóa


VITAMIN YÊU THƯƠNG- BÍ MẬT CỦA SỰ CHUYỂN HÓA
Từ dạo ôm vào người nhiều việc quá, tôi bắt đầu không có nhiều thời gian dành cho con. Mỗi khi bọn chúng nó phát minh ra một thứ gì đó mới, hoặc đọc được cái gì hay, hoặc có một câu hỏi trong đầu, theo thói quen, chúng thường chạy ngay ra chia sẻ với mẹ, nhưng vì đầu óc đang mải nghĩ tới công việc, nên tôi trả lời ậm ừ qua quít. Thỉnh thoảng, nhìn thấy nhà cửa bừa bộn, hoặc là đến giờ ngủ, giờ đi học rồi mà hai thằng vẫn lề mề, tôi bắt đầu cáu kỉnh, mắng mỏ. Có lúc đang chơi, thằng em lượn vào thơm mẹ một cái, tôi cũng chỉ đáp lại một cách chiếu lệ. Dù biết thế là sai, nhưng tôi nghĩ: đợi mình làm xong việc này đã, rồi sẽ bù đắp cho chúng nó sau. Chúng nó còn nhiều thời gian, còn mình thì còn quá ít thời gian để hoàn thành công việc.
Một buổi sáng, sau khi bị mẹ mắng té tát vì tội lề mề, thằng em thở dài: Con biết tại sao bạn Xuân Lạc lúc nào cũng cười rồi đấy. Tôi hỏi: Thế theo con là tại sao? Nó nói: là vì mẹ bạn ấy bao giờ cũng vui, không bao giờ mắng bạn ấy.
Tôi khựng lại một chốc, và bất giác trong đầu hiện ra tất cả những hình ảnh mà tôi đã cố gắng chôn vùi đi: khuôn mặt buồn bã, thất vọng, cô đơn và chịu đựng một cách nhẫn nại của bọn trẻ con mỗi khi tôi hờ hững, cáu kính, giận dữ vô lối. Và bỗng nhiên, tôi chợt nhớ lại sự bất mãn, ngang ngược, chống đối, bướng bỉnh của chúng trong thời gian gần đây. Và trong khoảnh khắc đó, tôi thực sự muốn nói lời xin lỗi. Đúng là tôi đã sai, thực sự đã sai. Thời gian của bọn trẻ tuy nhiều, nhưng chúng đang lớn lên hàng ngày, và chúng không dừng lớn để đợi chờ tôi.
Hôm sau, tôi nói với chúng: từ giờ nếu mẹ có gì sai, các con cứ phạt mẹ nhé. Người lớn cũng nhiều khi sai mà. Chúng gật gật cái đầu. Hôm sau, tôi đón chúng muộn, nên vừa nhìn thấy chúng, tôi đã bảo: hôm nay mẹ mắc tội đón các con muộn, các con phạt mẹ cái gì nào? Thằng em nói: con phạt mẹ một bộ lego. Thằng anh nói: không, phạt thế đắt quá, con phạt mẹ 3 cái ôm. Với nó, 3 cái ôm của mẹ đáng giá hơn bộ đồ chơi lego đắt tiền nhiều. Nó chỉ cần có thế.
Tôi nhớ lại khoảng thời gian trước khi 2 thằng 3 tuổi. Thông thường, đây là thời điểm khủng hoảng lên ba, thời điểm mà bọn trẻ con vô cùng ngang bướng, bởi bản năng bên trong chúng đụng độ với những chế định, luật lệ của xã hội. Thằng anh hiền lành hơn, nên sự chống đối của nó không bộc lộ rõ. Nhưng thằng em bản tính nóng nảy, mạnh mẽ, thì thường tỏ ra giận dữ. Mỗi khi không hài lòng, là nó đỏ mặt tía tai, ném đồ đạc, đấm tay dậm chân, suốt ngày dọa bỏ nhà ra đi. Mà nó đi thật. Nó ton ton chạy ra cửa, biến mất trong hành lang.
Vào cái thời điểm căng thẳng đó, sáng nào tôi cũng phải nằm cạnh nó một lúc, ôm ấp, âu yếm, nhắc đi nhắc lại là mẹ yêu con, con là con mèo ngoan… Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, nằm kẹp giữa hai thằng, tôi lại nhắc lại điều đó. Có lúc, nhìn nó say sưa ngủ, trông xinh không tả được, tôi lại ôm nó, thơm lên má nó và nhắc lại tôi yêu nó chừng nào. Một thời gian dài bổ sung vitamin Y như thế, nó nghĩ nó ngoan thật, hiền thật, mẹ thật là yêu nó, nó thật xứng đáng được yêu thương, và dù có chống đối, gây hấn với người khác, nó không bao giờ tỏ ra bướng bỉnh với mẹ. Chỉ cần tôi nói: Mẹ cảm thấy rất buồn vì… là nó dừng ngay lại.
Song, không phải với ai nó cũng dễ dàng nghe lời như thế. Với ông bà ngoại hay cậu, người thường cư xử với nó một cách dịu dàng và luôn sẵn sàng bộc lộ tình yêu dành cho nó, nó răm rắp nghe lời như một con mèo ngoan, nhưng với bản tính mèo hoang nóng nảy, nó cũng thường xuyên gầm ghè với những yêu cầu, đòi hỏi của những người khác.
Cái gì khiến cho một đứa trẻ trở nên tuân phục và hiền lành, ngoan ngoãn? Tại sao với cùng một mệnh lệnh, yêu cầu, với người này thì chúng đáp ứng, với người kia thì không? Khi làm mẹ 2 đứa trẻ, quan sát và ngẫm nghĩ hàng ngày về nghề làm mẹ, tôi bắt đầu giác ngộ ra rằng, chính vitamin Y là xúc tác tạo nên sự chuyển hóa. Bạn có thể nhồi vào cho con rất nhiều dinh dưỡng: sự đầu tư, chăm chút, thời gian, tiền bạc, kiến thức, kĩ năng…, nhưng thiếu vitamin Y- vitamin yêu thương, thì những dưỡng chất kia không bao giờ có thể thẩm thấu được vào trong người trẻ, để chuyển hóa thành một nguồn năng lượng tinh thần nuôi dưỡng sự trưởng thành về nhân cách của chúng.
Qui luật này luôn đúng với việc nuôi dạy con. Cùng một phương pháp, qui trình, nhưng mẹ này áp dụng thì thành công, mẹ kia thì thất bại, ấy là do mẹ này áp dụng nó với một ánh mắt thương mến, một giọng nói dịu dàng, những cử chỉ yêu thương, còn mẹ kia thì đã không biết cách truyền tải lòng yêu thương đó để cho trẻ có thể cảm nhận được.
Qui luật này cũng đúng với việc dạy học. Cùng một bài giảng như thế, một giáo án như thế, với những học sinh như thế, tại sao giáo viên này dạy thì chúng chịu nghe, cảm thấy dễ hiểu, với giáo viên khác, chúng lại tỏ ra bất mãn, chán nản, không chịu lắng nghe? Là vì ở giáo viên này, tình yêu thương đã được chuyển hóa thành ánh mắt, giọng điệu, những cử chỉ ân cần, để tạo nên một bầu không khí yêu thương và hạnh phúc trong lớp học. Khi trẻ cảm nhận được không khí yêu thương đó, chúng nảy sinh cảm giác tin cậy, an toàn, không còn phải gồng mình lên để tự vệ. Và đó là khi chúng sẵn sàng để tiếp nhận mọi thông tin và làm theo mọi hướng dẫn.
Và đây là công thức bí mật của sự chuyển hóa: THÔNG TIN/ MỆNH LỆNH/ KIẾN THỨC/ KĨ NĂNG + VITAMIN Y= SỰ TIẾN BỘ.
Daniel Goleman, tác giả của cuốn sách “Trí tuệ cảm xúc”, đã phân tích tác động của phản ứng yêu thương lên não bộ của con người: tình yêu gây ra một phản xạ mà ông gọi là phản xạ đối giao cảm, một sự đáp ứng thư giãn, tạo ra một trạng thái chung yên tĩnh, đồng cảm và hợp tác. Vì lí do này mà những đứa trẻ được bổ sung đầy đủ vitamin yêu thương, sẽ thường có xu hướng hành xử hài hòa với người khác.
Con đường làm mẹ, nếu nhìn trên sách vở hay các status trên facebook thì xem ra rất bằng phẳng, nhưng thực tế không phải như vậy. Người mẹ nào, dù biết rất rõ mình cần làm gì cho con, nhưng không phải bao giờ cũng thực hiện được điều đó. Cuộc sống của một người phụ nữ hiện đại không còn quanh quẩn trong gia đình với mối lo lắng duy nhất là con cái. Trái tim người mẹ phải chia thành rất nhiều ngăn khác nhau, một phần nhiệt huyết dồn cho công việc, một phần dành cho những đam mê cá nhân, một phần dành cho gia đình và con cái. Thời gian của người mẹ lại càng bị phân tán hơn nữa. Tôi thường có cảm giác mình phải giành giật từng phút thời gian dành cho con. Có những lúc sức cùng lực kiệt mà deadline đã đến, thì đành tặc lưỡi buông xuôi, để công việc cuốn đi, cướp hết thời gian dành cho con.
Nhưng có một câu nói của chị Thu Hà mà tôi rất thích: Tình yêu là thời gian. Tôi luôn lấy câu nói này để nhắc nhở chính mình.
Tuy nhiên, cần thêm vào: Tình yêu là sự tĩnh tâm. Thời gian đó không chỉ là một khoảng thời gian trống rỗng, khi bạn ở bên con mà đầu nghĩ đi nơi khác. Tình yêu chỉ có thể dấy lên trong lòng bạn và truyền tới người mà bạn yêu thương khi bạn thực sự tĩnh tâm, khi bạn sống hoàn toàn với đối tượng mà bạn yêu, khi bạn hiện diện trước mặt người ấy bằng cả thể xác lẫn tâm hồn, có nghĩa là, khi có mặt bên con, khi đang ôm con và chuyện trò với con, khi đang dạy dỗ con, bạn phải để tâm mình vào đó và gạt bỏ hết những suy nghĩ, công việc khác trong đầu. Bạn tĩnh tâm để lắng nghe và cảm nhận đứa trẻ, vui với niềm vui của nó, chia sẻ với những buồn bã, băn khoăn của nó và phát ra những tín hiệu để nó có thể cảm nhận được tình yêu thương của bạn.
Cái gì cũng có thể làm giả được hết, nhưng tình yêu thương thì không.
Và về khoản này, thì trẻ con cực kì nhạy cảm và thông minih, không gì che mắt được chúng. Chúng sẽ chỉ yêu thương và hợp tác với những người thực sự yêu thương chúng.
Tôi viết điều này không phải để dành cho bạn, mà để dành cho chính tôi, như một lời nhắc nhở. Tôi đã làm một người mẹ thật tồi, với biết bao sai lầm và tội lỗi. Tôi đã viện rất nhiều lí do để không dành đủ Vitamin Y cho con hàng ngày.
Tôi cũng viết những điều này để dành cho các ông bố nữa. Mặc dù tôi biết là phần lớn các ông bố đều yêu con và có trách nhiệm, nhưng mà không phải ai cũng dành đủ thời gian cho con, ai cũng có thể hiện diện bên cạnh chúng hoàn toàn, bằng sự tĩnh tâm. Giá như mỗi ngày, các ông bố bỏ điện thoại xuống, chơi với con nhiều hơn, thì có lẽ các bà mẹ cũng sẽ đỡ áp lực hơn bởi vì cùng một lúc phải hiện diện bên cạnh con bằng cả hai người cộng lại.
Source: FB Nguyễn Ngọc Minh - một người chưa quen.
*****
Đọc được bài viết này một cách tình cờ và thấy như một ngọn đèn soi sáng tim mình. Mình thấy tác giả có cảm xúc giống như mình và có lẽ cũng giống nhiêu người làm cha làm mẹ khác.
Đọc những dòng này, mình cảm thấy có lỗi với con, bởi nhiều khi, mang tiếng là dành thời gian cho con, nhưng mình cũng mải mê với điện thoại với sách truyện hay những việc riêng của mình mà đầu óc không thật sự chú tâm. Gần đây, cậu bé hơn 3 tuổi của mình đã phải nhiều lần hét lên "Mẹ, sao con gọi mà mẹ không trả lời, sao mẹ không nghe con nói". Giờ đây mình như bừng tỉnh, mình nhận ra những cảm nhận mơ hồ ngày xưa của mình là gì, đó là cảm giác chưa toàn tâm toàn ý với con. 
Trẻ con rất tinh, khi mình ở bên và chăm chú nghe chúng, hoặc hòa mình vào câu chuyện của chúng, thái độ chúng sẽ khác, vui vẻ, hứng khởi. Còn khi mình chỉ ở bên con nửa vời, miệng vẫn cười với con nhưng đầu óc đang lo những chuyện khác, chúng sẽ nhanh chóng nhận ra và tỏ thái độ chán nản. Mình nhận ra rằng không thể nào phân thân cảm xúc như vậy được, lúc ở CQ thi nhớ con, hay về với con lại nghĩ công việc thì đều không giúp ích gì. Hãy ở bên con một cách trọn vẹn, cảm nhận quãng thời gian ấy, tận hưởng những phút giây ấy. Chia sẻ với con, lắng nghe con bằng tất cả các giác quan. Có như vậy thời gian ở bên con mới thật sự có ý nghĩa và đứa trẻ mới thật là hạnh phúc. 
Mình nhiều lần muốn viết về việc dành thời gian cho con, nhưng giờ lại ngộ ra thêm rằng số lượng là chưa đủ, còn chất lượng thời gian bên con nữa. Và nói rộng hơn, không chỉ bên con mà bên bất cứ người thân yêu nào, hãy sống trọn vẹn từng phút giây một. Bỏ điện thoại xuống và sống thật!
Muốn viết nữa nhưng câu chữ lủng củng rồi, mà tác giả đã viết quá hay rồi. Thôi, ôm Cốm ngủ tiếp thôi.