Thursday, 31 March 2011

Giết một thiên thần, tội ác chồng tội ác

Bài viết dưới đây của nhà văn Trần Thị Thắng đã được đăng với tựa đề "Giết một thiên thần, tội ác chồng tội ác" trên báo Văn Nghệ của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh, số 151, 24-3-2011, trang 1 và 12-13; và được đăng với tựa đề "Cái ác hoành hành, xã hội đành bó tay?" trên báo Người Hà Nội, số 112, 18-3-2011, trang 38-39.

Báo Văn nghệ (Liên hiệp các Hội Văn học của TP HCM), số 151, thứ năm 24-3-2011, trang 1.
- Bài "Giết một thiên thần, tội ác chồng tội ác" của nhà văn Trần Thị Thắng (trang 1, 12).
- Chùm thơ của Vũ Đình Huy cho con Vũ Thị Hoàng Anh (trang 13)


Ngày 27-2-2011 cháu Vũ Thị Hoàng Anh bị giết trước nhà mình, kẻ sát nhân lại là người theo đuổi Hoàng Anh nhưng không được đáp lại. Vậy đặt ra một vấn đề: thích ai người ấy phải là của mình, không thì người ấy phải chết?

Kẻ sát nhân là một sinh viên bách khoa TP Hồ Chí Minh, bố của Hoàng Anh là Giáo sư-Viện sĩ-Tiến sĩ Vũ Đình Huy, dạy tại trường trên, như vậy trò đã giết con thày. Ông còn là nhà thơ, Hội viên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Trước cái ngày định mệnh 27-2 ấy, Nguyễn Đăng Thành đã theo đuổi Hoàng Anh, phía người con gái bao lần trả lời không yêu Thành vì thấy không hợp nhau. Gia đình đã gặp gỡ nói rõ quan điểm của Hoàng Anh, Thành cũng thấy như vậy và hứa sẽ từ bỏ ý định theo đuổi một người mà mình chỉ yêu đơn phương. Nhưng rồi sự ích kỷ đeo đuổi mong trả thù, Thành ngày ngày theo dõi từng bước đi, nơi ăn chốn ở của Hoàng Anh . Ngày 27-2 nhà Hoàng Anh có khách đến ăn cơm. Em vừa tiễn khách ra khỏi cổng, Thành lao vào đâm nhiều nhát vào tim, phổi, gan, gẫy nát cánh tay phải. Hoàng Anh ngã sõng soài và chỉ kịp kêu “ối”. Người cha lao xuống. Con nằm trên vũng máu, ông mang sang bệnh viện gần đó hai trăm mét, nhưng Hoàng Anh đã chết vì những nhát dao đâm tàn bạo.

Kẻ giết người là một sinh viên Bách khoa quê Bình Định, đã ra trường. Cha mẹ Thành từng chắt chiu tiền bạc và niềm hy vọng con mình sẽ nắm lấy tương lai, thành một trí thức làm ăn lương thiện, góp tay xây dựng xã hội. Không ai ngờ đã học hành như vậy lại trở thành kẻ giết người, dẫn tới tội ác trời không tha đất không dung. Khi Thành giết người, tức là tự đào hố chôn sống mọi giá trị và cuộc sống của mình

Người bị giết là con một giáo sư, ông bà đã đi học ở Nga . Khi ông về nước, bạn bè đồng nghiệp bên Nga và Việt Nam đánh giá ông là nhà bác học vùng Đông Nam Á về ngành Ăn mòn và bảo vệ kim loại . Những năm đó chúng tôi đón ông về Hà Nội với một niềm tự hào dân tộc vì có con người học những ngành cần sau này cho nghành đóng tàu Việt Nam. Cháu Hoàng Anh sinh ở Hà Nội 1985, đến năm lên 4 tuổi lại theo cha mẹ sang Nga, lúc đó người cha được mời làm cộng tác viên của Viện Hàn lâm khoa học nước bạn. Năm11 tuổi Hoàng Anh về nước học, rồi vào khoa Kinh tế trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh , ra công tác Tổng công ty khí Việt Nam. Khi nhà còn ở quận Tân Bình, Hoàng Anh thường chơi piano, cửa sổ em mở đối diện phòng nhà trọ của Nguyễn Đăng Thành, từ đấy y mang lòng chiếm đoạt và đòi được yêu Hoàng Anh, bất chấp đối phương có đồng ý hay không. Khi quen và biết Thành, Hoàng Anh đã thấy bạn trai thô bạo nên em luôn từ chối lời tỏ tình của đối tượng. Thành đe dọa giết Hoàng Anh và cả gia đình khi biết nhà có anh trai là Vũ Hoàng Nam, sinh 1979 đang công tác ở nước ngoài, em trai nhỏ học lớp năm. Cha mẹ Hoàng Anh đã đi báo công an (113), công an đề nghị đơn của chính Hoàng Anh viết, em không viết vì lý do mà em đã nói với cha mẹ: "Anh ấy dọa con viết đơn cho công an, anh ấy đòi giết cả nhà, cha mẹ để con đối phó”. Mấy tháng trời cả nhà gồng lên đơn thương độc mã bảo vệ cô con gái bằng cách đưa đi đón về. Nhiều lần Thành đã áp sát xe gia đình và đe dọa. Chỉ cách đây mấy mươi ngày, cha mẹ Hoàng Anh gặp Thành phân tích rõ tình yêu đơn phương không bao giờ có kết quả, Thành hứa sẽ từ bỏ sự ích kỷ trong tình yêu đơn phương của mình. Hoàng Anh cũng muốn tránh quan niệm: tình yêu nghĩa là chiếm đoạt bằng mọi giá của Thành , em tính sẽ ra nước ngoài làm việc, nhưng những dự tính chưa thành thì đã bị Thành giết ngay tại ngõ trong nhà mình.

Sau đám tang, bạn Vũ Nam Phương đã viết lên facebook của “Annie Hoàng Anh”: “ Tao còn nhớ rõ mái tóc, cái mặt, cái mũi cao, nước da không bao giờ cần mỹ phẩm, cái dáng lúc nào cũng tự khen “sang” của mày…Mất đi một đứa bạn như mày thật là một mất mát lớn với tao, với nhiều người khác nữa. Mày quá tốt, quá trong trẻo, quá lương thiện có người ví mày “ như một bông hoa” mày đẹp thật mà, đẹp hoàn thiện từ hình thức tới tâm hồn” (xem http://on.fb.me/idgeL6).

Giở lại, khi còn sống, Hoàng Anh đã trả lời phỏng vấn trong một forum: “Nếu sau này chết đi, bạn mong muốn kiếp sau trở thành cái gì? Vì sao”: “Nếu không được làm con người nữa thì mình muốn trở thành mây, vì mỗi khi mình buồn mình luôn nhìn lên bầu trời và mỉm cười, mình cảm nhận được nó cũng mỉm cười lại với mình, tâm hồn mình cảm thấy thoải mái hơn, nếu có chết đi, mình muốn trở thành mây, để âm thầm, lặng lẽ bên cạnh con người. Mây cũng như con người, có cảm xúc riêng, mây trắng bồng bềnh, mưa để con người không bị hạn hán…”

Khi đọc lại những dòng này, lòng chúng ta càng cảm thương cho một tâm hồn trong trắng, lương thiện bị giết tàn khốc.

Nỗi đau của gia đình, của xã hội: Gia đình của Hoàng Anh mãi mãi không bao giờ nguôi ngoai khi đứa con trong trắng như tờ giấy bị kẻ ác giết một cách vô lương tâm. Một người thân mất đi, cha mẹ, họ hàng, anh em, bè bạn mang nỗi đau ấy sang bao thế hệ. Hệ lụy ấy nó ảnh hưởng tới nhiều người. Phía kẻ giết người, cha mẹ anh em cũng mang tội lỗi: Sao dòng họ, cha mẹ lại sinh ra kẻ giết người tàn bạo vậy? Để tiếng xấu với làng nước,với anh em bạn bè đến bao giờ rửa mới sạch hả trời?

Đối với xã hội, mỗi con người, mỗi thanh niên là tài sản vô giá cho đất nước. Chúng ta được cha mẹ sinh ra phải có đóng góp với núi sông, với cộng đồng và đất nước. Cha mẹ cho ta thân thể cùng với tình yêu thương con người với con người. Đất nước cho ta trí tuệ, ta có nghĩa vụ cống hiến cho đất nước. Mỗi hành động, mỗi suy nghĩ của chúng ta hướng về cộng đồng, trong đó có cha mẹ và những người thân.Từ những quan niệm đích thực đó, không thể len lỏi tư tưởng trả thù, hay giết người là tự hủy hoại đời bằng những tội ác không thể tha thứ

Tiếng kêu cứu tới các cơ quan chức năng: trong xã hội ngày nay kẻ xấu, kẻ ác luôn hoành hành trong cuộc sống bình lặng của bao con người. Muốn tránh gió mà vẫn gặp gió. Khi gia đình giaó sư Vũ Đình Huy đã kêu cứu tới các cơ quan công an, thì xã hội, công an sẽ bảo vệ họ ra sao? Không biết dựa vào đâu, Hoàng Anh phải một mình chống chọi, em sợ lôi gia đình vào thì cha mẹ, anh em bị chết oan dưới tay kẻ ác. Cái chết của Hoàng Anh là một sự tự dấn thân với cái ác để mong cả nhà được bình an. Em chết đi để lại cho chúng ta một sự ân hận dày vò: Sao cả xã hội này không thể bảo vệ được một thiên thần trong trắng và bé nhỏ. Với tình hình hiện nay, chúng ta có thể ra mắt lực lượng bảo vệ “người lương thiện”, để họ không phải sống những ngày thấp thỏm lo âu khi kẻ xấu cho người lương thiện được sống thì được sống, bắt chết phải chết. Lực lương này dựa vào nhân dân chắc sẽ hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ “người lương thiện”. Xã hội bớt đi được cái ác, chúng ta cần một lực lượng bảo vệ người lương thiện.

Tôi tìm đến nhà Giáo sư Vũ Đình Huy tại chung cư 684/6 Trần Hưng Đạo, phường 2, quận 5, TP Hồ Chí Minh, mong để thắp cho Vũ Thị Hoàng Anh nén hương. Sài Gòn đối với tôi còn xa lạ, cơn mưa trái mùa ập đến, tôi không thể tìm ra địa chỉ trên. Người bảo vệ một cửa hàng, cô bán cà phê, bà già nội trợ dắt tôi tới căn nhà trong ngõ, ngách sâu. Họ bàng hoàng đau sót trước cái chết của Vũ Thị Hoàng Anh. Cả con phố Trần Hưng Đạo đều choáng váng sao lại có kẻ ác đến quá ác. Một cô gái đẹp người đẹp nết bị giết ngay trong trung tâm khu dân cư. Cô bán cà phê nói: “ Em mất ngủ mấy đêm, nghĩ sao cái ác hoành hành, còn người tốt thì chỉ biết chống đỡ một cách đơn thương độc mã và kết quả là chết, chết tức tưởi”. Những người tốt liên kết lại, nhà nước có phương án bảo vệ thì sẽ đây lùi cái ác.

Báo Văn nghệ (Liên hiệp các Hội Văn học của TP HCM), số 151, thứ năm 24-3-2011, trang 1.
Bài "Giết một thiên thần, tội ác chồng tội ác" của nhà văn Trần Thị Thắng (trang 1, 12).


Báo Văn nghệ (Liên hiệp các Hội Văn học của TP HCM), số 151, thứ năm 24-3-2011, trang 12-13.
- Bài "Giết một thiên thần, tội ác chồng tội ác" của nhà văn Trần Thị Thắng (trang 1, 12).
- Chùm thơ của Vũ Đình Huy cho con Vũ Thị Hoàng Anh (trang 13)

-------------------------------
CÙNG BẠN ĐỌC THÂN THIẾT,

ĐỌC BÀI GIẾT MỘT THIÊN THẦN, TỘI ÁC CHỒNG TỘI ÁC CỦA NHÀ VĂN TRẦN THỊ THẮNG GỬI ĐẾN BÁO, CHÚNG TÔI VÔ CÙNG BÀNG HOÀNG, SỬNG SỐT. BÀNG HOÀNG, SỬNG SỐT VÌ NGƯỜI MÀ NHÀ VĂN TRẦN THỊ THẮNG GỌI LÀ "THIÊN THẦN" Ở ĐÂY KHÔNG PHẢI AI XA LẠ MÀ LÀ CHÁU VŨ THỊ HOÀNG ANH, CON GÁI NHÀ KHOA HỌC - NHÀ THƠ VŨ ĐÌNH HUY - HAI NGƯỜI ĐÃ CÓ LẦN TÌM ĐẾN NHÀ THĂM CHÚNG TÔI Ở QUẬN 7. CHÚNG TÔI RẤT XÚC ĐỘNG GỌI ĐIỆN THOẠI TÌM ANH VŨ ĐÌNH HUY, THĂM HỎI, CHIA BUỒN VÀ RẤT MAY MẮN ĐƯỢC ANH VŨ ĐÌNH HUY GỬI CHO XEM NHỮNG BÀI THƠ ANH VIẾT VỀ NGƯỜI CON GÁI THÂN YÊU CỦA MÌNH ĐÃ RA ĐI. XIN ĐƯỢC TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU MẤY BÀI THƠ TRÊN CÙNG VÀI TẤM ẢNH CHÁU VŨ THỊ HOÀNG ANH CẠNH BÀI VIẾT GIẾT MỘT THIÊN THẦN, TỘI ÁC CHỒNG TỘI ÁC CỦA NHÀ VĂN TRẦN THỊ THẮNG ĐỂ MỌI NGƯỜI CÙNG ĐỌC, CÙNG CHIA SẺ NỖI ĐAU THƯƠNG, MẤT MÁT LỚN VỚI GIA ĐÌNH ANH VŨ ĐÌNH HUY, CÙNG NGHĨ ĐẾN TRÁCH NHIỆM LỚN LAO CỦA MÌNH TRƯỚC NHỮNG VẤN ĐỀ NHỨC NHỐI ĐANG ĐẶT RA TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI HIỆN NAY.
BBT. BÁO VĂN NGHỆ
------------------------------------
CON NẰM BỆNH VIỆN

Đêm qua
Lần đầu xa cả mẹ cha
Con một mình nằm trong bệnh viện

Cha nhốt kín
Đồng hồ trong tủ kính
Sao bước thời gian cứ gõ lên đầu ?
Đêm dài lâu
Réo vang điện thoại
Giật thót tim, cha bật dậy
Tưởng đâu bệnh viện gọi vào

Có lẽ nào
Trong thân con bé nhỏ
Lại chứa đựng mọi vui, buồn, sướng, khổ
Của cả cuộc đời mẹ, cha?
Matxcơva – Liên bang Nga, 16 – 4 -1990
--------------
CHỜ ĐỔI CA TRÊN GIÀN KHOAN DẦU KHÍ

Trời buông giữa biển mây tim tím
Mưa tít mù quay, sóng nhảy xà
Hy vọng đổi ca chìm lịm lịm
Con xa đừng nhắc, nóng lòng cha!
Giàn khoan số 4 Mỏ Bạch Hổ, 30-8-1999
---------------------------------

CÒN ĐÓ TAI ƯƠNG
Thương tiếc con Vũ Thị Hoàng Anh (1985 - 2011)
Bồng bềnh giữa rừng hoa trắng
Trên dòng suối lệ tiếc thương
Con đi về miền yên lặng
Nhắc đời: còn đó tai ương!
TP Hồ Chí Minh, 2-3-2011
-----------------------------------

Báo Người Hà Nội, số 112, 18-3-2011, trang 1.
- Bài "Cái ác hoành hành, xã hội đành bó tay?" của nhà văn Trần Thị Thắng (trang 38-39).

Báo Người Hà Nội, số 112, 18-3-2011, trang 38-39.
- Bài "Cái ác hoành hành, xã hội đành bó tay?" của nhà văn Trần Thị Thắng (trang 38-39).

No comments:

Post a Comment