Monday, 3 July 2017

Vitamin Yêu thương - Bí mật của sự chuyển hóa


VITAMIN YÊU THƯƠNG- BÍ MẬT CỦA SỰ CHUYỂN HÓA
Từ dạo ôm vào người nhiều việc quá, tôi bắt đầu không có nhiều thời gian dành cho con. Mỗi khi bọn chúng nó phát minh ra một thứ gì đó mới, hoặc đọc được cái gì hay, hoặc có một câu hỏi trong đầu, theo thói quen, chúng thường chạy ngay ra chia sẻ với mẹ, nhưng vì đầu óc đang mải nghĩ tới công việc, nên tôi trả lời ậm ừ qua quít. Thỉnh thoảng, nhìn thấy nhà cửa bừa bộn, hoặc là đến giờ ngủ, giờ đi học rồi mà hai thằng vẫn lề mề, tôi bắt đầu cáu kỉnh, mắng mỏ. Có lúc đang chơi, thằng em lượn vào thơm mẹ một cái, tôi cũng chỉ đáp lại một cách chiếu lệ. Dù biết thế là sai, nhưng tôi nghĩ: đợi mình làm xong việc này đã, rồi sẽ bù đắp cho chúng nó sau. Chúng nó còn nhiều thời gian, còn mình thì còn quá ít thời gian để hoàn thành công việc.
Một buổi sáng, sau khi bị mẹ mắng té tát vì tội lề mề, thằng em thở dài: Con biết tại sao bạn Xuân Lạc lúc nào cũng cười rồi đấy. Tôi hỏi: Thế theo con là tại sao? Nó nói: là vì mẹ bạn ấy bao giờ cũng vui, không bao giờ mắng bạn ấy.
Tôi khựng lại một chốc, và bất giác trong đầu hiện ra tất cả những hình ảnh mà tôi đã cố gắng chôn vùi đi: khuôn mặt buồn bã, thất vọng, cô đơn và chịu đựng một cách nhẫn nại của bọn trẻ con mỗi khi tôi hờ hững, cáu kính, giận dữ vô lối. Và bỗng nhiên, tôi chợt nhớ lại sự bất mãn, ngang ngược, chống đối, bướng bỉnh của chúng trong thời gian gần đây. Và trong khoảnh khắc đó, tôi thực sự muốn nói lời xin lỗi. Đúng là tôi đã sai, thực sự đã sai. Thời gian của bọn trẻ tuy nhiều, nhưng chúng đang lớn lên hàng ngày, và chúng không dừng lớn để đợi chờ tôi.
Hôm sau, tôi nói với chúng: từ giờ nếu mẹ có gì sai, các con cứ phạt mẹ nhé. Người lớn cũng nhiều khi sai mà. Chúng gật gật cái đầu. Hôm sau, tôi đón chúng muộn, nên vừa nhìn thấy chúng, tôi đã bảo: hôm nay mẹ mắc tội đón các con muộn, các con phạt mẹ cái gì nào? Thằng em nói: con phạt mẹ một bộ lego. Thằng anh nói: không, phạt thế đắt quá, con phạt mẹ 3 cái ôm. Với nó, 3 cái ôm của mẹ đáng giá hơn bộ đồ chơi lego đắt tiền nhiều. Nó chỉ cần có thế.
Tôi nhớ lại khoảng thời gian trước khi 2 thằng 3 tuổi. Thông thường, đây là thời điểm khủng hoảng lên ba, thời điểm mà bọn trẻ con vô cùng ngang bướng, bởi bản năng bên trong chúng đụng độ với những chế định, luật lệ của xã hội. Thằng anh hiền lành hơn, nên sự chống đối của nó không bộc lộ rõ. Nhưng thằng em bản tính nóng nảy, mạnh mẽ, thì thường tỏ ra giận dữ. Mỗi khi không hài lòng, là nó đỏ mặt tía tai, ném đồ đạc, đấm tay dậm chân, suốt ngày dọa bỏ nhà ra đi. Mà nó đi thật. Nó ton ton chạy ra cửa, biến mất trong hành lang.
Vào cái thời điểm căng thẳng đó, sáng nào tôi cũng phải nằm cạnh nó một lúc, ôm ấp, âu yếm, nhắc đi nhắc lại là mẹ yêu con, con là con mèo ngoan… Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, nằm kẹp giữa hai thằng, tôi lại nhắc lại điều đó. Có lúc, nhìn nó say sưa ngủ, trông xinh không tả được, tôi lại ôm nó, thơm lên má nó và nhắc lại tôi yêu nó chừng nào. Một thời gian dài bổ sung vitamin Y như thế, nó nghĩ nó ngoan thật, hiền thật, mẹ thật là yêu nó, nó thật xứng đáng được yêu thương, và dù có chống đối, gây hấn với người khác, nó không bao giờ tỏ ra bướng bỉnh với mẹ. Chỉ cần tôi nói: Mẹ cảm thấy rất buồn vì… là nó dừng ngay lại.
Song, không phải với ai nó cũng dễ dàng nghe lời như thế. Với ông bà ngoại hay cậu, người thường cư xử với nó một cách dịu dàng và luôn sẵn sàng bộc lộ tình yêu dành cho nó, nó răm rắp nghe lời như một con mèo ngoan, nhưng với bản tính mèo hoang nóng nảy, nó cũng thường xuyên gầm ghè với những yêu cầu, đòi hỏi của những người khác.
Cái gì khiến cho một đứa trẻ trở nên tuân phục và hiền lành, ngoan ngoãn? Tại sao với cùng một mệnh lệnh, yêu cầu, với người này thì chúng đáp ứng, với người kia thì không? Khi làm mẹ 2 đứa trẻ, quan sát và ngẫm nghĩ hàng ngày về nghề làm mẹ, tôi bắt đầu giác ngộ ra rằng, chính vitamin Y là xúc tác tạo nên sự chuyển hóa. Bạn có thể nhồi vào cho con rất nhiều dinh dưỡng: sự đầu tư, chăm chút, thời gian, tiền bạc, kiến thức, kĩ năng…, nhưng thiếu vitamin Y- vitamin yêu thương, thì những dưỡng chất kia không bao giờ có thể thẩm thấu được vào trong người trẻ, để chuyển hóa thành một nguồn năng lượng tinh thần nuôi dưỡng sự trưởng thành về nhân cách của chúng.
Qui luật này luôn đúng với việc nuôi dạy con. Cùng một phương pháp, qui trình, nhưng mẹ này áp dụng thì thành công, mẹ kia thì thất bại, ấy là do mẹ này áp dụng nó với một ánh mắt thương mến, một giọng nói dịu dàng, những cử chỉ yêu thương, còn mẹ kia thì đã không biết cách truyền tải lòng yêu thương đó để cho trẻ có thể cảm nhận được.
Qui luật này cũng đúng với việc dạy học. Cùng một bài giảng như thế, một giáo án như thế, với những học sinh như thế, tại sao giáo viên này dạy thì chúng chịu nghe, cảm thấy dễ hiểu, với giáo viên khác, chúng lại tỏ ra bất mãn, chán nản, không chịu lắng nghe? Là vì ở giáo viên này, tình yêu thương đã được chuyển hóa thành ánh mắt, giọng điệu, những cử chỉ ân cần, để tạo nên một bầu không khí yêu thương và hạnh phúc trong lớp học. Khi trẻ cảm nhận được không khí yêu thương đó, chúng nảy sinh cảm giác tin cậy, an toàn, không còn phải gồng mình lên để tự vệ. Và đó là khi chúng sẵn sàng để tiếp nhận mọi thông tin và làm theo mọi hướng dẫn.
Và đây là công thức bí mật của sự chuyển hóa: THÔNG TIN/ MỆNH LỆNH/ KIẾN THỨC/ KĨ NĂNG + VITAMIN Y= SỰ TIẾN BỘ.
Daniel Goleman, tác giả của cuốn sách “Trí tuệ cảm xúc”, đã phân tích tác động của phản ứng yêu thương lên não bộ của con người: tình yêu gây ra một phản xạ mà ông gọi là phản xạ đối giao cảm, một sự đáp ứng thư giãn, tạo ra một trạng thái chung yên tĩnh, đồng cảm và hợp tác. Vì lí do này mà những đứa trẻ được bổ sung đầy đủ vitamin yêu thương, sẽ thường có xu hướng hành xử hài hòa với người khác.
Con đường làm mẹ, nếu nhìn trên sách vở hay các status trên facebook thì xem ra rất bằng phẳng, nhưng thực tế không phải như vậy. Người mẹ nào, dù biết rất rõ mình cần làm gì cho con, nhưng không phải bao giờ cũng thực hiện được điều đó. Cuộc sống của một người phụ nữ hiện đại không còn quanh quẩn trong gia đình với mối lo lắng duy nhất là con cái. Trái tim người mẹ phải chia thành rất nhiều ngăn khác nhau, một phần nhiệt huyết dồn cho công việc, một phần dành cho những đam mê cá nhân, một phần dành cho gia đình và con cái. Thời gian của người mẹ lại càng bị phân tán hơn nữa. Tôi thường có cảm giác mình phải giành giật từng phút thời gian dành cho con. Có những lúc sức cùng lực kiệt mà deadline đã đến, thì đành tặc lưỡi buông xuôi, để công việc cuốn đi, cướp hết thời gian dành cho con.
Nhưng có một câu nói của chị Thu Hà mà tôi rất thích: Tình yêu là thời gian. Tôi luôn lấy câu nói này để nhắc nhở chính mình.
Tuy nhiên, cần thêm vào: Tình yêu là sự tĩnh tâm. Thời gian đó không chỉ là một khoảng thời gian trống rỗng, khi bạn ở bên con mà đầu nghĩ đi nơi khác. Tình yêu chỉ có thể dấy lên trong lòng bạn và truyền tới người mà bạn yêu thương khi bạn thực sự tĩnh tâm, khi bạn sống hoàn toàn với đối tượng mà bạn yêu, khi bạn hiện diện trước mặt người ấy bằng cả thể xác lẫn tâm hồn, có nghĩa là, khi có mặt bên con, khi đang ôm con và chuyện trò với con, khi đang dạy dỗ con, bạn phải để tâm mình vào đó và gạt bỏ hết những suy nghĩ, công việc khác trong đầu. Bạn tĩnh tâm để lắng nghe và cảm nhận đứa trẻ, vui với niềm vui của nó, chia sẻ với những buồn bã, băn khoăn của nó và phát ra những tín hiệu để nó có thể cảm nhận được tình yêu thương của bạn.
Cái gì cũng có thể làm giả được hết, nhưng tình yêu thương thì không.
Và về khoản này, thì trẻ con cực kì nhạy cảm và thông minih, không gì che mắt được chúng. Chúng sẽ chỉ yêu thương và hợp tác với những người thực sự yêu thương chúng.
Tôi viết điều này không phải để dành cho bạn, mà để dành cho chính tôi, như một lời nhắc nhở. Tôi đã làm một người mẹ thật tồi, với biết bao sai lầm và tội lỗi. Tôi đã viện rất nhiều lí do để không dành đủ Vitamin Y cho con hàng ngày.
Tôi cũng viết những điều này để dành cho các ông bố nữa. Mặc dù tôi biết là phần lớn các ông bố đều yêu con và có trách nhiệm, nhưng mà không phải ai cũng dành đủ thời gian cho con, ai cũng có thể hiện diện bên cạnh chúng hoàn toàn, bằng sự tĩnh tâm. Giá như mỗi ngày, các ông bố bỏ điện thoại xuống, chơi với con nhiều hơn, thì có lẽ các bà mẹ cũng sẽ đỡ áp lực hơn bởi vì cùng một lúc phải hiện diện bên cạnh con bằng cả hai người cộng lại.
Source: FB Nguyễn Ngọc Minh - một người chưa quen.
*****
Đọc được bài viết này một cách tình cờ và thấy như một ngọn đèn soi sáng tim mình. Mình thấy tác giả có cảm xúc giống như mình và có lẽ cũng giống nhiêu người làm cha làm mẹ khác.
Đọc những dòng này, mình cảm thấy có lỗi với con, bởi nhiều khi, mang tiếng là dành thời gian cho con, nhưng mình cũng mải mê với điện thoại với sách truyện hay những việc riêng của mình mà đầu óc không thật sự chú tâm. Gần đây, cậu bé hơn 3 tuổi của mình đã phải nhiều lần hét lên "Mẹ, sao con gọi mà mẹ không trả lời, sao mẹ không nghe con nói". Giờ đây mình như bừng tỉnh, mình nhận ra những cảm nhận mơ hồ ngày xưa của mình là gì, đó là cảm giác chưa toàn tâm toàn ý với con. 
Trẻ con rất tinh, khi mình ở bên và chăm chú nghe chúng, hoặc hòa mình vào câu chuyện của chúng, thái độ chúng sẽ khác, vui vẻ, hứng khởi. Còn khi mình chỉ ở bên con nửa vời, miệng vẫn cười với con nhưng đầu óc đang lo những chuyện khác, chúng sẽ nhanh chóng nhận ra và tỏ thái độ chán nản. Mình nhận ra rằng không thể nào phân thân cảm xúc như vậy được, lúc ở CQ thi nhớ con, hay về với con lại nghĩ công việc thì đều không giúp ích gì. Hãy ở bên con một cách trọn vẹn, cảm nhận quãng thời gian ấy, tận hưởng những phút giây ấy. Chia sẻ với con, lắng nghe con bằng tất cả các giác quan. Có như vậy thời gian ở bên con mới thật sự có ý nghĩa và đứa trẻ mới thật là hạnh phúc. 
Mình nhiều lần muốn viết về việc dành thời gian cho con, nhưng giờ lại ngộ ra thêm rằng số lượng là chưa đủ, còn chất lượng thời gian bên con nữa. Và nói rộng hơn, không chỉ bên con mà bên bất cứ người thân yêu nào, hãy sống trọn vẹn từng phút giây một. Bỏ điện thoại xuống và sống thật!
Muốn viết nữa nhưng câu chữ lủng củng rồi, mà tác giả đã viết quá hay rồi. Thôi, ôm Cốm ngủ tiếp thôi.

No comments:

Post a Comment