Friday, 7 July 2017

Học làm cha mẹ


Một lời khuyên dành cho những ông bố, bà mẹ tương đó là "Làm cha mẹ cũng phải học". Đây là một điều tôi thấm thía hơn cả sau khi sinh 2 đứa con.

Trước khi sinh bạn đầu lòng, tôi chỉ lo chuẩn bị công việc ở cơ quan để bàn giao. Thời gian rảnh thì tranh thủ mua sắm và xin một số thứ cho em bé. Tôi cũng xem qua clip để biết cách thay tã bỉm cho trẻ. Nhưng tất cả đều là không đủ. Ngày đi đẻ, tôi chưa kịp chuẩn bị đồ đi sinh, cứ trong làn có gì là mang đi (làn này người nhà đã chuẩn bị cho tôi từ trước vì dọa đẻ trước đó 1 tuần trong bệnh viện). Sau khi sinh con ra, cái gì cũng bỡ ngỡ, và bỡ ngỡ nhất là việc cho con bú. Cứ tưởng là đơn giản nhưng không phải vậy. Tôi hoàn toàn không có tí kiến thức nào về sữa mẹ, cũng chưa bế trẻ con hay đọc về chuyện sữa mẹ cho con bao giờ. Thấy em bé khóc, người nhà bảo pha sữa cho uống, tôi hăm hở đi ngay. Tôi còn chẳng biết loại sữa nào với sữa nào, trước khi sinh được ông bà ngoại cho 1 hộp sữa bột trẻ em mua từ Mỹ về nên cứ thế là pha cho con uống, bình này rồi bình khác. Tôi cũng chẳng biết một em bé phải ăn bao nhiêu, nên người lớn bảo sao thì làm vậy. 30ml, rồi 60ml rồi tăng dần.

Sau này khi nghiên cứu tài liệu trước khi sinh bạn thứ 2, tôi mới nhận ra những sai lầm của mình, răng cho trẻ sơ sinh ti bình sữa quá sớm sẽ khiến con không muốn ti mẹ, mà con không ti mẹ thì sữa không về - điều làm tôi thất bại hoàn tuàn toàn trong việc nuôi con sữa mẹ với bạn đầu tiên. 21 ngày tuổi, con trai tôi đã không còn một giọt sữa mẹ nào nữa. Chưa kể, sai lầm thứ 2 là tôi đã pha quá nhiều sữa cho con, dạ dầy của một em bé sơ sinh ngày đầu tiên chỉ tầm 5-7ml, vậy mà ta cứ cho em bé uống quá nhiều, rất không tốt cho dạ dày non nớt của con.

Ngày đó tôi cũng nghe mọi người, uống đủ thứ lợi sữa, nhưng vì con không chịu bú lại thêm tâm lí căng thẳng thành ra sữa ngày một ít. Nhiều hôm 2 mẹ con đánh vật với nhau mướt mát mồ hôi cả tiếng mà con không bú, cứ khóc đòi bình sữa. Nhiều lúc con ngậm ti mẹ, mút mút không thấy gì là òa lên, ầm ĩ cả nhà. Có lần con mút mút rồi ngủ, lòng đầy hi vọng là con đã ăn được đủ sữa nhưng cũng đầy căng thẳng là con không ăn đủ no nên sẽ chóng dậy. Thật vậy, chỉ sau 30ph là con dậy, lại gào khóc ầm ĩ, lòng mẹ như lửa đốt. Cảm giác bế tắc hoàn toàn, mất niềm tin vào sữa mẹ, khổ sở không biết phải làm sao.

Vài hôm sau thi cô em chồng cho tôi mượn máy hút sữa, nhưng vì không biết cách kích sữa, không biết là phải hút bao lâu, như thế nào để có sữa nên sữa hút ra ít dần. 40m, 30ml...Mỗi lần hút ra như vậy, tuy chẳng được bao nhiêu, nhưng cũng cố đổ "thêm" vào bình sữa bột của con ngồn ngộn 150ml, Và rồi có lần hút chỉ được 5ml, cuối cùng thì tôi chẳng hút nữa vì chả đủ dính bình. Vậy là sữa mẹ cho con thất bại sau 21 ngày. Một quãng thời gian vô cùng căng thẳng và khổ sở của người lần đầu làm mẹ, một người thiếu hiểu biết và kinh nghiệm. Và kéo theo sau là một chuỗi ngày dài dậy vào đêm hì hục pha sữa và rửa bình sữa.

Cho đến ngày tôi biết về hôi betibuti, tôi hiểu rằng mình đã sai rất nhiều, tôi đã khóc và hối tiếc rằng mình đã không biết đến để đọc sớm hơn.

Ngoài chuyện sữa mẹ, còn rất nhiều sai lầm tôi mắc phải, như chuyện con ốm chẳng hạn. 13 ngày tuổi, con ho hắng nhẹ, và vì quá lo lắng, cũng nghe nói là dễ viêm phổi (cháu sinh vào mùa đông), nên vội vàng cho con đi khám, bác sĩ kết luận viêm họng/phế quản, tuy chưa ho nhiều nhưng nên can thiệp và vội vàng cho kháng sinh. Cũng vì thiếu hiểu biết, tôi vui vẻ nghe theo, đơn giản nghĩ ốm thì uống thuốc, kháng sinh cho em bé chắc chả sao. Sau này mới hiểu ra, việc biết về các biểu hiện phổ thông của con là rất quan trọng, cha mẹ mới chính là thầy thuốc của con. Và việc lạm dụng thuốc cực kì nguy hiểm. Thương thay, con trai tôi, một phần vì thế mà hệ miễn dịch kém hơn các bạn cùng trang lứa, cháu ốm liên miên, và hầu hết là bệnh đường hô hấp, chẳng thắng nào lại không phải uống thuốc, nhẹ thì siro uống đều, nặng thì kháng sinh. Sổ y bạ của cháu gần 4 quyển, dày cộp đơn thuốc và các xét nghiệm, chưa kể những lần ở nhà mẹ "tự" bắt bệnh kê đơn.

Sau này đọc sách, tôi hiểu ra rằng ho là một cơ chế phản vệ tốt của cơ thể, và cứ để cho hệ miện dịch đươc kích hoạt, được tự hoạt động thì cơ thể mới khỏe mạnh, thay vì ta cứ lạm dụng và phụ thuộc vào thuốc, nhất là kháng sinh.

Rồi thì chuyện rèn con ăn, dù biết là ăn tinh rồi phải ăn thô dần, rồi cho con tập bốc, tập xúc, nhưng vì muốn con ăn được nhiều, nhạnh, không phải nhai mất thời gian, tôi cho con ăn cháo trong thời gian quá dài, con lười nhai và đến giờ răng vẫn lười hoạt động, ăn thịt chậm và hay nhả bã, miệng hay ngậm và ăn rất lâu. Chưa kể vì hay xúc cho con, không cho con ăn bốc, xúc thìa đúng giai đoạn nên giờ con tôi vẫn lười xúc, thường thích được bón và kĩ năng tinh của tay rất kém.

Điểm sơ lại là những sai lầm chính, và có lẽ còn nhiều sai lầm nữa mà chính tôi cũng chưa nhận thức hết, bởi làm cha mẹ vô cùng khó từ việc chăm sóc con cho đến việc dạy dỗ con. Dù vậy rút kinh nghiệm ở bạn thứ 2, tôi nuôi con bằng sữa mẹ từ ngày đầu tiên, quyết tâm không dùng một giọt sữa ngoài nào, dù cho ông bà ngoại than phiền trách mắng. Và mừng thay đến giờ con 3 tháng vẫn đủ sữa ăn. Càng ngẫm lại càng thương cho cậu lớn.

Nuôi con là một chặng đường dài, và trên chặng đường ấy có rất nhiều thử thách, rất nhiều việc phải làm, thậm chí có những việc phải làm đúng thời điểm nếu không ta đã tước đi của đứa trẻ cơ hội để học kĩ năng cần học. Và trên chặng đường đó, nếu muốn bước đi vững vàng, thì ta phải học, học để làm cha mẹ, học để nuôi dạy con cái. Dạy con khó tới mức học rồi còn chưa chắc đã áp dụng được, chưa chắc đủ kiên trì để dạy, nữa là không học.

Không có ngôi trường nào dạy làm cha mẹ, chỉ có chính chúng ta, những người học trò phải tự soạn giáo án cho mình.

Với tôi, còn rất nhiều thử thách phía trước, nhưng tôi tin rằng nếu bố mẹ yêu thương con "đúng cách", chặng đường đi cũng sẽ trải nhiều hoa hồng và tất nhiên, ngập tràn yêu thương.

Điều quan trọng nhất trong việc giáo dục con cái, mà tôi rút ra đó là: Dành thời gian cho con một cách trọn vẹn.

No comments:

Post a Comment