Tuesday, 22 September 2020

Review: Green book (2018)



Một bộ phim về vấn đề phân biệt chủng tộc ở Mỹ vừa hài hước vừa sâu sắc. Câu chuyện tạo ra một bối cảnh hơi hiếm gặp đó là một người đàn ông da trắng (Tony) là người lái xe thuê chở một ông chủ da màu (Dr. Shirley)- một nghệ sĩ piano đẳng cấp đi lưu diễn xuyên nước Mỹ trong 2 tháng. Với hai background trái ngược nhau, Tony da trắng có học vấn thấp (đọc ngọng, viết sai chính tả) và thường xuyên sống ở khu vực dân trí thấp, làm công việc chủ yếu là tay chân đánh đấm thì Dr.Shirley lại là một trí thức có học vấn cao, văn hóa cao và là một nghệ sĩ nổi tiếng thế giới. Điều đáng buồn là dù có văn hóa và học thức cao, Dr.Shirley vẫn không thể tìm nổi một chỗ đứng bình thường của mình trong xã hội. Dù là nghệ sĩ tài ba nổi tiếng thế giới, ông không thể hòa nhập với xã hội da trắng (khi họ chỉ đón nhận ông trên sân khấu, còn xuống khỏi bục lại trở thành 1 thằng da màu) nhưng cũng không thể hòa nhập với những người lao động da màu không quen thuộc với tầng lớp thượng lưu. Tony đứng giữa 2 thế giới và phải tự thừa nhận "I'm not white enough, not black enough...so who am I?" Đó là một câu hỏi đầy đau xót cho một thiên tài luôn bị bất công chỉ vì màu da của mình.

Thông qua một vài chi tiết đơn giản về cách ứng xử mọi người xung quanh đối xử với Tony và ông chủ da màu, những vấn đề phân biệt chủng tộc được tiếp cận rất rõ nét và chân thực. Từ sự kì thị của cảnh sát da trắng (bắt không có căn cứ) cho đến việc việc đến quán rượu bị đánh và tệ hơn cả, là không được phép vào nhà hàng cho thực khách của show diễn của chính mình, chỉ vì nhà hàng không có truyền thống đón khách da màu - bất kể là ai. Điều này cho thấy vấn đề phân biệt chủng tộc tuy không còn như chế độ nô lệ trước đây, nhưng nó vẫn luôn hiện hữu cách này hay cách khác rất sâu sắc trong nước Mỹ.
Chịu đựng điều này suốt cả cuộc đời, Dr.Shirley hầu như chỉ có thể loanh quanh trong vùng an toàn của "green book" - sách chỉ dẫn những nơi chào đón người da màu, bởi vì chỉ rời khỏi vùng an toàn này ra ngoài để for some fresh air, Dr.Shirley có thể bị kì thị, bị đánh đập, và có thể nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào.
Bộ phim cũng chỉ ra chỉ có sự dũng cảm và tử tế mới có thể giúp thu hẹp khoảng cách giữa các thế giới màu da này và hàn gắn những tổn thương trong tâm hồn. Từ một người rất kì thị người da màu (Tony vứt cả 2 cốc nước vào thùng rác chỉ vì 2 người thợ da màu đến sửa đường ống nước đã uống vào đó), qua âm nhạc và cách ứng xử, Tony dần dần quý mến, khâm phục và thân thiết với "ông chủ" da đen của mình thậm chí sau này còn phản ứng rất quyết liệt trước những người kì thị ông chủ của mình. Sự chuyển hóa này không xuất phát từ việc Shirley nhiều tiền (vì trước đó Tony và bạn bè còn khinh thường tiền của người da màu, cho rằng hạ lưu mới phải làm thuê cho da màu) mà đến từ chính từ đẳng cấp văn hóa của Shirley. Điều này giống với một bài viết mình từng rất tâm đắc "quý tộc là một trạng thái tinh thần chứ không phải sự hưởng thụ vật chất".
Bộ phim kết thúc trong cảnh một người da màu được chào đón trong một gia đình da trắng vào đêm giáng sinh. Một mong ước được đón nhận giản đơn mà không hề dễ dàng...
Bộ phim đoạt giải Oscar 2019 và cũng được giới công chúng đánh giá cao (IMDB 8.3) là rất xứng đáng. Xuyên suốt bộ phim là những góc quay rất đẹp và đầy màu sắc của các vùng quê nước Mỹ đan xen với những bản piano và hòa tấu rât tuyệt của Dr. Shirley. Điều thú vị là người thực sự chơi những bản nhạc trong phim cũng là một người da màu Kris Bower, một tài năng piano của nước Mỹ đã nghe piano từ khi còn trong bụng mẹ và đã học piano từ khi lên 4 - background rất giống với nhân vật Dr.Shirley trong phim.
Hai nhân vật Dr.Shirley - nghệ sĩ piano và Tony da trắng đều có thật trong lịch sử từ những năm 60s và những cuộc đấu tranh sắc tộc âm thầm trong nước Mỹ có lẽ vẫn sẽ còn kéo dài nhiều thập niên sau này.
Tự nhiên xem phim này xong lại nhớ đến nhân vật Martin Luther King- trước đây cô giáo tiếng Anh bắt học về nhân vật này và mình cứ hỏi vì sao họ lại quan trọng và có tầm ảnh hưởng đến vậy, giờ xem rồi mới hiểu rõ vì sao.

No comments:

Post a Comment