"Sẽ đến lúc bạn nhận ra sự khác biệt tinh tế giữa việc nắm lấy một bàn tay và việc níu giữ một tâm hồn..."
Friday, 7 July 2017
Học làm cha mẹ
Một lời khuyên dành cho những ông bố, bà mẹ tương đó là "Làm cha mẹ cũng phải học". Đây là một điều tôi thấm thía hơn cả sau khi sinh 2 đứa con.
Trước khi sinh bạn đầu lòng, tôi chỉ lo chuẩn bị công việc ở cơ quan để bàn giao. Thời gian rảnh thì tranh thủ mua sắm và xin một số thứ cho em bé. Tôi cũng xem qua clip để biết cách thay tã bỉm cho trẻ. Nhưng tất cả đều là không đủ. Ngày đi đẻ, tôi chưa kịp chuẩn bị đồ đi sinh, cứ trong làn có gì là mang đi (làn này người nhà đã chuẩn bị cho tôi từ trước vì dọa đẻ trước đó 1 tuần trong bệnh viện). Sau khi sinh con ra, cái gì cũng bỡ ngỡ, và bỡ ngỡ nhất là việc cho con bú. Cứ tưởng là đơn giản nhưng không phải vậy. Tôi hoàn toàn không có tí kiến thức nào về sữa mẹ, cũng chưa bế trẻ con hay đọc về chuyện sữa mẹ cho con bao giờ. Thấy em bé khóc, người nhà bảo pha sữa cho uống, tôi hăm hở đi ngay. Tôi còn chẳng biết loại sữa nào với sữa nào, trước khi sinh được ông bà ngoại cho 1 hộp sữa bột trẻ em mua từ Mỹ về nên cứ thế là pha cho con uống, bình này rồi bình khác. Tôi cũng chẳng biết một em bé phải ăn bao nhiêu, nên người lớn bảo sao thì làm vậy. 30ml, rồi 60ml rồi tăng dần.
Sau này khi nghiên cứu tài liệu trước khi sinh bạn thứ 2, tôi mới nhận ra những sai lầm của mình, răng cho trẻ sơ sinh ti bình sữa quá sớm sẽ khiến con không muốn ti mẹ, mà con không ti mẹ thì sữa không về - điều làm tôi thất bại hoàn tuàn toàn trong việc nuôi con sữa mẹ với bạn đầu tiên. 21 ngày tuổi, con trai tôi đã không còn một giọt sữa mẹ nào nữa. Chưa kể, sai lầm thứ 2 là tôi đã pha quá nhiều sữa cho con, dạ dầy của một em bé sơ sinh ngày đầu tiên chỉ tầm 5-7ml, vậy mà ta cứ cho em bé uống quá nhiều, rất không tốt cho dạ dày non nớt của con.
Ngày đó tôi cũng nghe mọi người, uống đủ thứ lợi sữa, nhưng vì con không chịu bú lại thêm tâm lí căng thẳng thành ra sữa ngày một ít. Nhiều hôm 2 mẹ con đánh vật với nhau mướt mát mồ hôi cả tiếng mà con không bú, cứ khóc đòi bình sữa. Nhiều lúc con ngậm ti mẹ, mút mút không thấy gì là òa lên, ầm ĩ cả nhà. Có lần con mút mút rồi ngủ, lòng đầy hi vọng là con đã ăn được đủ sữa nhưng cũng đầy căng thẳng là con không ăn đủ no nên sẽ chóng dậy. Thật vậy, chỉ sau 30ph là con dậy, lại gào khóc ầm ĩ, lòng mẹ như lửa đốt. Cảm giác bế tắc hoàn toàn, mất niềm tin vào sữa mẹ, khổ sở không biết phải làm sao.
Vài hôm sau thi cô em chồng cho tôi mượn máy hút sữa, nhưng vì không biết cách kích sữa, không biết là phải hút bao lâu, như thế nào để có sữa nên sữa hút ra ít dần. 40m, 30ml...Mỗi lần hút ra như vậy, tuy chẳng được bao nhiêu, nhưng cũng cố đổ "thêm" vào bình sữa bột của con ngồn ngộn 150ml, Và rồi có lần hút chỉ được 5ml, cuối cùng thì tôi chẳng hút nữa vì chả đủ dính bình. Vậy là sữa mẹ cho con thất bại sau 21 ngày. Một quãng thời gian vô cùng căng thẳng và khổ sở của người lần đầu làm mẹ, một người thiếu hiểu biết và kinh nghiệm. Và kéo theo sau là một chuỗi ngày dài dậy vào đêm hì hục pha sữa và rửa bình sữa.
Cho đến ngày tôi biết về hôi betibuti, tôi hiểu rằng mình đã sai rất nhiều, tôi đã khóc và hối tiếc rằng mình đã không biết đến để đọc sớm hơn.
Ngoài chuyện sữa mẹ, còn rất nhiều sai lầm tôi mắc phải, như chuyện con ốm chẳng hạn. 13 ngày tuổi, con ho hắng nhẹ, và vì quá lo lắng, cũng nghe nói là dễ viêm phổi (cháu sinh vào mùa đông), nên vội vàng cho con đi khám, bác sĩ kết luận viêm họng/phế quản, tuy chưa ho nhiều nhưng nên can thiệp và vội vàng cho kháng sinh. Cũng vì thiếu hiểu biết, tôi vui vẻ nghe theo, đơn giản nghĩ ốm thì uống thuốc, kháng sinh cho em bé chắc chả sao. Sau này mới hiểu ra, việc biết về các biểu hiện phổ thông của con là rất quan trọng, cha mẹ mới chính là thầy thuốc của con. Và việc lạm dụng thuốc cực kì nguy hiểm. Thương thay, con trai tôi, một phần vì thế mà hệ miễn dịch kém hơn các bạn cùng trang lứa, cháu ốm liên miên, và hầu hết là bệnh đường hô hấp, chẳng thắng nào lại không phải uống thuốc, nhẹ thì siro uống đều, nặng thì kháng sinh. Sổ y bạ của cháu gần 4 quyển, dày cộp đơn thuốc và các xét nghiệm, chưa kể những lần ở nhà mẹ "tự" bắt bệnh kê đơn.
Sau này đọc sách, tôi hiểu ra rằng ho là một cơ chế phản vệ tốt của cơ thể, và cứ để cho hệ miện dịch đươc kích hoạt, được tự hoạt động thì cơ thể mới khỏe mạnh, thay vì ta cứ lạm dụng và phụ thuộc vào thuốc, nhất là kháng sinh.
Rồi thì chuyện rèn con ăn, dù biết là ăn tinh rồi phải ăn thô dần, rồi cho con tập bốc, tập xúc, nhưng vì muốn con ăn được nhiều, nhạnh, không phải nhai mất thời gian, tôi cho con ăn cháo trong thời gian quá dài, con lười nhai và đến giờ răng vẫn lười hoạt động, ăn thịt chậm và hay nhả bã, miệng hay ngậm và ăn rất lâu. Chưa kể vì hay xúc cho con, không cho con ăn bốc, xúc thìa đúng giai đoạn nên giờ con tôi vẫn lười xúc, thường thích được bón và kĩ năng tinh của tay rất kém.
Điểm sơ lại là những sai lầm chính, và có lẽ còn nhiều sai lầm nữa mà chính tôi cũng chưa nhận thức hết, bởi làm cha mẹ vô cùng khó từ việc chăm sóc con cho đến việc dạy dỗ con. Dù vậy rút kinh nghiệm ở bạn thứ 2, tôi nuôi con bằng sữa mẹ từ ngày đầu tiên, quyết tâm không dùng một giọt sữa ngoài nào, dù cho ông bà ngoại than phiền trách mắng. Và mừng thay đến giờ con 3 tháng vẫn đủ sữa ăn. Càng ngẫm lại càng thương cho cậu lớn.
Nuôi con là một chặng đường dài, và trên chặng đường ấy có rất nhiều thử thách, rất nhiều việc phải làm, thậm chí có những việc phải làm đúng thời điểm nếu không ta đã tước đi của đứa trẻ cơ hội để học kĩ năng cần học. Và trên chặng đường đó, nếu muốn bước đi vững vàng, thì ta phải học, học để làm cha mẹ, học để nuôi dạy con cái. Dạy con khó tới mức học rồi còn chưa chắc đã áp dụng được, chưa chắc đủ kiên trì để dạy, nữa là không học.
Không có ngôi trường nào dạy làm cha mẹ, chỉ có chính chúng ta, những người học trò phải tự soạn giáo án cho mình.
Với tôi, còn rất nhiều thử thách phía trước, nhưng tôi tin rằng nếu bố mẹ yêu thương con "đúng cách", chặng đường đi cũng sẽ trải nhiều hoa hồng và tất nhiên, ngập tràn yêu thương.
Điều quan trọng nhất trong việc giáo dục con cái, mà tôi rút ra đó là: Dành thời gian cho con một cách trọn vẹn.
Monday, 3 July 2017
Vitamin Yêu thương - Bí mật của sự chuyển hóa
VITAMIN YÊU THƯƠNG- BÍ MẬT CỦA SỰ CHUYỂN HÓA
Từ dạo ôm vào người nhiều việc quá, tôi bắt đầu không có nhiều thời gian dành cho con. Mỗi khi bọn chúng nó phát minh ra một thứ gì đó mới, hoặc đọc được cái gì hay, hoặc có một câu hỏi trong đầu, theo thói quen, chúng thường chạy ngay ra chia sẻ với mẹ, nhưng vì đầu óc đang mải nghĩ tới công việc, nên tôi trả lời ậm ừ qua quít. Thỉnh thoảng, nhìn thấy nhà cửa bừa bộn, hoặc là đến giờ ngủ, giờ đi học rồi mà hai thằng vẫn lề mề, tôi bắt đầu cáu kỉnh, mắng mỏ. Có lúc đang chơi, thằng em lượn vào thơm mẹ một cái, tôi cũng chỉ đáp lại một cách chiếu lệ. Dù biết thế là sai, nhưng tôi nghĩ: đợi mình làm xong việc này đã, rồi sẽ bù đắp cho chúng nó sau. Chúng nó còn nhiều thời gian, còn mình thì còn quá ít thời gian để hoàn thành công việc.
Một buổi sáng, sau khi bị mẹ mắng té tát vì tội lề mề, thằng em thở dài: Con biết tại sao bạn Xuân Lạc lúc nào cũng cười rồi đấy. Tôi hỏi: Thế theo con là tại sao? Nó nói: là vì mẹ bạn ấy bao giờ cũng vui, không bao giờ mắng bạn ấy.
Tôi khựng lại một chốc, và bất giác trong đầu hiện ra tất cả những hình ảnh mà tôi đã cố gắng chôn vùi đi: khuôn mặt buồn bã, thất vọng, cô đơn và chịu đựng một cách nhẫn nại của bọn trẻ con mỗi khi tôi hờ hững, cáu kính, giận dữ vô lối. Và bỗng nhiên, tôi chợt nhớ lại sự bất mãn, ngang ngược, chống đối, bướng bỉnh của chúng trong thời gian gần đây. Và trong khoảnh khắc đó, tôi thực sự muốn nói lời xin lỗi. Đúng là tôi đã sai, thực sự đã sai. Thời gian của bọn trẻ tuy nhiều, nhưng chúng đang lớn lên hàng ngày, và chúng không dừng lớn để đợi chờ tôi.
Hôm sau, tôi nói với chúng: từ giờ nếu mẹ có gì sai, các con cứ phạt mẹ nhé. Người lớn cũng nhiều khi sai mà. Chúng gật gật cái đầu. Hôm sau, tôi đón chúng muộn, nên vừa nhìn thấy chúng, tôi đã bảo: hôm nay mẹ mắc tội đón các con muộn, các con phạt mẹ cái gì nào? Thằng em nói: con phạt mẹ một bộ lego. Thằng anh nói: không, phạt thế đắt quá, con phạt mẹ 3 cái ôm. Với nó, 3 cái ôm của mẹ đáng giá hơn bộ đồ chơi lego đắt tiền nhiều. Nó chỉ cần có thế.
Tôi nhớ lại khoảng thời gian trước khi 2 thằng 3 tuổi. Thông thường, đây là thời điểm khủng hoảng lên ba, thời điểm mà bọn trẻ con vô cùng ngang bướng, bởi bản năng bên trong chúng đụng độ với những chế định, luật lệ của xã hội. Thằng anh hiền lành hơn, nên sự chống đối của nó không bộc lộ rõ. Nhưng thằng em bản tính nóng nảy, mạnh mẽ, thì thường tỏ ra giận dữ. Mỗi khi không hài lòng, là nó đỏ mặt tía tai, ném đồ đạc, đấm tay dậm chân, suốt ngày dọa bỏ nhà ra đi. Mà nó đi thật. Nó ton ton chạy ra cửa, biến mất trong hành lang.
Vào cái thời điểm căng thẳng đó, sáng nào tôi cũng phải nằm cạnh nó một lúc, ôm ấp, âu yếm, nhắc đi nhắc lại là mẹ yêu con, con là con mèo ngoan… Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, nằm kẹp giữa hai thằng, tôi lại nhắc lại điều đó. Có lúc, nhìn nó say sưa ngủ, trông xinh không tả được, tôi lại ôm nó, thơm lên má nó và nhắc lại tôi yêu nó chừng nào. Một thời gian dài bổ sung vitamin Y như thế, nó nghĩ nó ngoan thật, hiền thật, mẹ thật là yêu nó, nó thật xứng đáng được yêu thương, và dù có chống đối, gây hấn với người khác, nó không bao giờ tỏ ra bướng bỉnh với mẹ. Chỉ cần tôi nói: Mẹ cảm thấy rất buồn vì… là nó dừng ngay lại.
Song, không phải với ai nó cũng dễ dàng nghe lời như thế. Với ông bà ngoại hay cậu, người thường cư xử với nó một cách dịu dàng và luôn sẵn sàng bộc lộ tình yêu dành cho nó, nó răm rắp nghe lời như một con mèo ngoan, nhưng với bản tính mèo hoang nóng nảy, nó cũng thường xuyên gầm ghè với những yêu cầu, đòi hỏi của những người khác.
Cái gì khiến cho một đứa trẻ trở nên tuân phục và hiền lành, ngoan ngoãn? Tại sao với cùng một mệnh lệnh, yêu cầu, với người này thì chúng đáp ứng, với người kia thì không? Khi làm mẹ 2 đứa trẻ, quan sát và ngẫm nghĩ hàng ngày về nghề làm mẹ, tôi bắt đầu giác ngộ ra rằng, chính vitamin Y là xúc tác tạo nên sự chuyển hóa. Bạn có thể nhồi vào cho con rất nhiều dinh dưỡng: sự đầu tư, chăm chút, thời gian, tiền bạc, kiến thức, kĩ năng…, nhưng thiếu vitamin Y- vitamin yêu thương, thì những dưỡng chất kia không bao giờ có thể thẩm thấu được vào trong người trẻ, để chuyển hóa thành một nguồn năng lượng tinh thần nuôi dưỡng sự trưởng thành về nhân cách của chúng.
Qui luật này luôn đúng với việc nuôi dạy con. Cùng một phương pháp, qui trình, nhưng mẹ này áp dụng thì thành công, mẹ kia thì thất bại, ấy là do mẹ này áp dụng nó với một ánh mắt thương mến, một giọng nói dịu dàng, những cử chỉ yêu thương, còn mẹ kia thì đã không biết cách truyền tải lòng yêu thương đó để cho trẻ có thể cảm nhận được.
Qui luật này cũng đúng với việc dạy học. Cùng một bài giảng như thế, một giáo án như thế, với những học sinh như thế, tại sao giáo viên này dạy thì chúng chịu nghe, cảm thấy dễ hiểu, với giáo viên khác, chúng lại tỏ ra bất mãn, chán nản, không chịu lắng nghe? Là vì ở giáo viên này, tình yêu thương đã được chuyển hóa thành ánh mắt, giọng điệu, những cử chỉ ân cần, để tạo nên một bầu không khí yêu thương và hạnh phúc trong lớp học. Khi trẻ cảm nhận được không khí yêu thương đó, chúng nảy sinh cảm giác tin cậy, an toàn, không còn phải gồng mình lên để tự vệ. Và đó là khi chúng sẵn sàng để tiếp nhận mọi thông tin và làm theo mọi hướng dẫn.
Và đây là công thức bí mật của sự chuyển hóa: THÔNG TIN/ MỆNH LỆNH/ KIẾN THỨC/ KĨ NĂNG + VITAMIN Y= SỰ TIẾN BỘ.
Daniel Goleman, tác giả của cuốn sách “Trí tuệ cảm xúc”, đã phân tích tác động của phản ứng yêu thương lên não bộ của con người: tình yêu gây ra một phản xạ mà ông gọi là phản xạ đối giao cảm, một sự đáp ứng thư giãn, tạo ra một trạng thái chung yên tĩnh, đồng cảm và hợp tác. Vì lí do này mà những đứa trẻ được bổ sung đầy đủ vitamin yêu thương, sẽ thường có xu hướng hành xử hài hòa với người khác.
Con đường làm mẹ, nếu nhìn trên sách vở hay các status trên facebook thì xem ra rất bằng phẳng, nhưng thực tế không phải như vậy. Người mẹ nào, dù biết rất rõ mình cần làm gì cho con, nhưng không phải bao giờ cũng thực hiện được điều đó. Cuộc sống của một người phụ nữ hiện đại không còn quanh quẩn trong gia đình với mối lo lắng duy nhất là con cái. Trái tim người mẹ phải chia thành rất nhiều ngăn khác nhau, một phần nhiệt huyết dồn cho công việc, một phần dành cho những đam mê cá nhân, một phần dành cho gia đình và con cái. Thời gian của người mẹ lại càng bị phân tán hơn nữa. Tôi thường có cảm giác mình phải giành giật từng phút thời gian dành cho con. Có những lúc sức cùng lực kiệt mà deadline đã đến, thì đành tặc lưỡi buông xuôi, để công việc cuốn đi, cướp hết thời gian dành cho con.
Nhưng có một câu nói của chị Thu Hà mà tôi rất thích: Tình yêu là thời gian. Tôi luôn lấy câu nói này để nhắc nhở chính mình.
Tuy nhiên, cần thêm vào: Tình yêu là sự tĩnh tâm. Thời gian đó không chỉ là một khoảng thời gian trống rỗng, khi bạn ở bên con mà đầu nghĩ đi nơi khác. Tình yêu chỉ có thể dấy lên trong lòng bạn và truyền tới người mà bạn yêu thương khi bạn thực sự tĩnh tâm, khi bạn sống hoàn toàn với đối tượng mà bạn yêu, khi bạn hiện diện trước mặt người ấy bằng cả thể xác lẫn tâm hồn, có nghĩa là, khi có mặt bên con, khi đang ôm con và chuyện trò với con, khi đang dạy dỗ con, bạn phải để tâm mình vào đó và gạt bỏ hết những suy nghĩ, công việc khác trong đầu. Bạn tĩnh tâm để lắng nghe và cảm nhận đứa trẻ, vui với niềm vui của nó, chia sẻ với những buồn bã, băn khoăn của nó và phát ra những tín hiệu để nó có thể cảm nhận được tình yêu thương của bạn.
Cái gì cũng có thể làm giả được hết, nhưng tình yêu thương thì không.
Và về khoản này, thì trẻ con cực kì nhạy cảm và thông minih, không gì che mắt được chúng. Chúng sẽ chỉ yêu thương và hợp tác với những người thực sự yêu thương chúng.
Tôi viết điều này không phải để dành cho bạn, mà để dành cho chính tôi, như một lời nhắc nhở. Tôi đã làm một người mẹ thật tồi, với biết bao sai lầm và tội lỗi. Tôi đã viện rất nhiều lí do để không dành đủ Vitamin Y cho con hàng ngày.
Tôi cũng viết những điều này để dành cho các ông bố nữa. Mặc dù tôi biết là phần lớn các ông bố đều yêu con và có trách nhiệm, nhưng mà không phải ai cũng dành đủ thời gian cho con, ai cũng có thể hiện diện bên cạnh chúng hoàn toàn, bằng sự tĩnh tâm. Giá như mỗi ngày, các ông bố bỏ điện thoại xuống, chơi với con nhiều hơn, thì có lẽ các bà mẹ cũng sẽ đỡ áp lực hơn bởi vì cùng một lúc phải hiện diện bên cạnh con bằng cả hai người cộng lại.
Source: FB Nguyễn Ngọc Minh - một người chưa quen.
*****
Đọc được bài viết này một cách tình cờ và thấy như một ngọn đèn soi sáng tim mình. Mình thấy tác giả có cảm xúc giống như mình và có lẽ cũng giống nhiêu người làm cha làm mẹ khác.
Đọc những dòng này, mình cảm thấy có lỗi với con, bởi nhiều khi, mang tiếng là dành thời gian cho con, nhưng mình cũng mải mê với điện thoại với sách truyện hay những việc riêng của mình mà đầu óc không thật sự chú tâm. Gần đây, cậu bé hơn 3 tuổi của mình đã phải nhiều lần hét lên "Mẹ, sao con gọi mà mẹ không trả lời, sao mẹ không nghe con nói". Giờ đây mình như bừng tỉnh, mình nhận ra những cảm nhận mơ hồ ngày xưa của mình là gì, đó là cảm giác chưa toàn tâm toàn ý với con.
Trẻ con rất tinh, khi mình ở bên và chăm chú nghe chúng, hoặc hòa mình vào câu chuyện của chúng, thái độ chúng sẽ khác, vui vẻ, hứng khởi. Còn khi mình chỉ ở bên con nửa vời, miệng vẫn cười với con nhưng đầu óc đang lo những chuyện khác, chúng sẽ nhanh chóng nhận ra và tỏ thái độ chán nản. Mình nhận ra rằng không thể nào phân thân cảm xúc như vậy được, lúc ở CQ thi nhớ con, hay về với con lại nghĩ công việc thì đều không giúp ích gì. Hãy ở bên con một cách trọn vẹn, cảm nhận quãng thời gian ấy, tận hưởng những phút giây ấy. Chia sẻ với con, lắng nghe con bằng tất cả các giác quan. Có như vậy thời gian ở bên con mới thật sự có ý nghĩa và đứa trẻ mới thật là hạnh phúc.
Mình nhiều lần muốn viết về việc dành thời gian cho con, nhưng giờ lại ngộ ra thêm rằng số lượng là chưa đủ, còn chất lượng thời gian bên con nữa. Và nói rộng hơn, không chỉ bên con mà bên bất cứ người thân yêu nào, hãy sống trọn vẹn từng phút giây một. Bỏ điện thoại xuống và sống thật!
Muốn viết nữa nhưng câu chữ lủng củng rồi, mà tác giả đã viết quá hay rồi. Thôi, ôm Cốm ngủ tiếp thôi.
Sunday, 2 July 2017
Quẳng gánh lo đi mà vui sống
ĐỪNG TẠO THÊM VẤN ĐỀ
Quan sát những người bị stress triền miên, ta dễ nhận thấy, cuộc sống của họ có quá nhiều vấn đề. Cho dù có nỗ lực bao nhiêu thì họ cũng chẳng thể giải quyết hết, như một câu ngạn ngữ đã nói "Không có vấn đề dễ, vì nếu dễ đã không gọi là vấn đề".
Nhưng nếu ta chịu suy nghĩ một cách tích cực hơn, thì cuộc sống thực tế, không có nhiều vấn đề như thế. Chính cách nhìn sự việc tiêu cực đã tạo thêm nhiều vấn đề.
Tôi xin chia sẻ các suy nghĩ, có thể giúp ta, không vô tình tạo thêm vấn đề cho cuộc sống, để tâm trí ta thanh thản, cho dù cuộc sống còn nhiều khó khăn.
1. Không nên coi những chuyện, không phụ thuộc vào bản thân mình, là vấn đề. Liệu bạn có thể làm gì với thiên tai, với động đất sóng thần? Trước đây, mỗi lần đi máy bay tôi thường rất lo lắng. Khi máy bay bị lắc do thời tiết xấu là tôi sợ toát mồ hôi. Nhưng sau khi ngộ ra, đã bước lên máy bay thì chuyện sống chết không còn phụ thuộc vào mình nữa, tôi có thể ngủ ngon ngay cả khi máy bay gặp thời tiết xấu nhất. Chuyện gia đình, xã hội cũng vậy. Có rất nhiều chuyện nằm ngoài tầm với của ta. Đừng để bị cuốn vào những chuyện không phụ thuộc vào mình. Hãy dành tâm trí, tập trung giải quyết những vấn đề, mà ta có ảnh hưởng trực tiếp.
2. Không nên coi những chuyện mang tính quy luật là vấn đề. Nếu bạn 18 tuổi và mặt đầy trứng cá thì đừng quá lo lắng. Qua một vài năm, trứng cá sẽ tự biến đi. Bản thân tôi, lần đầu bị gai cột sống, tôi rất lo. Nhưng khi được bác sĩ cho biết, ngoài 50 tuổi, cột sống bị vôi hoá là chuyện bình thường, tôi lại thấy bình tâm. Tuổi già và bệnh tật sẽ đến là lẽ đương nhiên. Con cái sẽ lớn và ngày càng xa chúng ta hơn. Nhưng đó không phải là vấn đề. Đó là quy luật của cuộc sống. Thay vì buồn rầu thì chúng ta nên vui vẻ vì dù con cái đã tự lập, nhưng thỉnh thoảng chúng vẫn còn nhớ đến bố mẹ.
3. Không nên coi những chuyện vặt là vấn đề. Cảm cúm thì ai mà tránh được, nhưng vài hôm sẽ tự khỏi. Đừng chuyện bé xé ra to. Trẻ con hàng xóm đánh nhau là chuyện của trẻ con. Nếu phụ huynh để chúng tự giải quyết, mấy bữa chúng sẽ làm lành, lại chơi với nhau. Nhưng nếu một phụ huynh coi đây là vấn đề, trầm trọng hoá nó, rồi kéo hai gia đình vào cuộc tranh luận đúng sai tốt xấu, thì hậu quả như thế nào không ai lường trước được.
4. Đừng bao giờ để bị mắc kẹt trong sự nghi ngờ. Tin hoặc không tin đều tốt hơn. Sự nghi ngờ luôn tạo ra rất nhiều vấn đề không có lời giải.
5. Không nên vơ các vấn đề của người khác, thành vấn đề của mình. Nếu các vấn đề của sếp, của nhân viên, của họ hàng, của vợ con... đều trở thành vấn đề của bạn, thì sớm muộn bạn cũng sẽ chết chìm. Hãy để mỗi người tự giải quyết vấn đề của mình.
Sau khi áp dụng cách tiếp cận này, tôi thấy 90% các vấn đề trước đây tự nhiên biến mất. 10% vấn đề còn lại, mà ta thực sự phải đối mặt và giải quyết, là không quá nhiều. Chừng đó không đủ làm bạn bị stress.
Vả lại, cuộc sống cũng cần có vấn đề, vì nếu hoàn toàn không có vấn đề gì nữa nó sẽ hết sức nhàm chán!
Trích từ FB Hoàng Minh Châu
******
Tình cờ đọc đươc một bài trích về cách nhìn sự việc tích cực hơn. Đọc và cảm thấy đúng đắn, còn áp dụng được hay không thi chưa biết, nhưng ít nhất, bài viết giúp ta hiểu rõ bản thân mình nhiều hơn, rằng hầu như mọi người thường có xu hướng lo lắng cho những điều không thuộc kiểm soát của mình - điều đó khiến cuộc sống trở nên nặng nề, mệt mỏi hơn, như thể ta chất thêm nhiều lo toan lên đôi vai mình. Lại nhớ câu "quẳng gánh lo đi mà vui sống". Hi vọng sẽ áp dụng được cho bản thân để cuộc sống nhẹ nhàng hơn.
Friday, 30 June 2017
From mommy with love [P2]
Tối nay những "thiên thần" của mẹ được xuống sân khá là vui. Lúc mẹ dẫn Dế và bế Cốm xuống thì em Pi Pô đã chơi được một lát rồi. Mẹ phải bế em nên ngồi một chỗ xem các bạn nhỏ học nhảy kiểu street dance, còn Dế và các em thì được bố quản lý.
Loáng một cái quay ra quay vào đã thấy em Pô ngồi trên ô tô cùng một bạn mới quen, cưỡi xe ô tô đi vè vè quanh sân. Tốt. Em Pi thì còn đang bận chạy loanh quanh. Bụng bảo dạ không biết con trai mình ở đây bao lâu có đứa bạn nào không, chứ em Pô kết bạn nhanh thế cơ mà. Ngay lúc đang có tí lo lắng về khả năng đối ngoại của Dế thì con trai xuất hiện, đạp xe song song với một cậu bạn tầm tầm tuổi. Hai bạn có vẻ không nói chuyện gì nhiều với nhau nhưng liên tục nhìn và đạp xe theo nhau. Lúc một bạn dừng thì bạn còn lại cũng dừng. Lúc không thấy Dế đâu, bạn nhỏ còn dừng lại để chờ, một lúc sau là con đạp xe đến cạnh bạn. Mẹ vui mừng vì hôm nay thấy con trai có bạn chơi cùng rồi. Tối về mới thấy bố giới thiệu đấy là bạn Trí Giáp, vốn hay chơi cùng với con.
Vậy là thế giới của con đang dần lớn hơn, bên cạnh vòng tròn gia đình, con có trường lớp và có cả những bạn nhỏ khác chơi cùng con nữa. Con đang lớn lên rồi.
@Cốm: Mẹ ngồi nhìn các bạn gái xinh xắn mặc váy chạy tung tăng, lại nhớ câu thơ của ông ngoại "Bao giờ Cốm lớn bằng anh Dế"? Bao giờ con gái mẹ cũng mặc váy xinh chay tung tăng nhỉ. Nói thế chứ nhiều lúc lại cứ mong con yêu bé mãi, để mẹ ôm con vào lòng, hít hà trọn vẹn.
Khi nãy, lúc con đang ngủ bị tỉnh dậy, tay chân hươ hươ, mắt mở ra nhìn mẹ, đầu rúc rúc, mũi khựt khựt, cứ hướng về phía mẹ như chờ mẹ giúp cho ngủ lại, mẹ thấy yêu thương quá.
Thursday, 29 June 2017
From mommy with love [P1]
Con gái yêu của mẹ,
Mấy hôm gần đây mẹ nghĩ đến chuyện chụp ảnh cho con cho nó nghệ thuật một chút, cũng quần quần áo áo rồi cũng đeo nơ đàng hoàng, rồi sắp sắp đặt đặt để chụp cho con mấy kiểu cầu kì, khác biệt một chút. Nhưng hôm nay, tình cờ xem 1 đoạn người ta chụp em bé, quấn quấn đặt đặt, trong những tư thế không được thoải mái lắm, thành ra mẹ lại không muốn chụp nữa. Càng suy nghĩ mẹ lại càng thấy vẻ đẹp của con gái mẹ không phải nằm ở những điều hào nhoáng ấy.
Mẹ yêu đôi mắt con gái lúc nhìn mẹ, long lanh và cưới tít cả mắt lại. Mẹ yêu ánh mắt con lúc con giận dỗi, con gắt ngủ, mắt con cũng gắt gỏng. Mẹ yêu ánh mắt con lúc con chuyện trò cùng với mẹ, mắt con tròn xoe, cũng như muốn nói cùng... Mẹ yêu ánh mắt con lúc con cứ nhìn theo mẹ đi qua đi lại quanh phòng. Cả ngày chả có ai nhìn mẹ nhiều bằng con. Con nhìn thấy mẹ con cười rạng rỡ. Mẹ nhớ, có lần đang nằm trong phòng một mình rõ yên, thấy mẹ mở cửa bước vào, chân tay con cuống quít, giọng cón "á á" vui mừng như gọi mẹ, như là con nhớ mẹ lắm. Mẹ yêu cái liếc mắt cùa con như là con biết hết í, có khi đang khóc (giả vờ cũng nên), bế lên là nín bặt, mặt hí hửng chả có tí nước mắt nào.
Mẹ yêu cái miệng xinh của con cái, chu chu cái mỏ lúc con ti, ngậm mút ngon lành. Mẹ yêu cái tiếng "khựt khựt" của con khi còn bắt đầu đói và bắt đầu lần tìm ti mẹ. Mẹ yêu cái giọng "Ah Ah, ừ ừ, á à..." bi bô của con khi con chuyện với mẹ. Trộm vía con hay chuyện từ khá sớm và nói rất rôm rả. Mẹ yêu cái miệng của con khi con nằm chuyện trò với ong Bee, con nói với nó khá nhiều chuyện, cứ "ê a" gọi mà nó chẳng trả lời con, con vẫn cứ cười tít mắt. Mẹ yêu cái miệng xấu xí lúc con gắt gỏng gào ầm ĩ, há to, gằn từng cơn cho đến khi nhu cầu được đáp ứng. Mẹ yêu cả cái miệng xấu lúc nhè nước nhãi, bị mẹ mắng lại toét miệng ra cười, không làm sao mà ghét được.
Mẹ yêu cái tiếng ê a trong trẻo của con, tiếng khóc gằn ngằn ngặt của con "Ờ a, ờ a, ờ a.." liên tục không dứt, mẹ yêu cả cái tiếng khựt khựt khi con đói, tiếng chụt chụt lúc con ăn và cả tiếng nuốt sữa ừng ực. Mẹ thương tiếng con khóc ré lên khi bị giật mình. Con bé xíu mà trộm vía phát ra bao nhiêu âm thanh, mẹ nói chuyện với con cũng mỏi cả miệng ấy.
Mẹ yêu cái đầu hói hói ít tóc, cái trán dô dô của con gái. Cái đầu mà mẹ hay ấp vào ngực mình, cái đầu mẹ xoa xoa mỗi khi gội đàu cho con, lúc thì con nhăn nhó, lúc thì con dễ chịu. Cái đầu cứ tròn đằng gáy, chẳng chịu nằm thẳng cứ suốt ngày nằm nghiêng khiến các ông bà cứ liên tục nhắc mẹ phải xoay đầu cho con cho nó tròn. Mẹ yêu cái đầu của bạn con, khi chưa vững mà cứ đòi bế đứng thành ra đầu cứ lung liêng, lắc lư theo bước mẹ đi, lưng vẫn cong cong. Ấy vây mà bế nằm ra là gào tướng lên không chịu.
Mẹ yêu đôi bàn tay bé nhỏ thường tự cào mặt, hay hươ hươ ra trước. Mẹ yêu cái bàn tay bé tí xiu cứ lăm lăm cái nắm đấm, cứ như dọa đánh nhau với ai í, mỗi khi mẹ bảo Cốm vuốt má mẹ, là tay lại giơ nắm đấm ra rồi miệng hừ hừ. Mẹ yêu hai cái cánh tay đôi khi ngủ cứ giơ lên đầu, rồi mỗi khi giật mình là cả tay chân cứ giật bắn lên, rồi con khóc toáng lên vị sợ. Nhiều lúc con ngủ, hai bàn tay lại hay chắp lại như một thiên thần đang ngon giấc, đáng yêu vô cùng. Thỉnh thoảng mẹ trêu, đấm đấm vào tay con, con cười toét thích chí lắm. Con chưa biết nắm tay mẹ, thường nắm được tí là lại bị tuột tay, nhưng yên tâm, lúc ấy mẹ sẽ nắm tay con, ôm con vào lòng.
Mẹ yêu con những lúc con cười giòn tan, lúc con è è tập lẫy, tập mãi không được đâm ra gắt gỏng, mẹ yêu con cả lúc con rướn mình đòi bế để hóng hớt, yêu cái mặt hay ngó nghiêng, bé bỏng mà cứ như biết hết, trông ngố tàu vô cùng. Mẹ yêu con lúc con đòi ăn, khóc choe chóe (hờn vật vã - trích thơ ông ngoại), rồi thấy ti là con sùng sục tìm, miệng chu chu, rồi lúc con nuốt sữa, lúc con hả hê vì ăn no, mặt mày lem nhem vẫn cứ cười toét. Mẹ yêu lúc con nết na nằm, lúc con chuyện trò, lúc con ngủ, lúc con cáu kỉnh... Mẹ đồng hành cùng con trong những ngày tháng đầu tiên, yêu thương trọn vẹn. Nhiều lúc nghĩ loanh quanh, hay có gì không vui, nhìn thấy con lòng lại nhẹ nhàng.
Mẹ yêu mùi sữa thơm từ người con, mùi hôi hôi khi con ị thối, mùi em bé khi mẹ bế con vào lòng.
Có thể, con không xinh xắn như mọi người kì vọng, nhưng mẹ yêu tất cả những điều không hoàn hảo ấy. Yêu cái mắt híp, cái trán dô, cái đầu hói, cái da đen bánh mật, cái bàn chân to. Sự thật là mẹ ngắm con không hề biết chán. Điều đáng mừng nhất là con gái của mẹ chào đời nguyên vẹn, khỏe mạnh, vậy là hạnh phúc vô bờ bến rồi. Mẹ hay đùa gọi con là "Cám Cám", chẳng phải vì chê con đâu, mà để trêu con thôi, vì con gái cũng hơi... ơ... đanh đá :D
Cảm ơn con đã đến bên bố mẹ. Trước khi có bầu con, mẹ cũng lo lắng nhiều, nhưng rồi khi con ra đời, mẹ vẫn thấy không hạnh phúc nào bằng hạnh phúc được làm mẹ, và có lẽ, khó có nỗi đau nào bằng nỗi đau không có con. Mẹ yêu con, từ tiếng khóc đến tiếng cười, từ lúc ăn đến lúc ngủ, cả lúc hờn vật vã đến lúc phởn chí nết na. Con sinh động và đáng yêu từng giây phút một.
Thế nên, con gái ạ, giờ nghĩ đến những bức ảnh sắp đặt, mẹ chẳng còn hứng thú nhiều nữa. Có thể nó giàu tính nghệ thuật, trông thật bắt mắt với màu sắc và sự sắp xếp, nhưng nó không tài nào ghi lại những khoảnh khắc yêu thương hàng ngày của mẹ con mình, không lưu lại được tất cả những sinh động của con. Vậy nên, mẹ nghĩ rằng mẹ sẽ chụp con khi con đang tư nhiên nhất, khi con khóc, khi con cười, lúc con vui, con buồn...Bởi đó mới đúng là con, mới là giá trị chân thật nhất.
Lúc mẹ viết những dòng này, con đang ngủ tít rồi, ngắm con ngủ, lòng mẹ ấm áp lạ thường. Khi mẹ nhìn vào mắt con, mẹ nhìn vào mắt anh Dế con, mẹ cảm thấy mẹ có đủ sức mạnh để làm nhiều hơn mẹ tưởng. Cách đây mấy hôm, mẹ nằm mơ thấy 2 anh em con dắt nhau đi chơi và đi lạc. Mẹ và mọi người hốt hoảng đi tìm. Mẹ hoảng loạn, mẹ sợ hãi, mẹ lo lắng, mẹ tuyệt vọng, mẹ nghẹt thở, mẹ gọi tên các con và gào khóc, mẹ cứ đi, đi mãi để tìm con.,,, Đấy thật sự là cơn ác mộng với mẹ, mẹ giật mình tỉnh dậy, thấy con vẫn đang ngủ ngoan bên cạnh, mẹ mới thở phào. Con cái là báu vật quý nhất của người mẹ. Người phụ nữ đẹp nhất khi ở cạnh con mình và cảm ơn các con đã đến bên mẹ.
Yêu các con vô cùng.
#Thư gửi Minh Lan 2m24d
Wednesday, 28 June 2017
Tuổi 30
Tuổi 30 giống tuổi 20 ở chỗ vẫn còn ngây thơ, vẫn còn tin vào những điều tốt, vẫn ít va vấp với cuộc đời. Nhưng tuổi 30 khác cái tuổi đôi mươi nhiều lắm rồi...
Tuổi 20 chỉ phải lo cho bản thân, làm việc theo sở thích, dành nhiều thời gian cho những chuyện tình tang của mình và mấy đứa bạn thân. Tuổi 30 nhiều trách nhiệm hơn, trách nhiệm với gia đình, với bản thân, với công việc. Hai đứa con, giờ là cả một đòi hỏi lớn về thời gian, về sự chăm sóc và cả tiền bạc nữa. Trách nhiệm với bố mẹ hai bên khi các ông bà ngày một già yếu hơn. Trách nhiệm với chồng, với bản thân... Gánh nặng dường như nhiều hơn, lo toan dường như nhiều hơn. Cái hạnh phúc tuổi này cũng khác với ngày xưa nhiều lắm. Nếu ngày xưa, những chuyện tình củm, yêu đương này nọ rất thú vị và hấp dẫn thì giờ nghĩ đến yêu đương lại đâm ngại, những chuyện tình cảm ở tuổi ẩm ương của mấy em đồng nghiệp không còn làm mình hứng thú. Giờ đây, mối quan tâm dành nhiều cho việc chăm sóc con cái, cho con ăn ra sao, dạy con thế nào, con ốm thì phải làm gì...Hàng trăm thứ cần quan tâm, nên những chuyện lãng mạn thủa mới biết yêu tưởng chừng như xa xỉ và hơi thiếu thực tế. Niềm vui bây giờ được tính bằng nụ cười của các con, sự tiến bộ của các con, những tiếng gọi "mẹ ơi" lảnh lót...
Tuổi 20 chỉ nghĩ mình muốn làm gì, công việc nào thì khó/dễ, làm ở đâu lương cao. Tuổi 30 phải cân nhắc nhiều hơn, công việc gì thì thuận tiện đi làm, đưa đón con cái, công việc gì có nhiều thời gian cho gia đình, công việc gì ổn định...Tuổi 30 ít tham lam hơn, ngại nhảy việc hơn và cũng bình tĩnh hơn. Tuổi 30 hiểu mình muốn gì hơn,nhưng lại khó thực hiện hơn.
Tuổi 20 thích đi du lịch, và muốn là có thể xách ba lô lên và đi. Tuổi 30 muốn đi chơi phải tính toán đủ thứ xem đi đâu phù hợp cho sức khỏe của con, đi đâu vừa túi tiền cả gia đình... Tuổi 20 hạnh phúc là của riêng mình, tuổi 30 thấy hạnh phúc của mình nằm trong hạnh phúc của mọi người.
Tuổi 20 mơ mộng, cả tin và nhìn thế giới nhiều màu hồng rực rỡ. Tuổi 30 trầm lắng hơn, thực tế hơn và nhiều màu xám hơn. Niềm tin ít hơn và những quan niệm về giá trị cũng thay đổi. Ngày xưa tin rằng mình sẽ có một gia đình hạnh phúc, sẽ yêu thương nhau đến đầu bạc răng long. Giờ đây hiểu rằng hạnh phúc lứa đôi mong manh như quả cầu pha lê, rất dễ vỡ, có thể đến, có thể đi và khó tồn tại mãi mãi. Ngày xưa nghĩ rằng hai người hợp nhau, yêu nhau ắt sẽ hạnh phúc, giờ thì hiểu rằng hợp nhau, yêu nhau là chưa đủ, hạnh phúc không tự nhiên đến mà cần phải dành thời gian cho nhau và theo thời gian cần phải gìn giữ và làm mới cái tình yêu ấy nữa. Tuổi 30
Tuổi 20 quan niệm tiền là tiền và muốn có nhiều tiền. Tuổi 30 vẫn muốn có nhiều tiền, nhưng sợ hãi bởi nhận ra đồng tiền có ma lực ghê gớm. Tiền bây giờ trở thành thước đo của quá nhiều thứ. Tiền làm méo mó các mối quan hệ, tiền làm đổi trắng thay đen. Tuổi 30 biết sợ tiền, biết sợ những đen tối nó có thể mang đến và tuổi 30 hiểu rằng, tiền không phải là giá trị của cuộc sống. Tuổi 30 nhận rõ ràng rằng, tiền không mang lại hạnh phúc.
Tuổi 20 lọ mọ nghe ngóng trái tim mình xem thế nào là yêu. Tuổi 30 hiểu được tình yêu là gì và cũng hiểu ra Tình yêu không hoàn hảo, không dễ dàng và khó vĩnh cửu như những câu chuyện cổ tích. Thì đấy, ngay cả như đôi tác giả "Ba ngọn nến lung linh" với những ca từ tuyệt mỹ còn có thể li dị thì phải chăng điều gì cũng có thể xảy ra?
Tuổi 20 yêu bản thân mình hơn tất cả, có đôi chút ích kỉ của tuổi trẻ. Tuôi 30 yêu một cách vị tha như cách của một người mẹ, có đôi khi phải học cách cho qua những điều cần cho qua.
Tuổi 20 nghĩ đến trẻ con thì chỉ biết véo má, biết trêu gẹo. Tuổi 30 nghĩ đến trẻ con là nghĩ đến niềm yêu thương vô bờ, những tiếng bi bô, những đêm mất ngủ, và cả những yêu thương mà nó mang lại. Tuổi 20 thấy học kiến thức thật khó, đọc giáo trình và đi nghe giảng thật ngại. Tuổi 30 nhận ra việc khó nhất là làm cha mẹ, và rủi thay, không có trường lớp nào dậy cái này. Ta phải tự học, tự lớn để đồng hành cùng con cái.
Tuổi 20 nghĩ mình lớn rồi, tuổi 30 lại thấy mình còn quá non trẻ, còn rất nhiều thứ phải học,
Tuổi 20 tưởng như chuyện gì cũng có thể chia sẻ được, vài cú điện thoai, vài cốc cà phê là san bớt được nỗi niềm với tụi bạn. Tuổi 30 thì thấy khó khăn hơn, có những điều không biết nói cùng ai, có những cảm xúc chỉ có thời gian giúp giải tỏa, có nhiều khi chỉ có ta với nồng nàn.
Nhớ câu thơ ngày xưa yêu thích "Tuổi 17 còn khờ dại lắm/ Hạnh phúc vẹn nguyên giữa cuộc đời thường". Thực ra, đến 30 tuổi cũng vẫn còn dại khờ thế này và vẫn đang cố gắng gìn giữ cho cái hạnh phúc của cuộc đời này theo một cách không hoàn hảo...
Tuổi 30 hay quên hơn ngày xưa, định viết tiếp nhưng quên mất rồi :D
P/s: Hai ngày sau khi viết bài này thì nhận được cái clip về tuổi 30 này trên FB, rất nhiều suy nghĩ giống mình. Lưu lại để đọc lúc 40 😆😆😆😆😆
(Source: https://www.youtube.com/watch?v=4t4g_hBXZfo&feature=youtu.be)
Tuổi 20 chỉ phải lo cho bản thân, làm việc theo sở thích, dành nhiều thời gian cho những chuyện tình tang của mình và mấy đứa bạn thân. Tuổi 30 nhiều trách nhiệm hơn, trách nhiệm với gia đình, với bản thân, với công việc. Hai đứa con, giờ là cả một đòi hỏi lớn về thời gian, về sự chăm sóc và cả tiền bạc nữa. Trách nhiệm với bố mẹ hai bên khi các ông bà ngày một già yếu hơn. Trách nhiệm với chồng, với bản thân... Gánh nặng dường như nhiều hơn, lo toan dường như nhiều hơn. Cái hạnh phúc tuổi này cũng khác với ngày xưa nhiều lắm. Nếu ngày xưa, những chuyện tình củm, yêu đương này nọ rất thú vị và hấp dẫn thì giờ nghĩ đến yêu đương lại đâm ngại, những chuyện tình cảm ở tuổi ẩm ương của mấy em đồng nghiệp không còn làm mình hứng thú. Giờ đây, mối quan tâm dành nhiều cho việc chăm sóc con cái, cho con ăn ra sao, dạy con thế nào, con ốm thì phải làm gì...Hàng trăm thứ cần quan tâm, nên những chuyện lãng mạn thủa mới biết yêu tưởng chừng như xa xỉ và hơi thiếu thực tế. Niềm vui bây giờ được tính bằng nụ cười của các con, sự tiến bộ của các con, những tiếng gọi "mẹ ơi" lảnh lót...
Tuổi 20 chỉ nghĩ mình muốn làm gì, công việc nào thì khó/dễ, làm ở đâu lương cao. Tuổi 30 phải cân nhắc nhiều hơn, công việc gì thì thuận tiện đi làm, đưa đón con cái, công việc gì có nhiều thời gian cho gia đình, công việc gì ổn định...Tuổi 30 ít tham lam hơn, ngại nhảy việc hơn và cũng bình tĩnh hơn. Tuổi 30 hiểu mình muốn gì hơn,nhưng lại khó thực hiện hơn.
Tuổi 20 thích đi du lịch, và muốn là có thể xách ba lô lên và đi. Tuổi 30 muốn đi chơi phải tính toán đủ thứ xem đi đâu phù hợp cho sức khỏe của con, đi đâu vừa túi tiền cả gia đình... Tuổi 20 hạnh phúc là của riêng mình, tuổi 30 thấy hạnh phúc của mình nằm trong hạnh phúc của mọi người.
Tuổi 20 mơ mộng, cả tin và nhìn thế giới nhiều màu hồng rực rỡ. Tuổi 30 trầm lắng hơn, thực tế hơn và nhiều màu xám hơn. Niềm tin ít hơn và những quan niệm về giá trị cũng thay đổi. Ngày xưa tin rằng mình sẽ có một gia đình hạnh phúc, sẽ yêu thương nhau đến đầu bạc răng long. Giờ đây hiểu rằng hạnh phúc lứa đôi mong manh như quả cầu pha lê, rất dễ vỡ, có thể đến, có thể đi và khó tồn tại mãi mãi. Ngày xưa nghĩ rằng hai người hợp nhau, yêu nhau ắt sẽ hạnh phúc, giờ thì hiểu rằng hợp nhau, yêu nhau là chưa đủ, hạnh phúc không tự nhiên đến mà cần phải dành thời gian cho nhau và theo thời gian cần phải gìn giữ và làm mới cái tình yêu ấy nữa. Tuổi 30
Tuổi 20 quan niệm tiền là tiền và muốn có nhiều tiền. Tuổi 30 vẫn muốn có nhiều tiền, nhưng sợ hãi bởi nhận ra đồng tiền có ma lực ghê gớm. Tiền bây giờ trở thành thước đo của quá nhiều thứ. Tiền làm méo mó các mối quan hệ, tiền làm đổi trắng thay đen. Tuổi 30 biết sợ tiền, biết sợ những đen tối nó có thể mang đến và tuổi 30 hiểu rằng, tiền không phải là giá trị của cuộc sống. Tuổi 30 nhận rõ ràng rằng, tiền không mang lại hạnh phúc.
Tuổi 20 lọ mọ nghe ngóng trái tim mình xem thế nào là yêu. Tuổi 30 hiểu được tình yêu là gì và cũng hiểu ra Tình yêu không hoàn hảo, không dễ dàng và khó vĩnh cửu như những câu chuyện cổ tích. Thì đấy, ngay cả như đôi tác giả "Ba ngọn nến lung linh" với những ca từ tuyệt mỹ còn có thể li dị thì phải chăng điều gì cũng có thể xảy ra?
Tuổi 20 yêu bản thân mình hơn tất cả, có đôi chút ích kỉ của tuổi trẻ. Tuôi 30 yêu một cách vị tha như cách của một người mẹ, có đôi khi phải học cách cho qua những điều cần cho qua.
Tuổi 20 nghĩ đến trẻ con thì chỉ biết véo má, biết trêu gẹo. Tuổi 30 nghĩ đến trẻ con là nghĩ đến niềm yêu thương vô bờ, những tiếng bi bô, những đêm mất ngủ, và cả những yêu thương mà nó mang lại. Tuổi 20 thấy học kiến thức thật khó, đọc giáo trình và đi nghe giảng thật ngại. Tuổi 30 nhận ra việc khó nhất là làm cha mẹ, và rủi thay, không có trường lớp nào dậy cái này. Ta phải tự học, tự lớn để đồng hành cùng con cái.
Tuổi 20 nghĩ mình lớn rồi, tuổi 30 lại thấy mình còn quá non trẻ, còn rất nhiều thứ phải học,
Tuổi 20 tưởng như chuyện gì cũng có thể chia sẻ được, vài cú điện thoai, vài cốc cà phê là san bớt được nỗi niềm với tụi bạn. Tuổi 30 thì thấy khó khăn hơn, có những điều không biết nói cùng ai, có những cảm xúc chỉ có thời gian giúp giải tỏa, có nhiều khi chỉ có ta với nồng nàn.
Nhớ câu thơ ngày xưa yêu thích "Tuổi 17 còn khờ dại lắm/ Hạnh phúc vẹn nguyên giữa cuộc đời thường". Thực ra, đến 30 tuổi cũng vẫn còn dại khờ thế này và vẫn đang cố gắng gìn giữ cho cái hạnh phúc của cuộc đời này theo một cách không hoàn hảo...
Tuổi 30 hay quên hơn ngày xưa, định viết tiếp nhưng quên mất rồi :D
P/s: Hai ngày sau khi viết bài này thì nhận được cái clip về tuổi 30 này trên FB, rất nhiều suy nghĩ giống mình. Lưu lại để đọc lúc 40 😆😆😆😆😆
Subscribe to:
Posts (Atom)