Tuesday, 12 August 2014

Ngày của con - 12/02/2014


Dế thân yêu của mẹ,

Sau nhiều ngày lóng ngóng học cách làm mẹ, mẹ đã bắt đầu quen dần với việc có con trong cuộc sống của bố mẹ, một trang mới của cuộc đời bố mẹ. Việc làm mẹ là bản năng của con người, nhưng cũng có rất nhiều điều phải học, cần học để có thể làm tốt được. Mẹ sẽ dần dần kể cho con nghe những trải nghiệm của mẹ. Nhưng trước hết, hãy bắt đầu từ ngày con chào đời - ngày của con - bước ngoặt của cả gia đình.

Sau khi mẹ đi viện về, mẹ dành nhiều thời gian nằm nghỉ ngơi, xem phim hài và thi thoảng đi lại quanh nhà. Cuộc sống thú vị hơn những ngày nằm ở viện vì mẹ có giường riêng nằm thoải mái, có bố nằm ôm mẹ, có ông bà chăm sóc, có TV và sách báo để đọc thoải mái, có không gian để thư giãn.

Tối hôm đó là 11/02, sau khi ăn xong và tắm xong, mẹ cảm thấy thật thoải mái và chui vào gối chữ U để nằm xem TV. Khoảng 10h30 mẹ bắt đầu thấy lâm râm đau bụng. Có lẽ là bị đi ngoài chăng. Mẹ chui vào nhà vệ sinh nhưng bụng vẫn không cảm thấy đỡ. Rút kinh nghiệm lần trước "báo động nhầm", lần này mẹ ngoan ngoãn nằm im nghe ngóng xem việc đau bụng có đỡ không. 11h, tình hình có vẻ không khá hơn, bụng vẫn đau và bắt đầu đau thành cơn, tức là những cơn đau xen giữa những khoảng không đau. Bố con lấy điện thoại ra bấm giờ cho mẹ, có vẻ cứ khoảng vài phút lại có cơn đau một lần. Mẹ quyết định là đi gội đầu để vào viện, lòng vẫn hoài nghi vì không lẽ con lại đòi ra sớm thế chăng.

11h20, chuẩn bị xong xuôi quần áo và đồ đạc, bố gọi taxi và gọi ông bà nội dậy. Ông bà đang ngủ rất say, gọi mấy lượt mới dậy. Lúc nghe bảo mẹ đau bụng, ông bà khá lo lắng và sốt sắng, cứ dặn đi dặn lại là phải cẩn thận, rồi vào viện khám thế nào báo lại về nhà.

11h30, bố mẹ lên taxi vào viện và 12h vào đến nơi. Trên taxi, bố cứ thao thao kể chuyện rồi chọc cười mẹ nhưng nhiều lúc đau quá mẹ chẳng cười được. Cơn đau rõ ràng hơn và nhiều lên so với trước. Lúc không đau cảm giác rất dễ chịu, nhưng lúc đau thì thấy tức bụng vô cùng. Có lẽ là cơn co chuyển dạ thật rồi chăng? Anh taxi biết ý lái xe rất cẩn thận.


12h vào viện, phòng Trực cấp cứu. Các y tá kiểm tra và bảo mở 3 phân rồi. Mẹ phải thay đồ nhập viện. Bố gọi cho bà Thanh, hỏi thông tin và cách thức. Bà Thanh hướng dẫn và nhờ giúp các y tá quan tâm đến mẹ. Bố đặt đẻ ở D3 - Khoa đẻ dịch vụ. Mẹ bắt đầu ra máu và bụng ngày càng đau hơn. Ngồi trông đồ và chờ bố về mà mẹ cứ nhấp nhổm. Mẹ ôm bụng đi qua đi lại, hết đứng lại ngồi, mong bố con đi đóng tiền nhanh nhanh về với mẹ. Cùng lúc với mẹ có thêm 1 vài sản phụ khác đi taxi vào chuẩn bị sinh, cũng lỉnh kỉnh đồ đạc, mặt ai nấy đều có vẻ đau, chắc đều sắp sinh cả rồi.

Bố quay lại nhưng vẫn chưa đóng được viên phí vì không đủ tiền. Bố mang theo 6T nhưng bênh viện yêu cầu thu 11T. May quá mẹ nghĩ ra là dùng thẻ ATM rút tiền. Mẹ lại ngồi chờ thêm 1 lúc để bố đi rút tiền và đóng viện phí. Cơn đau ngày một tăng và cảm giác khó chịu vô cùng khi máu bắt đầu chảy ra nhiều và ướt váy. Cuối cùng bố cũng xong thủ tục và đưa giấy tờ của mẹ vào phòng cấp cứu để họ chuyển mẹ lên D3. Cô y tá hỏi mẹ có cần đi xe đẩy không nhưng mẹ lắc đầu, mẹ nghĩ chắc đi bộ tuy đau nhưng sẽ dễ đẻ hơn.

Lên đến D3, bố xách đồ còn mẹ người không vào khu chờ sinh. Ở đây, y tá khám lại và bảo mở 3-4 phân rồi. Sau đó, các y tá cho mẹ nằm lên giường và lắp máy đo tim thai và đo cơn gò. Cái máy này hồi nằm ở A4 mẹ được đo hàng ngày nên chẳng còn lạ gì. Những lần trước mẹ đo trong tâm trạng thoải mái, còn vừa nằm đo vừa hóng hớt xem các bác sĩ y tá làm gì, lần này mẹ vừa nằm đo vừa co rúm người vì đau. Cơn đau tăng dần, mẹ quay trái quay phải và hỏi y tá xem liệu có được ngồi dậy không, vì mẹ thấy có một sản phụ bên cạnh cũng đang đo và được ngồi. Chị y tá bảo mẹ là không nên ngồi, tuy nhiên có thể nằm nghiêng. Lúc này mẹ nằm nghiêng sang phải, mới để ý là trong phòng ngoài mẹ ra còn 2 sản phụ nữa cũng đang được đo máy và cũng đầy vẻ đau đớn giống mẹ. Một chị ở xa xa còn đang nhăn nhó và rên rỉ vì đau qúa. Mẹ cũng đau nhưng quyết không kêu la vì mẹ nhớ lời dặn là hạn chế rên rỉ, để dành sức để lát còn đẻ, nếu kêu rên nhiều sẽ mệt và mất sức lắm. Mẹ nằm quay sang trái, rồi quay sang phải, bụng cứ quặn từng cơn, khó chịu vô cùng. Chị y tá áo trắng trực trông sản phụ thì đang mải nhắn tin trên điện thoại. Chị y tá áo xanh có vẻ tận tâm hơn, hỏi tên mẹ để làm hồ sơ. Lúc đó, chị sản phụ ở xa xa gọi mẹ " Có phải em Thu vợ anh Bình không" Mẹ ngỡ ngàng quay lại, chưa kịp nhận ra ai, chị ấy lại tiếp "Chị Thủy cùng cơ quan với anh Bình đây". Mẹ ngớ người ra, không ngờ lại gặp bác Thủy ở đây, vì mẹ nhớ bác Thủy còn kém mẹ 1 tuần mới dự sinh. Mẹ và bác Thủy hỏi thăm nhau một lúc, bác ấy vào viện từ lúc chập tối, mới được ngoài 36 tuần nhưng đã đau bụng nên đành vào đây đẻ. Bác ấy có vẻ đau nên kêu rên nhiều. Thật là có duyên với nhau, không ngờ là vào đến đây mà vẫn gặp người quen. Bác Thủy trước làm cùng phòng với bố. Có lần mẹ con mình đi ăn với phòng cũ, chia tay bố, bác Thủy và bác Yến còn ngồi cạnh hỏi thăm mình, con có nhớ không?

Thấy chị sản phụ ngồi cạnh mẹ uống nước, mẹ cũng thấy khát nên gọi bố mua cho mẹ chai nước. Trước đó mẹ đã bảo bố đi mua bỉm cho mẹ. Bố con cũng thật vất vả.

Cơn đau cứ tăng dần lên khiến mẹ cứ ngó ngoáy không yên. Mẹ bắt đầu thấy lạnh trong khi lúc mới vào thì rất nóng, nên gọi chị y tá cho xin chăn đắp. Mẹ chui rúc vào trong chăn, cảm giác ấm áp dễ chịu hơn một chút nhưng sao vẫn đau thế. Haizz, mong sao cơn đau này mau hết. Bác Thủy mời mẹ ăn bánh, nhưng mẹ cảm ơn và từ chối. Bác Thủy bảo ăn đi cho có sức nhưng mẹ không đói. Mẹ lấy nước bố con mua ra uống. Bố con mua cho mẹ chai nước 1l to đùng :D

Nằm được một lát thì máy của mẹ báo đã chạy xong, các y tá vào xem kết quả và mẹ hỏi xin tháo máy đo ra một lát để đi vệ sinh. Mẹ lọ mọ ra ngoài lấy dép và đi ra tìm bố. Bố con đang nằm phòng bên cạnh, chắc là không ngủ vì mẹ khẽ gọi "anh ơi" là bố dậy. Bố dìu mẹ ra chỗ đi vệ sinh ở phía đối diện của khu chờ sinh. Máu ra cũng ướt bỉm và bụng thì ngày một đau hơn. Sau đó bố lại dìu mẹ về phòng chờ sinh. Y tá bảo mẹ không phải đo tim thai nữa. Mẹ hơi lo lo, nhỡ trong lúc không đo, con ở trong đó có vấn đề gì thì sao nhỉ?

Bác Thủy đau và kêu nhiều, các y tá chuyển vào khám và đưa sang khu Đẻ. Sau đó có thêm 1,2 sản phụ nữa cũng vào nằm trong phòng. Mẹ không phải lắp máy đo nữa nên có thể đứng ngồi, nằm, quỳ, thậm chí có lúc mẹ úp mặt xuống giường và chổng mông lên, chỉ mong sao cảm giác đễ chịu đi một chút. Mẹ ít kêu nên mọi người hỏi là "em không đau à", mẹ trả lời là có đau nhưng em không muốn kêu.

Cơn đau ngày càng nhiều và vượt quá sự kiểm soát của mẹ, mẹ cũng bắt đầu xuýt xoa. Mẹ thấy cơn co dồn dập hơn và cảm giác muốn rặn lắm rồi. Mẹ chờ chị  y tá áo xanh vào và gọi "chị ơi em muốn đẻ". Chị  y tá hỏi mẹ là lúc mới vào mở mấy phân, mẹ bảo là "4 ạ";vậy là họ lại chuyển mẹ sang phòng khám khám lại. Kết quả là mẹ mở 7-8 phân rồi, y tá bảo nhau  cho sang phòng đẻ. Mẹ phấn khởi lắm, vậy là được đi đẻ rồi, chắc sắp hết đau rồi đây. Chị y tá dặn "em bỏ hết đồ đạc cho người nhà giữ, đi người không thôi, cầm theo chai nước cũng được". Mẹ lấy áo và các thứ lỉnh kỉnh mò ra ngoài đưa bố cầm. Lúc này không chỉ có bố mà cả ông bà nội và ông ngoại đã ở đó. Mẹ gọi bố mẹ ơi, thế là cả 3 ông bà chạy ra. Mẹ đưa áo len và khăn cho ông ngoại, nói ngắn gọn là "con mở 7-8 phân rồi, bây giờ vào phòng đẻ".

Mẹ vào phòng đẻ, trong đó chia làm nhiều phòng nhỏ, chị  y tá chỉ cho mẹ đến phòng đẻ B  thì phải. Không quan trọng, miễn là được đẻ. Chị ấy chỉ cho mẹ 1 cái giường, mẹ đi tới thì thấy bác Thủy đang nằm giường bên cạnh, có vẻ rất đau đớn và vẫn chưa được đẻ. Mẹ ôm bụng trèo lên giường. Nằm trên này lại còn đau hơn nằm ở phòng chờ vì giường này bé, không lăn lộn được. Mẹ trèo lên nằm, chờ đợi bác sĩ cho đẻ nhưng chẳng thấy động tĩnh gì, mà đau bụng quá rồi, mẹ cứ ôm bụng lăn sang trái rồi sang phải. Chị y tá hốt hoảng chạy lại mắng mẹ "em nằm im đừng có lăn là ngã đấy" nhưng lúc đó đau quá rồi, mẹ chỉ muốn quay người cho dễ chịu, chứ làm sao nằm im được cơ chứ. Lăn lộn không được, mẹ lọ mọ định trèo xuống khỏi giường đi lại, chị y tá lại giữ mẹ lại, yêu cầu nằm lên giường. Mẹ kêu rên, em đau lắm, chị cho em đẻ. Các y tá khám lại cho mẹ, bảo là mở gần hết rồi và hỏi mẹ đăng ký bác sĩ nào đỡ "Bác sỹ Thủy A ạ". Bác sĩ này là bác sĩ trực ca hôm nay, bà Thanh đã tư vấn cho bố là cứ chọn bác sĩ trực, bác nào cũng được cả. Bác sĩ Thủy A này thì mẹ biết, bác ấy là trưởng khoa A4 mà mẹ con mình nằm dưỡng thai đợt trước. Mẹ nghe kể là bác ấy mổ tốt lắm, và nhiều ca khó mọi người còn chủ động xin để được bác ấy mổ. Thế nên mẹ nghe bảo đăng ký bác Thủy A đỡ là mẹ  yên tâm. Các y tá bảo nhau "gọi cho bác Thủy A lên đỡ đẻ, sản phụ mở hết rồi". Số điện thoại không liên lạc được. Ôi trời ơi, sao cái lúc này lại không liên lạc được. "Thế còn bác sĩ nào không" "Có bác Sơn". Người ta lại hỏi mẹ "không liên lạc được với bác Thủy A, bác Sơn đỡ đẻ nhé" "Vâng ạ, bác nào cũng được ạ" Mẹ đau quá rồi, chẳng quan trọng bác nào, cứ miên là có bác sĩ cho mẹ đẻ là được.

Vậy mà cũng chẳng thấy bác sĩ Sơn đâu, chỉ có 3 chị hộ lý hướng dẫn mẹ cách để chân, để tay. Các chị y tá vừa động viên mẹ, vừa chỉ cho mẹ cách hít thở sao cho đúng cách. Khi cơn co ngừng, thì hít thở bình thường để lấy sức, khi cơn co mạnh lên thì hít vào bằng mũi, thở ra bằng mồm và dồn sức để rặn con ra. Nghe thì đơn giản vậy mà mẹ làm mãi vẫn không được. Lúc này bố đã vào bên cạnh bàn đẻ để động viên mẹ. Bố nắm tay mẹ, mỗi lần mẹ rặn mà sai cách thì bố lại nhắc "Em đạp chân nhé, đừng co người" "Em đừng cong người nhé"... Tay thì phải kéo chặt tay cầm, còn chân thì đạp mạnh vào cái bàn đạp. Mọi thứ không hề đơn giản và cơn đau thì ngày càng dồn dập, mẹ chỉ mong sao con chui ra thật nhanh.

Trong suốt quá trình sinh, các chị y tá liên tục nghe tim thai để đảm bảo em bé vẫn ổn. Chị y tá chính, với giọng nói rất dễ chịu, mẹ còn nhớ như vậy, nói rằng "Đầu em bé đang thập thò rồi, có chỏm tóc rồi em này, em cố lên, rặn mạnh lên cho con ra, đừng để con thập thò thế". Nghe vậy mẹ lên tinh thần, cố gắng rặn mạnh hơn nhưng hơi cứ càng rặn hơi càng bốc lên đầu còn con thì vẫn thập thò không ra được. Chị y tá bảo mẹ "sao rặn kém quá" và còn dọa "Em phải cố lên, em có nghe thấy tim em bé đập nhanh không, nếu cứ thế này thì nguy hiểm". Mẹ sợ lắm, chỉ sợ 9 tháng 10 ngày giữ gìn, đến lúc sinh con lại có mệnh hệ nào thì mẹ không thể chịu được. Phải cố lên cố lên. Bố cũng động viên mẹ "Con sắp ra rồi em ạ, anh nhìn thấy tóc con rồi, đầu con kia rồi". Mẹ càng sốt ruột và càng cố rặn nhưng dường như con vẫn chưa ra được. Cứ như vậy một lúc, chốc chốc cơn đau dừng mẹ lại nghỉ để lấy hơi. Rồi lại rặn. Các chị y tá vẫn liên tục đo tim thai. Bố vẫn ở bên động viên mẹ.

Một trong ba chị y tá, không phải chị y tá chính dùng cả cánh tay đu người lên miết bụng mẹ. Mẹ cảm giác con đang chui ra, từng chút từng chút một. Sau 2,3 lần như vậy thì mẹ thấy bụng mình nhẹ bẫng, không còn đau nữa. Mẹ ngước nhìn. Con bé xíu nằm trên tay cô y ta, tím ngắt, có lẽ vì thiếu oxy chăng, mẹ lo quá vì con không đỏ hỏn như mọi người bảo và như mẹ tưởng tượng. Cô y tá đưa con đi tắm và làm thế nào đó để con khóc. Tiếng khóc không vang và hoành tráng như mẹ nghĩ, tiếng con khóc nhỏ, nghe rụt rè và bé bỏng làm sao. Mẹ thương lắm. Mẹ nhìn đồng hồ. 3h37ph sáng, thời gian như ngừng lại ở giây phút này, mẹ cảm thấy mình vừa vượt qua một điều gì đó thật vĩ đại và tuyệt vời. Mẹ hạnh phúc quá mà không biết rằng giây phút ấy bố cũng đang rớt nước mắt. Bố nắm tay mẹ, bố bảo mẹ là "Con ra rồi em ạ, em giỏi quá". Một lát bố lại bảo "Đúng là con trai em ạ, anh nhìn thấy tờ-rim bạn ấy rồi" Ôi bố con thật là... Mẹ không nhịn được cười.

Sau đó các bác sỹ đưa con đi tắm và làm các thủ tục khám cho trẻ sơ sinh (mẹ nghĩ vậy), còn bác sỹ Thủy thì khâu cho mẹ. Bác sỹ vét nốt rau ra khỏi tử cung và bắt đầu khâu. Ngày trước mẹ cứ sợ cảm giác bị khâu nhưng đúng như mọi người nói, đau đẻ xong rồi thì khâu chẳng đáng kể gì nữa. Thời gian khâu lâu thật là lâu, mẹ nghĩ nó sẽ nhanh thôi, vậy mà thấy bác sỹ cứ miệt mài khâu mãi không thôi. Bác sỹ bảo để bác khâu cẩn thận cho nhé. Rồi mẹ cũng tâm sự với bác sỹ là ngày xưa mẹ nằm ở A4, đã nghe tiếng bác sỹ Thủy A là giỏi lắm....

Tầm 20-30 phút sau bác sỹ khâu xong và y tá chuyển mẹ sang xe đẩy ra ngoài. Bác Thủy vẫn đang kêu đau mà chưa được đẻ. Lúc này, mẹ phải tự trèo lên xe đẩy, vì các cô y tá không cho bố con bế sang, các cô y tá bảo như thế còn đau và nguy hiểm hơn. Xe đẩy ra ngoài có ông bà nội và ông ngoại con đứng đó cười với mẹ. Rồi mẹ về phòng sau sinh và nằm ngủ... Đó là một giấc ngủ thật ngon lành và nhẹ nhàng với ý nghĩ "con yêu ổn rồi"

Mẹ yêu con

No comments:

Post a Comment