Wednesday, 1 October 2014

Thơ cho con


Từ dạo được bố con mua cho tập thơ Xuân Quỳnh về, mẹ thích lắm . Những bài thơ được viết nên đầy cảm xúc và rất nữ tính. Có thể nói Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ mà mẹ thích nhất cho đến bây giờ. Những chủ đề trong thơ rất gần gũi, quen thuộc, thơ viết cho chồng, viết cho con, viết cho con riêng của chồng, viết cho các chị em phụ nữ khác. Có lẽ khi đọc thơ Xuân Quỳnh, người phụ nữ nào cũng sẽ tìm thấy cho mình một sự đồng cảm nhất định.

Qua nét thơ, có thể đoán được nhà thơ Xuân Quỳnh là một người rất nữ tính, một người vợ đảm đang, thủy chung và biết thương yêu, lo toan cho chồng, một người mẹ thương con, yêu con và rất hiểu tâm lý trẻ em. Có lẽ vì thế mà Quân Quỳnh có thể viết nên những vần thơ cho con mang đậm sắc màu trẻ thơ và đong đầy yêu thương đến thế....

Chép lại một vài bài thơ cho con của Xuân Quỳnh ở đây tặng Dế của mẹ. Hi vọng sau này con sẽ đọc và cũng sẽ yêu....
-----
Mẹ và con
Tác giả: Xuân Quỳnh
(Viết cho Tuấn Anh)

- Mẹ ơi, bông hoa kia
Là của ai hở mẹ?
Cái màu xanh trên cửa
Kia nữa là của ai?

- Của con đấy con ơi
Đều của con tất cả
Cái màu xanh trên cửa
Cái bông hoa cuối vườn
Ông mặt trời chiều hôm
Tiếng chim kêu buổi sáng
Cái mặt ao lẳng lặng
Có con cá đang bơi
Cái dòng sông trôi trôi
Có con thuyền mới đỗ...
Là của con cả đó
Cả mẹ cũng của con.

Con ôm mẹ con hôn:
- Của con sao nhiều thế?
- ừ của con nhiều quá
Nhưng mẹ lại nhiều hơn
Vì tất cả của con
Mà con là của mẹ.

30-1-1972

----


Con yêu mẹ
Tác giả: Xuân Quỳnh
- Con yêu mẹ bằng ông trời
Rộng lắm không bao giờ hết
- Thế thì làm sao con biết
Là trời ở những đâu đâu
Trời rất rộng lại rất cao
Mẹ mong bao giờ con tới!

- Con yêu mẹ bằng Hà Nội
Để nhớ mẹ con tìm đi
Từ phố này đến phố kia
Là con gặp ngay được mẹ.

- Hà Nội còn là rộng quá
Các đường như nhện giăng tơ
Nào những phố này phố kia
Gặp mẹ làm sao con gặp hết!

- Con yêu mẹ bằng trường học
Suốt ngày con ở đấy thôi
Lúc con học, lúc con chơi
Là con cũng đều có mẹ

- Nhưng tối con về nhà ngủ
Thế là con lại xa trường
Còn mẹ ở lại một mình
Thì mẹ nhớ con lắm đấy
Tình mẹ cứ là hay nhớ
Lúc nào cũng muốn bên con
Giá có cái gì gần hơn
Con yêu mẹ bằng cái đó 

- À mẹ ơi có con dế
Luôn trong bao diêm con đây
Mở ra là con thấy ngay
Con yêu mẹ bằng con dế.

-----
Cắt nghĩa
Tác giả: Xuân Quỳnh 
(Tặng Minh Vũ)

Thằng em thì hay hỏi
Không kể chuyện như anh
(Tuy con, má chẳng sinh
Con vẫn quen gọi má)
- Má ơi ai sinh cá
Ai làm ra cái kem
Đêm sao lại màu đen
Ban ngày sao màu trắng?...
- Ban ngày làm bằng nắng
Màu xanh làm bằng cây
Quả ớt làm bằng cay
Tiếng ồn sinh tàu điện
Gió trong cơn lốc biển
Ghé tai nghe mà xem...
A lại còn cái kem
Thì làm bằng mùa rét
Bông hoa làm bằng tết
Tết làm cho hương thơm
Con làm bằng yêu thương
Của cha và của mẹ
Của bà và của ông
Của má nữa - biết không
Con làm bằng tất cả
----
Con chả biết được đâu
Tác giả: Xuân Quỳnh

(Thơ xuân cho con)
Tặng Quỳnh - Thơ

Mẹ đan tấm áo nhỏ
Bây giờ đang màu xuân
Mẹ thêu vào chiếc khăn
Cái áo và cái lá
Cỏ bờ đê rất lạ
Xanh như là chiêm bao
Kìa bãi ngô, bãi dâu
Thoáng tiếng cười đâu đó.
Mẹ đi trên hè phố
Nghe tiếng con đạp thầm
Mẹ nghĩ đến bàn chân
Và con đường tít tắp
Bỗng như lên tiếng hát
Từ màu mạ dưới đồng
Từ hạt cây trong rừng
Từ cánh buồm trên biển
Thường trong nhiều câu chuyện
Bố vẫn nhắc về con
Bố mới mua chiếc chăn
Dành riêng cho con đắp
áo con bố đã giặt
Thơ con bố viết rồi
Các anh con hỏi hoài:
- Bao giờ sinh em bé?
Cả nhà mong con thế
Con chả biết được đâu
Mẹ ghi lại để sau
Lớn lên rồi con đọc
1-1975

Monday, 29 September 2014

Nhật ký của con: Những ngày Dế ốm (10/09 - 30/09/2014)


Mấy hôm vừa rồi bố trách mẹ không viết nhật ký cho con. Mẹ cũng sực nghĩ ra ừ nhỉ, lâu lắm rồi không viết lách gì. Nếu giờ mẹ không ghi lại những khoảnh khắc của con, sau này mẹ sẽ tiếc lắm.

Những ngày vừa rồi con ốm, con viêm phổi, ho nhiều, hà ít nhiều, ăn ít đi, mệt mỏi hơn và hay nôn trớ hơn. Chuyện đi viên của con có lẽ phải viết riêng 1 bài. Từ bé đến giờ mẹ chẳng bao giờ nằm viện, ấy vậy mà từ khi có con trong bụng đến giờ đã nằm viện cùng con 2 lần.

Từ hôm con được về nhà, cả nhà cũng đỡ vất vả hơn. Ông bà nội không phải đi đi lại lại vào viện thăm con, mang quần áo sạch đến và mang quần áo bẩn về. Bố không phải tất tả từ cơ quan vào bệnh viên rồi lại về nhà, thậm chí có hôm gần 10h tối bố còn chưa ăn cơm, từ sáng chỉ được 1 bát bún vào bụng. Ông bà ngoại không phải cơm nước mang vào cho mẹ và bà Tâm hàng ngày.

Con được về nhà, cả nhà phấn khởi lắm. Dù bác Hương y tá cứ khăng khăng là con phải ở lại bệnh viên tiêm đến tận thứ 2 nhưng bác sĩ Thảo đã bảo là con được về. Bác sĩ dặn mẹ thuốc men để cả nhà cho con về, không phải ở lại bệnh viên, không phải tiêm nhiều, đỡ nguy cơ lây chéo. Mẹ vừa mừng, vừa lo nhưng thật tâm mẹ tin là con có thể về được.

Về đến nhà tuy không phải tiêm nhưng vẫn phải uống kháng sinh, thuốc ho và các loại thuốc hỗ trợ hô hấp, tiêu hóa, đề kháng khác chưa kể khí dung. Mỗi ngày ngủ dậy, mẹ lại loay hoay với bao nhiêu thứ thuốc men của con vừa hi vọng, vừa thương con. Con trai mẹ không thích uống thuốc. Mẹ cứ đưa thìa thuốc vào miệng là con quay đi luôn. Con thấy vị nó không ngon là sẽ không uống đâu. Mẹ và bà chẳng còn cách nào khác đành phải bế ngang con, đè ngửa ra cho thuốc vào miệng, lúc đầu là bằng xilanh, sau là bằng thìa. Con giẫy dụa, con đạp chân, con rướn người, con khóc, con gào, mặt con đỏ lựng lên. Mẹ cứng tay đè con ra mà thương con quá. Sao con bé vậy mà phải uống biết bao nhiêu thuốc vào người. Nhiều lúc đến giờ uống thuốc, thấy con đang ngồi chơi ngoan, cười tíu tít, mẹ lại xót xa, bây giờ lại đè con ra uống thuốc, lại khóc biết bao nhiêu đây. Thương lắm con trai à.

Có những đợt con phải uống nhiều thuốc, cứ một lát lại phải đè con ra uống thuốc. Mẹ nhớ nhất đợt đầu cho con uống Zinnat, thuốc bột hòa vào nước dù có mùi thơm nhưng vị rất đắng. Mẹ xúc thìa đầu tiên con đã khóc òa lên và giẫy mạnh. Con ghét Zinnat lắm, ghét đến độ mấy hôm đó con "ghét" lây cả mẹ, nhìn thấy mẹ là quay đi không theo. Giờ con thành thói quen, cứ bế ngửa ra là khóc vì biết là phải uống thuốc, thành ra bây giờ cho con ăn sữa cũng không bế nằm được nữa, phải đưa bình sữa vào miệng khi con ngồi, khi con biết chắc là uống sữa chứ không phải uống thuốc thì mới bế ngả con ra từ từ. Cũng may là gần đây con cũng đã đỡ "ghét" mẹ hơn, nên dù bị đè ra uống thuốc xong con vẫn để cho mẹ bế.

Mẹ có cảm giác nhận thức của con ngày càng phát triển hơn. Hồi đầu cho con uống thuốc, con đang cười toét miệng mẹ đổ thuốc vào mới khóc. Sau đó, con tiến bộ hơn, thấy bế ngửa ra là biết uống thuốc nên đã khóc dù chưa uống giọt thuốc nào. Đến giờ con tinh hơn nữa, thấy mẹ cầm thìa đưa gần vào miệng, hoặc thấy mẹ đột nhiên nhìn con cười "gian gian" là con đã mếu rồi.

Có một điều động viên mẹ là lúc uống thuốc con khóc và giẫy dụa thế, nhưng sau khi uống xong, lau mặt và cho con đứng dậy, bố/ông/bà bế con, con lại cười, lại líu lo "ê ê". Con không khóc dai, không hờn dỗn, đấy là điều mà mẹ phấn khởi. Mỗi lần bắt con uống thuốc, mẹ xót ruột lắm, mà chắc chắn là cả bố và ông bà đều thấy vậy. Nhìn con dùng mọi cách để không phải uống thuốc, quay nghiên đầu, đạp chân, ngậm miệng, phun phì phì...mà thương con quá. Hi vọng những cảm giác khó chịu ấy sẽ không tồn tại lâu.

Cứ sau mỗi đợt uống gần hết thuốc, mẹ lại khấp khởi hi vọng, hi vọng rằng chỉ phải uống nốt lần ngày thôi, hết ngày hôm nay thôi là con không phải uống thuốc nữa, con sẽ khỏi, bác sĩ sẽ bảo là con bình thường rồi. Nhưng hết lần này đến lần khác, cứ mỗi lần đi khám là lại 1 đơn thuốc với đủ loại. Đợt vừa rồi con đã phải tiêm và uống 4 loại kháng sinh khác nhau, đều là kháng sinh mạnh cả, đấy là mẹ đã làm trái ý bác sĩ 2 lần bỏ kháng sinh của con vì nghĩ rằng không cần thiết. Con bé bỏng như vậy mà sao uống nhiều thuốc quá Dế ơi. Đến bây giờ, dù đã dừng kháng sinh nhưng con vẫn chưa hết ho, vẫn nôn trớ và có nguy cơ bị hen phế quản. Mẹ vẫn tiếp tục cho con uống thuốc và khí dung, hi vọng con sẽ khỏi. Bác sĩ nói là nếu con bị viêm phế quản co thắt thêm 1 lần nữa trong vòng 6 tháng thì nghĩa con bị hen, và sẽ phải điều trị theo hướng hen phê quản. Khả năng này rất cao vì mẹ có cơ địa dị ứng. Mẹ không muốn con bị hen, mẹ không muốn nhìn con khổ sở với những cơn ho, những cơn co thắt khó thở đâu, con đáng yêu vậy kia mà.

Những ngày này con đã khá hơn (trộm vía!). Con cười đùa, con chuyện trò ê a. Từ hồi 7 tháng con đã bắt đầu nói chuyện với cả nhà bằng những từ "ê ê" rất dễ thương. Mỗi lần mẹ hoặc ai đó trong nhà nói "ê ê", là con lại chuyện theo và "ê ê" lại. Mẹ thay đổi sắc độ, thỉnh thoảng "ề ê", con cũng "ề ê" theo. Thậm chí có lần mẹ nói 1 tràng dài "ê ề ê ề", con cũng lặp lại như vậy. Vậy là con yêu đã bắt đầu có cảm nhận về thanh bằng và thanh trắc rồi đấy.

Khoảng hơn 1 tuần nay, con đã bắt đầu phát âm được từ "pà". Bố mẹ hay dậy con nói "a...bà" và "e....mẹ" và con đã bắt đầu bằng âm "pà pà". Vì con chưa đưa được âm vào cổ mà chỉ bật ra từ môi nên âm "bà" trở thành "pà", yêu quá là yêu. Bố mẹ lại dậy con "bà ơi", "bà ơi bà", thế là con cũng líu lo theo "pà ơ" "pà pà", thỉnh thoảng lẫn trong tiếng "pà" là tiếng "bà" mà mẹ mong đợi.

Con trai thích nói lắm, đang nằm chơi mà ai đó nói chuyện với con là con bắt chuyện ngay, con "ê ê" hoặc "pà pà" và giờ đã có ngữ điệu rồi nhé. Khi bố hay mẹ dậy con tập nói, con nhìn miệng bố mẹ rất chăm chú. Chắc là con đang tập trung để bắt chước đây. Nhìn con bi bô những âm đầu tiên mẹ yêu quá Dế ạ.

Khoảng 1 tháng trở lại đây con còn thích thú khi nghe người lớn giả tiếng động vật nữa. Bố mẹ mua cho con 1 quyển sách ảnh hình các con vật. Mẹ giở hình con mèo và nói "meo meo", con chó "gâu gâu", con chuột "chít chít", con vịt "quạc quạc", con gà trống "ò ó o", con gà con "chiếp chiếp", con nhìn theo rất thích thú và cười tít mắt. Con thích nhất là ảnh con mèo, mỗi lần bố cầm quyển sách, giở trang con mèo đưa ra trước mặt con là con cười toét miệng. Khi giở đến những con vật khác thì con chăm chú nhìn và khi bố mẹ giả tiếng các loài vật thì con lại cười thích chí. Con thích tiếng "meo meo", "chít chít", "chiếp chiếp' thế nên mẹ hay dỗ con bằng cách kể cho con nghe truyện Con chuột-con mèo-con chó và con sư tử - câu chuyện mẹ tự nghĩ ra. Sau đây là một phiên bản của câu chuyện

Có một con chuột chui vào nhà và thấy chĩnh gạo, chuột sướng quá kêu "chít chít, chít chít". Bỗng đâu con mèo xuất hiện và quát "Meo meo, ai cho ngươi lấy gạo của nhà ta". Chuột sợ quá kêu "chít chít" giọng run rẩy và chạy mất. Lúc đó mèo sướng quá cười khà khà và kêu "meo meo" rất hãnh diện. Chó nghe thấy ồn ào chạy vào, trừng mắt với mèo "gâu gâu, sao nửa đêm người còn cứ meo meo thế hả". Mèo sợ quá xanh lét mặt kêu "meo meo" và chạy về ổ. Chó thích chí "gâu gâu" đúng lúc sư tử đi qua. Sư tử gầm lên " gru gru nhà người trêu gì ta thế hả". Chó vội vàng giải thích "gâu gâu em có nói gì bác đâu ạ" rồi cúp đuôi về chuồng. Sư tử lại gầm lên "gru" sung sướng thể hiện sức mạnh của mình "ở đây ta là nhất". Bỗng đâu một chút chuột đi ngang quá cắn đuôi sư tử. Sư tử giật thót mình, sợ quá bỏ chạy. Vậy là lũ chuột lại nhao nhao nhẩy vào chĩnh gạo. Và rồi mèo lại xuất hiên.....

Đấy, câu chuyện của mẹ chỉ có thế thôi, cứ meo meo, gâu gâu lại gừ gừ, ấy thế mà con trai cứ tròn xoe mắt lắng nghe, yêu lắm. Hôm qua 25/09, trong lúc "bày trò" cho con ngồi yên khí dung, bố và con đã cùng khám phá một trò chơi mới. Khi bố cúi gần xuống mặt con, con đưa tay lên nắm tóc bố, bố kêu "meo meo". Con thích quá cười tít rồi lại đưa tay lên nắm tóc bố. Bố kêu "gâu gâu", con lại cười khoái chí rồi lại đưa tay lên sờ tóc bố. Mỗi lần như vậy, bố giả tiếng một con vật khác nhau và con rất thích thú. Bố bảo "vậy là con trai đã biết chơi trò chơi rồi đấy" Nhìn hai bố con chơi mới yêu làm sao. Mà nói đến chuyện này mẹ mới kể, là con trai thích bố lắm nhé, thích bố hơn cả mẹ làm mẹ "ghen" lắm. Bố mẹ chuẩn bị đi làm, đang dứng nói chuyện với bà nội con. Thấy bố con quay đi ra cửa là con "ê ê" với theo đòi bố mặt mếu máo. Đến lúc mẹ đi làm, chào con đàng hoàng thì con chẳng buồn "níu kéo". Lúc bố mẹ về cũng thế. Con nhìn tháy mẹ, cười tươi lắm, miệng rất xinh nhưng thấy bố là hét tướng lên "á á" và chân tay khua rối rít điệu bộ mừng rỡ vô cùng. Ôi mẹ nhìn mà phát thèm. Không chỉ lúc bố đi làm về, mà bất cứ khi đang làm gì bỗng con nhìn thấy bố là con cười thành tiếng, rất giòn và rất tươi trong khi với những người khác con chỉ cười thôi, không hét hò. Con biết theo rồi, nhoài người ra giang hai tay để bố bế. Bố nâng con lên, chuyện trò khiến con cười khanh khách. Giá như có cái camera để quay lại tất cả quãng thời gian ấy nhỉ, hai người đàn ông của mẹ chơi với nhau, mẹ yêu vô cùng ấy. Chỉ có lúc đi ngủ, khi con nhắm mắt gục đầu trên vai mẹ, và bắt đầu chìm vào giấc ngủ là con đòi mẹ chứ không đòi bố thôi. Lúc đó chắc con không nhận mặt nữa mà nhận mùi, quen mùi của mẹ hay ru con ngủ khi đêm xuống. Ông bà vẫn hay bảo là buổi tối các em bé hay đòi mẹ đấy. Em Pô và em Pi có đợt ở nhà mình, tầm 7-8h tối mà bố mẹ các em chưa đón là các em cứ đòi. Pô thì cư đòi xuống cầu thang về nhà còn Pi lúc trước chơi rõ ngoan nhưng lúc sau cứ ậm ạch nhớ mẹ. Trẻ con mà vắng bố mẹ thì thương lắm. Bố mẹ đi làm cũng nhớ con trai lắm Dế ạ. Màn hình máy tính ở CQ của mẹ là ảnh con, cứ 30 phút lại đổi sang ảnh khác, thế là cứ nhìn màn hình máy tính mẹ lại thấy con trai, lúc thì đang cười, lúc thì đang mút tay, lúc lại đang trầm ngâm suy tư gì đó. Còn bố thì để hình nền điện thoại là hình con, rồi bố nhắn cho mẹ thế này này "Anh nhớ bạn Dế quá yêu ạ". Chắc con cũng nhớ bố mẹ hay sao ấy, vì thấy bố mẹ về là con phấn khích và vui vẻ lắm mà.

Từ hồi 6 tháng con đã bắt đầu biết lạ và biết quen rồi. Trước đây ai bế con cũng được nhưng bây giờ ai bế con là thỉnh thoảng con ngẩng mặt lên nhìn, nếu thấy là người quen thì con cười, hoặc yên tâm cho bế, nếu thấy mặt lạ thì con cứ nhìn mãi, nhìn rất lâu sau đó khóc òa. Có lần cô Minh đang chơi với con, con đang cười tít mắt bỗng dừng lại nhìn cô rồi òa khóc. Hay như bà Tâm cũng vậy, hồi bà mới đến nhà mình, bà bế con cho cả nhà ăn cơm, con đang vui vẻ bỗng nhiên nhìn bà rồi khóc. Cũng phải mất một thời gian con mới quen và không khóc khi bà Tâm bế nữa. Hôm cậu Linh và dì Nhím đến chơi với con, con để yên cho dì Nhím bế. Đến lúc cậu Linh giơ tay ra để bế con, con cứ nhìn cậu chằm chằm, nhìn rất lâu và rồi...quay đi. Dì Nhím cứ buồn cười mãi. Hôm trước chú Kiên cô Hằng đến chơi, chú Kiên bế con và làm đủ các biểu cảm khuôn mặt. Con cứ nhìn chú chăm chăm, vừa lạ lẫm trước cái nhíu mày của chú, vừa tò mò rồi con bắt đầu nhăn mặt muốn khóc.

Những ngày này khi con ngồi tương đối vững rồi thì sở thích của con lại không phải là ngồi nữa, con đã bắt đầu muốn vịn để đứng lên. Có lúc thì con vịn lên chân bố, chân mẹ để đứng lên, có lúc thì con vịn tay bà để đứng lên. Khi đứng được rồi thì con thích thú lắm. Có lần khi đang ngồi trên giường, con cố gắng vịn vào cái gối để đứng dậy và thế là cái gối trượt đi, con nằm xoài ra giường, cong cái mông xinh lên, đến là buồn cười. Ai cũng bảo là sau này con sẽ nghịch lắm, vì cứ luôn tay luôn chân, chả lúc nào ngồi yên cả. Bố bế con thì con co cả 2 chân leo từ bụng bố lên ngực bố. Ông bà bế con thì con hết nhìn trước con lại ngó sau, lúc quay trái, lúc quay phải rõ là nhanh. Hồi con 3 tháng, mẹ đưa con ra ngoài hiên tắm nắng, chỉ cho con cái cây và hát bài "Cái cây xanh xanh" cho con nghe và đưa tay con chạm vào cái lá, con còn rụt rè lắm. Ấy thế mà bây giờ cứ ra ngoài hiên, đến gần cái cây thôi là loáng một cái con vặt ngay một nắm lá. Nhiều lúc con vặt lá nhanh đến độ mẹ không kịp giữ tay lại, lúc vào nhà cậy nắm tay của con đã thấy ra bao nhiêu là lá cây rồi. Mẹ bế con đứng trên giường, chân con nhún nhún, nhẩy nhẩy rồi nhìn thấy cái gì đó hấp dẫn là con lao ngay về phía đồ vật đó, chẳng cần biết là sẽ bị ngã hay thế nào thành ra nhiều lúc đầu con chúi xuống giường, mông thì chổng lên trông thật là ngộ nghĩnh.

Mẹ chẳng hiểu vì sao mà con với em Pi em Pô đều thích đồ công nghệ lắm. Em Pô thì nghiện ipad và hầu như cứ phải mở ipad mới chịu ăn cháo. Mà cứ có ipad vào thì quên cả xung quanh, cứ ABC với ABC thôi, chẳng thiết tha gì khác nữa. Con cũng vậy. Từ hồi còn bé xíu, con đã tròn xoe mắt nhìn TV rồi thành ra mẹ không dám xem TV nhiều. Có hôm bố bật TV, mẹ bế con, thấy con cứ nhìn theo TV mẹ xoay con sang hướng khác, con lại xoay đầu về phía TV, mẹ lại đổi hướng, con lại xoay đầu, cứ liên tục như thế làm bố mẹ buồn cười quá. Con nhìn thấy điện thoại hay ipad cũng vậy, cứ sáng mắt lên đòi thôi. Nhiều lúc con nhìn điện thoại của mẹ chăm chú lắm, thấy vậy mẹ tắt đi cất sang bên cạnh là con với theo đòi. Thật lạ là không hiểu sao những đồ công nghệ ấy lại hấp dẫn trẻ em đến vậy trong khi con có bao nhiêu là đồ chơi xung quanh....


Tuesday, 12 August 2014

Ngày của con - 12/02/2014


Dế thân yêu của mẹ,

Sau nhiều ngày lóng ngóng học cách làm mẹ, mẹ đã bắt đầu quen dần với việc có con trong cuộc sống của bố mẹ, một trang mới của cuộc đời bố mẹ. Việc làm mẹ là bản năng của con người, nhưng cũng có rất nhiều điều phải học, cần học để có thể làm tốt được. Mẹ sẽ dần dần kể cho con nghe những trải nghiệm của mẹ. Nhưng trước hết, hãy bắt đầu từ ngày con chào đời - ngày của con - bước ngoặt của cả gia đình.

Sau khi mẹ đi viện về, mẹ dành nhiều thời gian nằm nghỉ ngơi, xem phim hài và thi thoảng đi lại quanh nhà. Cuộc sống thú vị hơn những ngày nằm ở viện vì mẹ có giường riêng nằm thoải mái, có bố nằm ôm mẹ, có ông bà chăm sóc, có TV và sách báo để đọc thoải mái, có không gian để thư giãn.

Tối hôm đó là 11/02, sau khi ăn xong và tắm xong, mẹ cảm thấy thật thoải mái và chui vào gối chữ U để nằm xem TV. Khoảng 10h30 mẹ bắt đầu thấy lâm râm đau bụng. Có lẽ là bị đi ngoài chăng. Mẹ chui vào nhà vệ sinh nhưng bụng vẫn không cảm thấy đỡ. Rút kinh nghiệm lần trước "báo động nhầm", lần này mẹ ngoan ngoãn nằm im nghe ngóng xem việc đau bụng có đỡ không. 11h, tình hình có vẻ không khá hơn, bụng vẫn đau và bắt đầu đau thành cơn, tức là những cơn đau xen giữa những khoảng không đau. Bố con lấy điện thoại ra bấm giờ cho mẹ, có vẻ cứ khoảng vài phút lại có cơn đau một lần. Mẹ quyết định là đi gội đầu để vào viện, lòng vẫn hoài nghi vì không lẽ con lại đòi ra sớm thế chăng.

11h20, chuẩn bị xong xuôi quần áo và đồ đạc, bố gọi taxi và gọi ông bà nội dậy. Ông bà đang ngủ rất say, gọi mấy lượt mới dậy. Lúc nghe bảo mẹ đau bụng, ông bà khá lo lắng và sốt sắng, cứ dặn đi dặn lại là phải cẩn thận, rồi vào viện khám thế nào báo lại về nhà.

11h30, bố mẹ lên taxi vào viện và 12h vào đến nơi. Trên taxi, bố cứ thao thao kể chuyện rồi chọc cười mẹ nhưng nhiều lúc đau quá mẹ chẳng cười được. Cơn đau rõ ràng hơn và nhiều lên so với trước. Lúc không đau cảm giác rất dễ chịu, nhưng lúc đau thì thấy tức bụng vô cùng. Có lẽ là cơn co chuyển dạ thật rồi chăng? Anh taxi biết ý lái xe rất cẩn thận.


12h vào viện, phòng Trực cấp cứu. Các y tá kiểm tra và bảo mở 3 phân rồi. Mẹ phải thay đồ nhập viện. Bố gọi cho bà Thanh, hỏi thông tin và cách thức. Bà Thanh hướng dẫn và nhờ giúp các y tá quan tâm đến mẹ. Bố đặt đẻ ở D3 - Khoa đẻ dịch vụ. Mẹ bắt đầu ra máu và bụng ngày càng đau hơn. Ngồi trông đồ và chờ bố về mà mẹ cứ nhấp nhổm. Mẹ ôm bụng đi qua đi lại, hết đứng lại ngồi, mong bố con đi đóng tiền nhanh nhanh về với mẹ. Cùng lúc với mẹ có thêm 1 vài sản phụ khác đi taxi vào chuẩn bị sinh, cũng lỉnh kỉnh đồ đạc, mặt ai nấy đều có vẻ đau, chắc đều sắp sinh cả rồi.

Bố quay lại nhưng vẫn chưa đóng được viên phí vì không đủ tiền. Bố mang theo 6T nhưng bênh viện yêu cầu thu 11T. May quá mẹ nghĩ ra là dùng thẻ ATM rút tiền. Mẹ lại ngồi chờ thêm 1 lúc để bố đi rút tiền và đóng viện phí. Cơn đau ngày một tăng và cảm giác khó chịu vô cùng khi máu bắt đầu chảy ra nhiều và ướt váy. Cuối cùng bố cũng xong thủ tục và đưa giấy tờ của mẹ vào phòng cấp cứu để họ chuyển mẹ lên D3. Cô y tá hỏi mẹ có cần đi xe đẩy không nhưng mẹ lắc đầu, mẹ nghĩ chắc đi bộ tuy đau nhưng sẽ dễ đẻ hơn.

Lên đến D3, bố xách đồ còn mẹ người không vào khu chờ sinh. Ở đây, y tá khám lại và bảo mở 3-4 phân rồi. Sau đó, các y tá cho mẹ nằm lên giường và lắp máy đo tim thai và đo cơn gò. Cái máy này hồi nằm ở A4 mẹ được đo hàng ngày nên chẳng còn lạ gì. Những lần trước mẹ đo trong tâm trạng thoải mái, còn vừa nằm đo vừa hóng hớt xem các bác sĩ y tá làm gì, lần này mẹ vừa nằm đo vừa co rúm người vì đau. Cơn đau tăng dần, mẹ quay trái quay phải và hỏi y tá xem liệu có được ngồi dậy không, vì mẹ thấy có một sản phụ bên cạnh cũng đang đo và được ngồi. Chị y tá bảo mẹ là không nên ngồi, tuy nhiên có thể nằm nghiêng. Lúc này mẹ nằm nghiêng sang phải, mới để ý là trong phòng ngoài mẹ ra còn 2 sản phụ nữa cũng đang được đo máy và cũng đầy vẻ đau đớn giống mẹ. Một chị ở xa xa còn đang nhăn nhó và rên rỉ vì đau qúa. Mẹ cũng đau nhưng quyết không kêu la vì mẹ nhớ lời dặn là hạn chế rên rỉ, để dành sức để lát còn đẻ, nếu kêu rên nhiều sẽ mệt và mất sức lắm. Mẹ nằm quay sang trái, rồi quay sang phải, bụng cứ quặn từng cơn, khó chịu vô cùng. Chị y tá áo trắng trực trông sản phụ thì đang mải nhắn tin trên điện thoại. Chị y tá áo xanh có vẻ tận tâm hơn, hỏi tên mẹ để làm hồ sơ. Lúc đó, chị sản phụ ở xa xa gọi mẹ " Có phải em Thu vợ anh Bình không" Mẹ ngỡ ngàng quay lại, chưa kịp nhận ra ai, chị ấy lại tiếp "Chị Thủy cùng cơ quan với anh Bình đây". Mẹ ngớ người ra, không ngờ lại gặp bác Thủy ở đây, vì mẹ nhớ bác Thủy còn kém mẹ 1 tuần mới dự sinh. Mẹ và bác Thủy hỏi thăm nhau một lúc, bác ấy vào viện từ lúc chập tối, mới được ngoài 36 tuần nhưng đã đau bụng nên đành vào đây đẻ. Bác ấy có vẻ đau nên kêu rên nhiều. Thật là có duyên với nhau, không ngờ là vào đến đây mà vẫn gặp người quen. Bác Thủy trước làm cùng phòng với bố. Có lần mẹ con mình đi ăn với phòng cũ, chia tay bố, bác Thủy và bác Yến còn ngồi cạnh hỏi thăm mình, con có nhớ không?

Thấy chị sản phụ ngồi cạnh mẹ uống nước, mẹ cũng thấy khát nên gọi bố mua cho mẹ chai nước. Trước đó mẹ đã bảo bố đi mua bỉm cho mẹ. Bố con cũng thật vất vả.

Cơn đau cứ tăng dần lên khiến mẹ cứ ngó ngoáy không yên. Mẹ bắt đầu thấy lạnh trong khi lúc mới vào thì rất nóng, nên gọi chị y tá cho xin chăn đắp. Mẹ chui rúc vào trong chăn, cảm giác ấm áp dễ chịu hơn một chút nhưng sao vẫn đau thế. Haizz, mong sao cơn đau này mau hết. Bác Thủy mời mẹ ăn bánh, nhưng mẹ cảm ơn và từ chối. Bác Thủy bảo ăn đi cho có sức nhưng mẹ không đói. Mẹ lấy nước bố con mua ra uống. Bố con mua cho mẹ chai nước 1l to đùng :D

Nằm được một lát thì máy của mẹ báo đã chạy xong, các y tá vào xem kết quả và mẹ hỏi xin tháo máy đo ra một lát để đi vệ sinh. Mẹ lọ mọ ra ngoài lấy dép và đi ra tìm bố. Bố con đang nằm phòng bên cạnh, chắc là không ngủ vì mẹ khẽ gọi "anh ơi" là bố dậy. Bố dìu mẹ ra chỗ đi vệ sinh ở phía đối diện của khu chờ sinh. Máu ra cũng ướt bỉm và bụng thì ngày một đau hơn. Sau đó bố lại dìu mẹ về phòng chờ sinh. Y tá bảo mẹ không phải đo tim thai nữa. Mẹ hơi lo lo, nhỡ trong lúc không đo, con ở trong đó có vấn đề gì thì sao nhỉ?

Bác Thủy đau và kêu nhiều, các y tá chuyển vào khám và đưa sang khu Đẻ. Sau đó có thêm 1,2 sản phụ nữa cũng vào nằm trong phòng. Mẹ không phải lắp máy đo nữa nên có thể đứng ngồi, nằm, quỳ, thậm chí có lúc mẹ úp mặt xuống giường và chổng mông lên, chỉ mong sao cảm giác đễ chịu đi một chút. Mẹ ít kêu nên mọi người hỏi là "em không đau à", mẹ trả lời là có đau nhưng em không muốn kêu.

Cơn đau ngày càng nhiều và vượt quá sự kiểm soát của mẹ, mẹ cũng bắt đầu xuýt xoa. Mẹ thấy cơn co dồn dập hơn và cảm giác muốn rặn lắm rồi. Mẹ chờ chị  y tá áo xanh vào và gọi "chị ơi em muốn đẻ". Chị  y tá hỏi mẹ là lúc mới vào mở mấy phân, mẹ bảo là "4 ạ";vậy là họ lại chuyển mẹ sang phòng khám khám lại. Kết quả là mẹ mở 7-8 phân rồi, y tá bảo nhau  cho sang phòng đẻ. Mẹ phấn khởi lắm, vậy là được đi đẻ rồi, chắc sắp hết đau rồi đây. Chị y tá dặn "em bỏ hết đồ đạc cho người nhà giữ, đi người không thôi, cầm theo chai nước cũng được". Mẹ lấy áo và các thứ lỉnh kỉnh mò ra ngoài đưa bố cầm. Lúc này không chỉ có bố mà cả ông bà nội và ông ngoại đã ở đó. Mẹ gọi bố mẹ ơi, thế là cả 3 ông bà chạy ra. Mẹ đưa áo len và khăn cho ông ngoại, nói ngắn gọn là "con mở 7-8 phân rồi, bây giờ vào phòng đẻ".

Mẹ vào phòng đẻ, trong đó chia làm nhiều phòng nhỏ, chị  y tá chỉ cho mẹ đến phòng đẻ B  thì phải. Không quan trọng, miễn là được đẻ. Chị ấy chỉ cho mẹ 1 cái giường, mẹ đi tới thì thấy bác Thủy đang nằm giường bên cạnh, có vẻ rất đau đớn và vẫn chưa được đẻ. Mẹ ôm bụng trèo lên giường. Nằm trên này lại còn đau hơn nằm ở phòng chờ vì giường này bé, không lăn lộn được. Mẹ trèo lên nằm, chờ đợi bác sĩ cho đẻ nhưng chẳng thấy động tĩnh gì, mà đau bụng quá rồi, mẹ cứ ôm bụng lăn sang trái rồi sang phải. Chị y tá hốt hoảng chạy lại mắng mẹ "em nằm im đừng có lăn là ngã đấy" nhưng lúc đó đau quá rồi, mẹ chỉ muốn quay người cho dễ chịu, chứ làm sao nằm im được cơ chứ. Lăn lộn không được, mẹ lọ mọ định trèo xuống khỏi giường đi lại, chị y tá lại giữ mẹ lại, yêu cầu nằm lên giường. Mẹ kêu rên, em đau lắm, chị cho em đẻ. Các y tá khám lại cho mẹ, bảo là mở gần hết rồi và hỏi mẹ đăng ký bác sĩ nào đỡ "Bác sỹ Thủy A ạ". Bác sĩ này là bác sĩ trực ca hôm nay, bà Thanh đã tư vấn cho bố là cứ chọn bác sĩ trực, bác nào cũng được cả. Bác sĩ Thủy A này thì mẹ biết, bác ấy là trưởng khoa A4 mà mẹ con mình nằm dưỡng thai đợt trước. Mẹ nghe kể là bác ấy mổ tốt lắm, và nhiều ca khó mọi người còn chủ động xin để được bác ấy mổ. Thế nên mẹ nghe bảo đăng ký bác Thủy A đỡ là mẹ  yên tâm. Các y tá bảo nhau "gọi cho bác Thủy A lên đỡ đẻ, sản phụ mở hết rồi". Số điện thoại không liên lạc được. Ôi trời ơi, sao cái lúc này lại không liên lạc được. "Thế còn bác sĩ nào không" "Có bác Sơn". Người ta lại hỏi mẹ "không liên lạc được với bác Thủy A, bác Sơn đỡ đẻ nhé" "Vâng ạ, bác nào cũng được ạ" Mẹ đau quá rồi, chẳng quan trọng bác nào, cứ miên là có bác sĩ cho mẹ đẻ là được.

Vậy mà cũng chẳng thấy bác sĩ Sơn đâu, chỉ có 3 chị hộ lý hướng dẫn mẹ cách để chân, để tay. Các chị y tá vừa động viên mẹ, vừa chỉ cho mẹ cách hít thở sao cho đúng cách. Khi cơn co ngừng, thì hít thở bình thường để lấy sức, khi cơn co mạnh lên thì hít vào bằng mũi, thở ra bằng mồm và dồn sức để rặn con ra. Nghe thì đơn giản vậy mà mẹ làm mãi vẫn không được. Lúc này bố đã vào bên cạnh bàn đẻ để động viên mẹ. Bố nắm tay mẹ, mỗi lần mẹ rặn mà sai cách thì bố lại nhắc "Em đạp chân nhé, đừng co người" "Em đừng cong người nhé"... Tay thì phải kéo chặt tay cầm, còn chân thì đạp mạnh vào cái bàn đạp. Mọi thứ không hề đơn giản và cơn đau thì ngày càng dồn dập, mẹ chỉ mong sao con chui ra thật nhanh.

Trong suốt quá trình sinh, các chị y tá liên tục nghe tim thai để đảm bảo em bé vẫn ổn. Chị y tá chính, với giọng nói rất dễ chịu, mẹ còn nhớ như vậy, nói rằng "Đầu em bé đang thập thò rồi, có chỏm tóc rồi em này, em cố lên, rặn mạnh lên cho con ra, đừng để con thập thò thế". Nghe vậy mẹ lên tinh thần, cố gắng rặn mạnh hơn nhưng hơi cứ càng rặn hơi càng bốc lên đầu còn con thì vẫn thập thò không ra được. Chị y tá bảo mẹ "sao rặn kém quá" và còn dọa "Em phải cố lên, em có nghe thấy tim em bé đập nhanh không, nếu cứ thế này thì nguy hiểm". Mẹ sợ lắm, chỉ sợ 9 tháng 10 ngày giữ gìn, đến lúc sinh con lại có mệnh hệ nào thì mẹ không thể chịu được. Phải cố lên cố lên. Bố cũng động viên mẹ "Con sắp ra rồi em ạ, anh nhìn thấy tóc con rồi, đầu con kia rồi". Mẹ càng sốt ruột và càng cố rặn nhưng dường như con vẫn chưa ra được. Cứ như vậy một lúc, chốc chốc cơn đau dừng mẹ lại nghỉ để lấy hơi. Rồi lại rặn. Các chị y tá vẫn liên tục đo tim thai. Bố vẫn ở bên động viên mẹ.

Một trong ba chị y tá, không phải chị y tá chính dùng cả cánh tay đu người lên miết bụng mẹ. Mẹ cảm giác con đang chui ra, từng chút từng chút một. Sau 2,3 lần như vậy thì mẹ thấy bụng mình nhẹ bẫng, không còn đau nữa. Mẹ ngước nhìn. Con bé xíu nằm trên tay cô y ta, tím ngắt, có lẽ vì thiếu oxy chăng, mẹ lo quá vì con không đỏ hỏn như mọi người bảo và như mẹ tưởng tượng. Cô y tá đưa con đi tắm và làm thế nào đó để con khóc. Tiếng khóc không vang và hoành tráng như mẹ nghĩ, tiếng con khóc nhỏ, nghe rụt rè và bé bỏng làm sao. Mẹ thương lắm. Mẹ nhìn đồng hồ. 3h37ph sáng, thời gian như ngừng lại ở giây phút này, mẹ cảm thấy mình vừa vượt qua một điều gì đó thật vĩ đại và tuyệt vời. Mẹ hạnh phúc quá mà không biết rằng giây phút ấy bố cũng đang rớt nước mắt. Bố nắm tay mẹ, bố bảo mẹ là "Con ra rồi em ạ, em giỏi quá". Một lát bố lại bảo "Đúng là con trai em ạ, anh nhìn thấy tờ-rim bạn ấy rồi" Ôi bố con thật là... Mẹ không nhịn được cười.

Sau đó các bác sỹ đưa con đi tắm và làm các thủ tục khám cho trẻ sơ sinh (mẹ nghĩ vậy), còn bác sỹ Thủy thì khâu cho mẹ. Bác sỹ vét nốt rau ra khỏi tử cung và bắt đầu khâu. Ngày trước mẹ cứ sợ cảm giác bị khâu nhưng đúng như mọi người nói, đau đẻ xong rồi thì khâu chẳng đáng kể gì nữa. Thời gian khâu lâu thật là lâu, mẹ nghĩ nó sẽ nhanh thôi, vậy mà thấy bác sỹ cứ miệt mài khâu mãi không thôi. Bác sỹ bảo để bác khâu cẩn thận cho nhé. Rồi mẹ cũng tâm sự với bác sỹ là ngày xưa mẹ nằm ở A4, đã nghe tiếng bác sỹ Thủy A là giỏi lắm....

Tầm 20-30 phút sau bác sỹ khâu xong và y tá chuyển mẹ sang xe đẩy ra ngoài. Bác Thủy vẫn đang kêu đau mà chưa được đẻ. Lúc này, mẹ phải tự trèo lên xe đẩy, vì các cô y tá không cho bố con bế sang, các cô y tá bảo như thế còn đau và nguy hiểm hơn. Xe đẩy ra ngoài có ông bà nội và ông ngoại con đứng đó cười với mẹ. Rồi mẹ về phòng sau sinh và nằm ngủ... Đó là một giấc ngủ thật ngon lành và nhẹ nhàng với ý nghĩ "con yêu ổn rồi"

Mẹ yêu con

Friday, 11 April 2014

Bầu trời trong quả trứng


Vậy là chỉ vài tiếng nữa, 3h35' sáng mai là con trai mẹ trở thành thanh niên 2 tháng tuổi. Hai tháng vừa qua, có bao nhiêu là sự kiện đã xảy ra, vui có, buồn có nhiều bài học, nhiều cảm xúc và cả nhiều khoảnh khắc tuyệt vời chứng kiến con trai mẹ lớn lên từng giờ, từng ngày.

Cách đây vài hôm, mẹ nhớ chợt nhớ đến bài thơ "Bầu trời trong quả trứng" mà mẹ đã từng đọc và rất thích. Giờ đây, khi đọc bài thơ này cho con nghe, mẹ lại càng nhiều cảm xúc hơn. Mẹ thấy con trai bé bỏng của mẹ giống như chú gà con non nớt ấy, chui ra từ quả trứng, nhìn thấy bầu trời xanh, nhìn thấy vô vàn điều khác lạ, vừa vui vừa lo sợ. Cuộc sống của con cũng thay đổi đáng kể từ ngày con rời khỏi bụng mẹ và chào đời. Con biết khóc, biết cười, biết tè, biết ị, biết bú (bình) ^^ và còn biết tròn xoe mắt nhìn mọi người nữa. Mẹ nhìn thấy con lớn lên từng ngày, nhìn thấy con những lúc con bật cười, những lúc con bật khóc, thấy cả niềm vui và nỗi sợ của con như chú gà kia vậy.

Gửi tặng con trai, và các cô bé câu bé sơ sinh bài thơ "Bầu trời trong quả trứng" của thi sĩ Xuân Quỳnh, một nhà thơ có chất thơ rất tình cảm và yêu thương.

Bầu Trời Trong Quả Trứng
Tác giả: Xuân Quỳnh
(Chuyện của một chú gà con)

Tôi kể với các bạn
Một màu trời đã lâu
Đó là một màu nâu
Bầu trời trong quả trứng
Không có gió có nắng
Không có lắm sắc màu
Một vòm trời như nhau:
Bầu trời trong quả trứng.
Tôi chưa kêu “chiếp chiếp”
Chẳng biết tìm giun, sâu
Đói no chẳng biết đâu
Cứ việc mà yên ngủ…
Tôi cũng không hiểu rõ
Tôi sinh ra vì sao
Tôi đạp vỡ màu nâu
Bầu trời trong quả trứng
Bỗng thấy nhiều gió lộng
Bỗng thấy nhiều nắng reo
Bỗng tôi thấy thương yêu
Tôi biết là có mẹ
Đói, tôi tìm giun dế
Ăn no xoải cánh phơi…
Bầu trời ở bên ngoài
Sao mà xanh đến thế!
Trời xanh mà tôi nghĩ
Trời xanh mà tôi yêu
Trời xanh ấy mang theo
Cả nỗi lo nỗi sợ
Tôi lo bão lo gió
Tôi sợ cắt sợ diều
Thoáng bóng nó nơi nào
Tôi nấp ngay cánh mẹ…
Nhưng ngoài trời xanh thế
Sao tôi lại ẩn đây!…
Khi đó tôi nghĩ ngay
Bầu trời trong quả trứng
Không có diều có cắt
Không có bão có mưa
Không biết đói biết no
Không bao giờ biết sợ…
Nhưng trời ấy chưa vỡ
Thì tôi cũng chẳng về
Tôi đâu còn như xưa
Tôi ngày nay đã lớn
Tôi ngồi trong chắc chật
Thế tôi cựa làm sao!
Còn nỗi nhớ gắt gao
Màu trời xanh này nữa
Nhớ anh em nhớ mẹ
Tôi nhớ vui nhớ buồn…
Biết bao điều lớn hơn
Nỗi lo và nỗi sợ.
Này trời xanh tôi ở
Biết rằng tôi lớn khôn?

====
Kể từ ngày gà con ra đời, gà mẹ bắt đầu làm mẹ,  biết che chở cho con khỏi diều khỏi cắt, khỏi bão,khỏi giông, giang đôi cánh rộng làm nơi trú ngụ cho các con non. Và mẹ cũng vậy, cũng bắt đầu học làm mẹ, kể từ ngày con trai ra đời.

Con đang ngủ say khi mẹ gõ những dòng này. Mẹ yêu con :x

Saturday, 4 January 2014

Nhật ký mẹ Dế: Tuần thứ 32 (29/12/2013 - 04/01/2014) - Tết Dương lịch


31w2d: Sáng ngủ dậy đã thấy có 2 quả trứng gà ta rõ xinh yêu nằm trong cái nồi nước. Bố con luộc trứng sẵn cho mẹ con mình đấy. Yêu quá.

Chiều nay bố con đi chơi bóng bàn xong rồi đi xông hơi, mệt quá nằm nhờ ở đó ngủ một lát mới về được đến nhà. Hihi, sau này Dế đi chơi thể thao phải rút kinh nghiệm, đừng có thể thao xong lại xông hơi luôn nhé.

31w3d: Hôm nay là ngày cuối cùng của năm 2013 rồi, làm việc xong mẹ qua cơ quan bố và cả nhà mình về Chèm cũng ông bà nội. Cô Hằng chú Kiên cũng về ăn tết dương lịch cùng. Lúc chú Kiên chưa về, cả nhà đã ngồi chơi bài thật là rôm rả. Giờ ăn tối cũng diễn ra thật vui vẻ. Mẹ luôn thích những lúc gia đình mình đoàn tụ thế này. Cô Hằng tranh phần rửa bát, bảo là mẹ bầu bí nên không phả rửa. Hôm nay mẹ con Dế nhàn quá, chẳng phải nấu hay rửa bát gì cả.

Tối cả nhà lại chơi bài, mẹ định tham gia nhưng thấy bụng gò liên tục nên lại phải thôi. Mẹ thấy hơi lo lo, tuần này là dừng không uống thuốc chống gò nữa rồi mà lại bị trở lại, nên mẹ gọi cho bác sĩ. Bác sĩ bảo mẹ phải mua thuốc uống tiếp và nghỉ ngơi nhiều, hạn chế đi lại, có gì đi khám lại sau. Bố con thì mệt và đau lưng, vụ chơi bóng bàn hôm vừa rồi hơi quá sức nên tay chân vẫn ê ẩm chưa hết thành ra ông bà và cô chú Kiên Hằng ngồi chơi bài còn cả nhà mình đi ngủ sớm. Cô Hằng làm bánh mỳ nhưng mẹ con Dế chẳng thức được để ăn.

1/1/2014: Hôm nay là ngày đầu tiên của năm mới. Mẹ định dậy đi chợ nhưng cô Hằng đã đi chợ rồi, mọi người bảo mẹ nên hạn chế đi lại. Mẹ và cô Hằng cùng nấu bữa trưa, trông thế mà nhiều món phết.

Chiều mùng 1, nhà cô Minh đưa cả em Pô Pi đến tham gia, không khí thật vui vẻ rộn rã. Mẹ định đi gội đầu thì ra ngõ gặp ngay 2 zai yêu nên quay về nhà luôn. Em Pô được ngồi xe máy thích chí cười tít.

Tối nay mọi người lại khoanh chân còn nhà mình lại đi ngủ, bố con mệt quá nằm im lìm trên nhà từ chập tối, chẳng xuống ngồi với cả nhà. ôi sao mẹ con Dế ngủ suốt thế nhỉ?

31w5d: Sáng nay bố con dậy đi làm thì bị đau bụng đi ngoài, trong khi đó lại phải đi họp và trình bày tham luận. Ấy thế mà bố con cũng trinh bày tốt lắm, được mọi người rất khen. Chiều bố con vẫn đi đá bóng, kể ra thì cũng tốt nhưng không biết vụ mọi người hôm trước đã khỏi hẳn chưa. Sau đó bố con đi liên hoan với đội đá bóng, không về ăn cơm nhà. Mẹ con Dế ăn miến nấu với su hào, cà rốt ngọt lịm và ngồi xem Master Chef chờ bố con về.

Tận 11h kém 20 bố con mới về, may mà còn tỉnh táo chưa say. Đây là lần bố con về muộn nhất kể từ khi bố mẹ cưới nhau đấy. Sau này Dế đừng nhậu nhẹt, bia bọt mà về muộn nhé.

Tình hình là còn vài ngày nữa dì Nhím về rồi. Giá dì Nhím mà về sớm rồi sang đây chơi với mẹ con Dế những lúc ở nhà 1 mình buồn thế này thì thích nhỉ. Dì Nhím đang được nghỉ năm mới ở bên Mỹ, đang tung tẩy đi chơi lắm.

31w6d: Ngày mai bố mẹ lại đưa Dế đi chụp ảnh nhân dipji 32 tuần nhé. Lần này con nhớ cười rồi khoe mặt xinh cho cả nhà nhìn thấy nhé. Vì bố mẹ không vào Chèm được nên bố mẹ rủ ông bà nội ra chơi, ông bà bảo chiều mai ông bà ngủ trưa dậy rồi sẽ ra chơi với mẹ con mình.

32w: Dế đi siêu âm 4D đây nhưng Dế lại giấu mặt đi mất rồi nên bác sĩ chẳng chụp được ảnh.


Wednesday, 1 January 2014

Tôi kể bà nghe...



Tôi kể bà nghe...
Lũ trẻ bây giờ yêu nhau buồn cười lắm!
Chúng mình bên nhau cả đời chưa chán,
Chúng nó bên nhau tính tháng, tính ngày.

Tôi kể bà nghe...
Lũ trẻ bây giờ yêu nhau lạ lắm thay
Thời chúng mình, cái nắm tay cũng làm cả làng dị nghị,
Chúng nó thì nhận lời hôm trước, hôm sau đã đưa nhau vào nhà nghỉ,
Làm cái chuyện động trời!

Tôi kể bà nghe...
Chẳng biết tôi với bà đã quá lỗi thời,
Hay là vì lũ trẻ bây giờ học đòi tân tiến.
Chúng nó nghĩ yêu là phải hết mình dâng hiến,
Thế là mặc sức cho đi mà chẳng nghĩ đến cha mẹ, họ hàng...
Tôi kể bà nghe...
Ngày xưa chúng mình tìm hiểu nhau đứng đắn, đàng hoàng,
Bây giờ lũ trẻ nứt mắt ra, học cấp ba đã học đòi yêu đương dấm dúi,
Điện thoại tân thời, áo quần cũn cỡn, xe số xe ga...chúng nó đưa nhau vào bờ, vào bụi...
Chẳng ra cái thể thống gì!

Tôi kể bà nghe...
Lũ trẻ bây giờ yêu nhau rất lạ kỳ.
Chúng nó bảo yêu say đắm, yêu hết mình,
mà chẳng có bao nhiêu đôi đi được với nhau đến cùng trời cuối đất.
Chúng nó lướt qua cuộc đời nhau như chẳng có gì để mất,
Biến "Tình yêu" thành cái định nghĩa hết sức tầm thường...

Tôi kể bà nghe...
Tôi với bà tình thương mến thương
Hơn sáu chục năm trời mà thấy vẫn còn chưa đủ...
Lũ trẻ bây giờ chán rồi bỏ nhau, thất tình khóc xong rồi ngủ,
Sáng mai tỉnh dậy lại tươi tắn rêu rao :"Tìm một nửa thất lạc của đời mình".
Tôi kể bà nghe...
Ngày xưa chúng mình cứ phải cân nhắc bên hiếu, bên nghĩa, bên tình.
Bây giờ chúng nó nhắm mắt đưa chân mà chẳng một lần nhìn lại,
Chúng nó cứ mù quáng buông mình trôi đi mãi
Chẳng biết đâu mới là giới hạn, để dừng lại cho những tháng ngày sau...

Tôi kể bà nghe...
Tuy chúng mình già nhưng chẳng yếu lắm đâu!
Trái tim tôi với bà vẫn còn đập những nhịp nguyên lành cho những yêu thương ngọt ngào phía trước,
Lũ trẻ bây giờ trao cho nhau trái tim đã bao lần bị ném, vùi, vỡ xước...
Rồi chúng nó tự hỏi mình, đau khổ tại vì đâu?

Tôi kể bà nghe...
Tại vì chúng nó không biết trân trọng nhau!
Ở thời của chúng mình, cái gì vỡ thì cùng nhau hàn gắn,
Chúng nó thích tân thời, chúng nó ham vứt đi để mua cái mới...
Nên chúng nó chẳng giữ được cái gì bền vững vượt thời gian...
Tôi kể bà nghe...
Có một câu nói dân gian:
"Dẫu cho chẳng có bạc vàng,
Bên anh chỉ có mình nàng, anh vui!
Người ta sống ở trên đời,
Quý nhân, trọng nghĩa, là người an yên".



...................

Tác giả: Du Phong
Link bài viết: http://truyennganhay.net/bai-viet/3866/toi-ke-ba-nghe/

--------------

Tình cờ đọc được bài thơ với bức ảnh này trên Facebook và thấy thích. Có thể không phải tất cả những điều "Tôi kể bà nghe" đều đúng hết với giới trẻ hiện nay, nhưng tôi có nhiều điểm đồng tình. 

Chẳng hiểu từ bao giờ, tôi thích nhìn hai ông bà già nắm tay nhau đi trên đường, có lẽ nó là biểu hiện rõ ràng nhất về tình yêu, hay ít ra cũng là sự thủy chung, gắn bó và chia sẻ cho đến những ngày "đầu bạc răng long". Nếu tìm từ khóa "tình yêu" hay "love" hay bất cứ từ nào tương tự như thế, hầu như ta thấy tình yêu của những đôi bạn trẻ, những cặp vợ chồng mới cưới, những tình yêu còn đang rạo rực, nồng nàn và thăng hoa. Nhưng có nhiều thứ nhanh đến rồi nhanh đi, giới trẻ có thể yêu cuồng nhiệt thế đấy mà chia tay cũng lạnh lùng thế đấy. Theo tôi, cái tình yêu nó không chỉ là cái tình, không chỉ là cái nồng nhiệt và nóng bỏng khi còn son trẻ, nó còn là cái "nghĩa", cái mà gắn bó hai người với nhau cho đến hết cuộc đời.

Khi đứng trước hai khung hình, tôi luôn thấy xúc động hơn trước tình cảm của những người già dành cho nhau, bởi tôi biết tình cảm ấy thật sự không còn sự bồng bột, không còn sự thăng hoa nhất thời, mà là thứ tình cảm chân thành, tinh túy sau rất nhiều biến cố của cuộc sống. Tình yêu của những người đã có tuổi như thế, có lẽ không còn vướng màu danh vọng hay vụ lợi, nó thật sự chân phương như hai người cần tìm đến nhau sau khi đã trải nghiệm gần hết giá trị của cuộc đời.

Tôi không mong muốn gì nhiều, chỉ luôn hi vọng mình sẽ giữ được ngọn lửa tình yêu của gia đình mình, vun đắp cho tình yêu ấy qua những khó khăn của cuộc sống và giữ lửa cho đến khi gần đất xa trời. Nghĩ đến điều ấy, tôi lại nghĩ lại tình cảm của ông bà ngoại ngày xưa dành cho nhau, bà ngoại tôi bị nặng tai, thành ra xem phim thì chỉ nhìn được hình, ông vẫn còn công tác và rất bận nhưng tối nào ông cũng ngồi xem phim cạnh bà, rồi nói vào máy trợ thính để thuyết minh phim cho bà "cái cậu này đang thế này...." Ngày còn bé tôi chỉ nghĩ ông thật là kiên nhẫn và chịu khó, nhưng giờ lớn hơn, tôi hiểu là ông rất yêu và rất thương bà. Chắc tại vì thế, mà sau này khi ông mất rồi, thỉnh thoảng bà vẫn nhắc với các con mình "không ai thương mẹ được như bố con".

Nghĩ về ông bà ngày xưa rồi tôi lại nghĩ đến giới trẻ bây giờ. Đúng như "Tôi kể bà nghe", nhiều người trẻ bây giờ sống vội vàng, yêu cũng vội vàng, cho đi cũng vội vàng để rồi chia tay cũng vội và. Có lẽ họ thực sự nhầm lẫn giữa cảm xúc "thích" với cảm xúc "yêu", giữa việc "nắm một bàn tay" và việc "giữ một tâm hồn". Họ vội vàng nói lời yêu nhau, rồi vội vàng trao nhau tất cả và nghĩ rằng mình đang yêu, chứ không hề nhận ra là mình chỉ đang tham gia một trò chơi mà trong đó mình đóng vai người đang yêu chứ không phải họ là một người yêu thật sự. Bởi vì chỉ là một vai diễn, nên hôm nay họ khóc hết mình với vai diễn này, ngày mai họ lại có thể cười vui trong một vai diễn khác. Cứ như vậy, khái niệm "yêu" bị hiểu sai hoàn toàn.

Nói như vậy không có nghĩa là giới trẻ bây giờ toàn người sống hời hợt, cũng có đó đây những câu chuyện về những người yêu nhau đợi chờ nhau bất chấp thời gian, bất chấp xa cách.

Hi vọng rằng, mỗi người sẽ trải nghiệm và tìm thấy tình yêu của mình, biết gìn giữ và nâng niu nó, để sau này có thể nhìn thấy thật nhiều những cụ ông, cụ bà đi bên nhau, kể cho nhau nghe những điều ...bớt lạ kỳ...

HN, 17/01/2014