Friday, 27 August 2010

Giải IG NOBEL cho ngành Xây Dựng

Đọc xong bài báo trên Tuần Việt Nam, tự nhiên nhận thấy cần một giải IG Nobel cho những đóng góp của ngành Xây dựng với dự án (mới được thay tên) "Khu dự trữ cho Trung tâm Hành chính quốc gia tại Ba Vì và tuyến đường Hồ Tây - Ba Vì". Giải thưởng vì:

Thứ nhất, Việt Nam là một trong số những nước can đảm nhất khi "hồn nhiên" xây dựng đồ án quy hoạch thủ đô mà dám lấn chiếm tới 66% diện tích đất trồng lúa, phung phí tài nguyên quốc gia và có thể đẩy đất nước từ một nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới trở thành nước đứng trước nguy cơ về an ninh lương thực.
 
"Theo Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam "Hiện nay diện tích nông nghiệp của Thủ đô là 189 nghìn ha, đất trồng lúa là  117 nghìn ha, thế mà Quy hoạch đến năm 2030 lấn chiếm tới 73,5% diện tích đất nông nghiệp và 66% diện tích đất trồng lúa. Theo đó, diện tích đất nông nghiệp chỉ còn bảo tồn 50 nghìn ha và đất trồng lúa chỉ còn 40 nghìn ha" 
 
"Tại các nước phát triển, các nhà quy hoạch chỉ được giao cho số đất được giới hạn, khống chế từ trước. Đất canh tác nông nghiệp không bao giờ được tùy tiện sử dụng cho đô thị, đây là nguyên tắc. Quỹ đất này, phải được Quốc hội thông qua, chấp thuận. Cao hơn, cần phải trưng cầu dân ý. Không thể giao quyền cho một vài cá nhân định đoạt một lượng đất khổng lồ như vậy"

Với tình hình này, có lẽ phải bảo con cháu chuẩn bị kiếm kế mà đi buôn gạo, vì sẽ lãi to, như truyện cổ tích "Thạch sùng" ngày xưa giờ sắp thành sự thật.

Thứ hai, Việt Nam rất giỏi trong lĩnh vực "tranh luận", khi mà thủ thuật ngụy biện được sử dụng khéo léo và hiệu quả để không hiểu thế nào mà sau bao nhiêu kiến nghị của Hà Nội, lãnh đạo Bộ Xây Dựng vẫn có đủ cách để "thanh minh" và chống chế cho một dự án không tưởng, phi lí, tốn kém và sai phạm nghiêm trọng về quy hoạch, phung phí tài nguyên đât đai như thế này.

Đang nghĩ không cần phải cho con cháu đi học nước ngoài, cứ học cách "giải thích" của các vị lãnh đạo nước nhà thì chúng ta nói gì sai cũng thành đúng được, chẳng phải hiệu quả hơn bỏ tiền sang Tây sao?!

Thứ ba, Việt Nam ta rất nhanh nhẹn: Chúng ta lại một lần nữa diễn thành công vở "tiền trảm hậu tấu", khi mà dự án còn đang nằm trên giấy, quy hoạch còn đang được đem ra bàn và trưng cầu ý kiến người dân, thì mô hình quy hoạch đã về đến cảng Hải Phòng!! Kĩ năng "đi tắt đón đầu" lại được vận dụng hiệu quả!

"Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn vừa có văn bản xin phép Thủ tướng Chính phủ cho nhập khẩu mô hình đồ án quy hoạch chung Hà Nội để trưng bày tại cung Quy hoạch xây dựng quốc gia". "Hiện toàn bộ lô hàng mô hình trên đã cập cảng Hải Phòng"
  
Thứ tư, Việt Nam rất quyết đoán. Bằng chứng là dù kiến nghị của thành phố, của các đại biểu quốc hội có nếu lên đủ các vấn đề, thì các dự án của chúng ta vẫn đươc giữ nguyên thay tên "bình cũ rượu mới". Cái này có thể gọi là "giang sơn có thể đổi chứ dự án quyết không dời" bất chấp sự vô lý về công năng, về tiền bạc, về đủ mọi con số và dẫn chứng

"Quỹ đất dự trữ trong quy hoạch đô thị (quy hoạch chung cho các thành phố khác với các khu đô thị). Các quỹ đất dự trữ cho trung tâm không thể đưa ra ngoài mà phải được trù liệu nội tại, liền kề (bán kính <6~8km) để đảm bảo sự ổn định cấu trúc thành phố. Khi đưa trung tâm ra ngoài tức tạo ra một đô thị, thành phố khác (Vì vậy không thể có chuyện có khu đất dự trữ cho Trung tâm chính trị - hành chính Ba Đình lại nằm ở Ba Vì (cách tới 40km) - Ai cũng hiểu ngầm ý "dời đô" khi tư vấn đề xuất ý tưởng này - dù có bao biện, lý giải thế nào)"
 
Thứ năm, Việt Nam ta rất giỏi toán, sau đường sắt cao tốc, chúng ta lại có những tính toán về giải pháp đầu tự khác, luôn luôn lạc quan và luôn tạo ra "sự thần kì"

"Tổng mức đầu tư cho thành phố trong vòng 20 năm theo nhu cầu đất của quy hoạch đề ra tương ứng không thể thấp hơn 1000 tỷ USD. Với GDP (chỉ được tính trên thặng dư <10% tức < 10 tỷ USD) của Việt Nam, tính cả lượng kiều hối. FDI cũng không thể biến ý tưởng này thành hiện thực bởi Việt Nam không chỉ có Hà Nội"
Thứ sáu, cái lí do này cũng khiêm tốn thôi, là Việt Nam giỏi thống kê. Ôi dào cần gì học lấy mẫu, học làm survey, cứ nhìn cái cách chúng ta trưng cầu ý kiến nhân dân cũng đủ thấy chúng ta biết cách áp số liệu vào nội dung cần có như thế nào

"Với một đồ án tầm cỡ như thế này, không thể thực hiện một cách vội vã và chiếu lệ. Việc thu xếp bằng sự khôn khéo không thay thế được thực chất. Các phiếu xin ý kiến nhân dân (tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) đều có mẫu định sẵn, trong khi cung cấp thiếu thông tin (hiện nay, vẫn không có các thông tin cơ bản về đất đai, nhất là đất nông nghiệp, đất trồng lúa bị thu hồi để phát triển đô thị) vì vậy độ tin cậy rất thấp, không thể lấy làm cơ sở biện minh cho những bất cập của đồ án."

Cần phải có một giải IG-Nobel cho dự án này. Mà tại sao cái lúc này, cần nhìn vào cách thức quy hoạch của những nước có "IQ cao" thì họ lại không nhìn vào và học hỏi nhỉ? Liệu đây là một sự "u mê" thực, hay "u mê" có chủ ý? Hay là do Hà Nội còn quá "trẻ" để có thể nhìn xa trông rộng như các nhà lãnh đạo lớn của đất nước?

No comments:

Post a Comment