Tuesday, 1 February 2011

Văn hóa xếp hàng và hình ảnh của một dân tộc...


Em ạ, khi em hỏi chị rằng tại sao ở Việt Nam lại hay tắc đường đến thế. Ch biết giải thích với em thế nào nhỉ. Đấy là do người dân đông quá, đấy là do đường hẹp quá, đấy là do… có rất nhiều lý do mà người lớn đã giải thích với em rồi. Nhưng còn cái ông cố gắng chen ngang ngày hôm nay khi đèn đã chuyển sang màu đỏ để rồi cả đường hỗn loạn và rồi tắc đường. Hay như cái xe ô tô màu trắng sang trọng cố tình đi vào con ngõ bé gần nhà, để kín bưng một đầu đường không ai tiến hay lùi được, hay là lúc hai bà cháu bấm đèn để chờ qua đường nhưng tại sao không ai dừng lại dù đèn đã chuyển màu đỏ, thì chị chẳng biết phải giải thích với em thế nào…

Em ạh, khi em hỏi chị rằng tại sao cái bà trung tuổi, ăn mặc lịch sự, lái chiếc xe ga đắt tiền, lại có thể gay gắt như thế với người công nhân vệ sinh đang hối hả đẩy cái xe rác dịch sang một bên đường như thể họ phải chịu trách nhiệm cho cái việc tắc đường ngày hôm ấy, chị cũng không biết phải giải thích với em thế nào…

Em ạh, khi em hỏi chị rằng tại sao một thanh niên mặt mũi khôi ngô sáng sủa, lại có thể chen ngang trắng trợn lúc em và mọi người đang từ từ tiến vào chỗ đổ xăng bất chấp ánh nhìn khó chịu từ mọi người xung quanh, chị biết nói với em thế nào nhỉ…
 
Em ạh, khi em hỏi chị rằng tại sao khuôn mặt của những người từ trên xe buýt xuống cứ hốt hoảng, căng thẳng, thì chị đoán rằng họ đã vật lộn chen chúc trên cái xe buýt đông nghẹt ấy cả giờ đông hồ, mặt mày không thể tươi cười được. Nhưng nếu hỏi rằng tại sao chiếc xe ấy phải vội vã chuyển bánh như thế trong khi những người trên xe còn chưa xuống hết, chị biết nói thế nào đây…

Rồi em hỏi chị tại sao bất cứ khi mua cái gì, mọi người xung quanh ta đều chen chúc và nhốn nháo. Từ việc vào chợ mua thịt cá, đến việc mua vé xem ca nhạc. Từ việc xếp hàng chờ khám, cho tới việc dắt xe vào bãi gửi…Chị biết phải giải thích với em thế nào nhỉ…

Em ạh, từ lâu lắm rồi, tâm lí vội vàng, tranh mua tranh bán đã ngấm sâu vào thói quen của người Việt Nam mình. Nó phổ thông tới mức em có thể nhìn thấy tác phong này ở khắp mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày, quen tới mức đã trở thành "văn hóa chen lấn". Đã không biết bao lần chị chứng kiến cảnh người đến sau chen lên mua trước, còn người đến trước, nếu không nhanh tay nhanh chân, nếu không dẻo dai nhanh mắt nhanh miệng, thì sẽ thành người được phục vụ sau. Đã từ lâu rồi, cái thứ tự không có ý nghĩa gì nhiều với phong tục ở Việt Nam mình.

Em ạh, nếu em có sang một đất nước phát triển, em sẽ nhìn thấy những điều rất khác. Em sẽ thấy cảnh những người dân xếp hàng để mua đồ, bất kể là trong siêu thị hay tại những cửa hàng nhỏ lẻ. Ở nơi đó, người dân xếp hàng ở mọi nơi mọi lúc, có những danh lam thắng cảnh đông khách tới mức khách du lịch tới thăm phải xếp thành những hàng dài hơn hai chục mét, nhưng không ai cằn nhằn hay khó chịu, bởi điều đó công bằng với tất cả mọi người, ai đến trước thì xếp hàng trước được vào trước. Không ai cho mình cái quyền chen lên trước bởi với họ chen ngang là một trong số những điều bất lịch sự nhất, và với cách văn hóa ứng xử của cả cộng đồng đều có thứ tự như vậy, không ai có thể cố tình làm sai cả.

Em sẽ thấy mọi người lần lượt xếp hàng để lên xe buýt, chào bác tài và cũng lần lượt xếp hàng, nói lời cảm ơn bác tài để xuống xe .Và dù bến xe đông nghẹt, dù trên xe chật kín, em sẽ vẫn có thể từ tốn xuống xe mà không phải vội vàng, hốt hoảng vì sợ xe sập cửa chạy mất. Ở nơi đó, em sẽ thấy những người thanh niên trẻ nhường chỗ cho những bà già, em nhỏ, phụ nữ có mang.  Hơn thế nữa, em sẽ thoải mái đi sang đường vì xe cộ thường xuyên nhường đường cho người đi bộ, và người đi bộ thì luôn có ý thức đi đúng phần đường dành cho mình.

Nếu để ý quan sát, em có thể thấy cảnh sát giao thông xuất hiện rất ít, mà chị có thể nói là gần như hiếm thấy, bởi đèn giao thông khi được mọi người tuân thủ, đã làm công việc điều phối xe cộ một cách hiệu quả. Em sẽ ít khi gặp tắc đường, và nếu có tắc thì cũng là vì quá đông xe xếp một hàng dài chờ đèn đỏ, chứ không phải vì một chiếc xe nào đó cố vượt đèn hay chen ngang để rồi gây rối loạn trật tự giao thông dẫn đến ách tắc. Ở nơi đó, ý thức tự giác và tuân thủ luật trở thành một cách ứng xử cơ bản nhất của một công dân, vì thế người ta chẳng cần nhiều công an để thiết lập trật tự cho đường phố.

Nếu em sang một nơi như thế, em sẽ cảm thấy bản thân mình được tôn trọng, cảm thấy người dân ở đây tôn trọng lẫn nhau, và điều đó cũng có nghĩa là họ đang tôn trọng chính họ. Ý thức tuân thủ trật tự của những công dân văn mình ấy giúp mọi thứ trở nên ngay ngắn và trật tự.

Và khi tới nơi đó, em sẽ ngạc nhiên khi thấy người đối diện chào em, mỉm cười với em và có thể ngạc nhiên hơn khi thấy nụ cười trên môi những người đi đường. Điều đó không hẳn bởi vì họ có thu nhập cao, không hẳn bởi vì họ có một cơ sở vật chất hiện đại hơn chúng ta. Họ mỉm cười đơn giản là vì cuộc sống của họ thư thái, họ công phải thường xuyên căng thẳng chen chúc, họ không phải chạy đua tốc độ để làm sao mua nhanh, lấy được nhanh, họ không phải chật vật mua tranh bán cướp, hay luồn lách trên những con phố ngùn ngụt xe cộ sau giờ làm. Nơi họ sống là một xã hội nền nếp, có trật tự mà "văn hóa xếp hàng" đã ăn sâu vào cung cách ứng xử.

Có lẽ sau khi trải nghiệm những điều khác biệt ấy, em có thể hiểu tại sao người ta gọi những người dân ấy là những người dân văn minh. Sự văn minh không phải đo lường ở trí tuệ hay của cải, sự văn minh thể hiện trong cách ứng xử, trong trật tự cuộc sống mà "văn hóa xếp hàng" là một ví dụ. Cái nét văn hóa ấy không chỉ góp phần thiết lập trật tự xã hội mà nó còn góp phần xây dựng nên hình ảnh cả một dân tộc. Và chị hi vọng rằng những người như em, sẽ biết đúng biết sai, biết cư xử để trở thành người văn minh, để thay đổi cái "văn hóa chen lấn" vốn đã quá phản cảm và xây dựng nên một diện mạo mới cho Việt Nam ta. Để cho dù chúng ta có nhỏ bé hơn họ về tầm vóc, nhưng không hề thua kém họ về sự văn minh. Cho dù chúng ta nghèo hơn họ về kinh tế, nhưng không nghèo hơn họ về văn hóa. Để cho bạn bè quốc tế không thế gọi chúng ta là những người dân "ngu muội". Phải thế không em?

No comments:

Post a Comment